Chất lính trong một doanh nhân

Lần đầu chúng tôi gặp CCB, doanh nhân Trần Hữu Quân là năm 2020, trong chuyến đi thăm hang Dơi, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Thật khó hình dung người lãnh đạo một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất, cung ứng các sản phẩm nội thất, bao bì, cửa nhôm ở khắp 63 tỉnh, thành phố trong nước và chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính tại châu Mỹ và châu Âu như Canada, Mỹ, Australia... lại giản dị thế. Anh thích mặc quần kaki, áo sơ mi cộc tay và uống trà đá, cà phê vỉa hè. Đó là hình ảnh khi anh làm việc. Còn có một hình ảnh mà người ta thường thấy hơn ở anh, đó là hình ảnh anh với màu xanh áo lính. Hai năm chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên và những gì diễn ra trong khoảng thời gian đó, như anh nói là những ký ức không thể phai mờ, sẽ đi theo anh hết cuộc đời này.

Quay trở về thời niên thiếu, cậu bé Quân ngày ấy là “thủ lĩnh” của những trò nghịch ngợm trong Khu tập thể Công an vũ trang (đường Đào Tấn, TP Hà Nội), là “chuyên gia” nghĩ ra những trò chơi quậy phá khiến cha mẹ nhiều phen đau đầu. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài tinh nghịch là một trái tim giàu tình cảm, luôn biết yêu thương, chia sẻ. Cha của anh Quân là nhà báo-nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Những câu chuyện chiến trường, những trang viết, bài thơ cha đọc cho anh nghe mỗi tối đã hun đúc trong anh lòng yêu nước và ngưỡng mộ Bộ đội Cụ Hồ...

leftcenterrightdel

Doanh nhân Trần Hữu Quân 

Vì thế, năm 1985, Trần Hữu Quân gác lại ước mơ học đại học, xung phong nhập ngũ. Anh được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Sau khi trở về từ chiến trường, Trần Hữu Quân đã mang theo mình bài học quý báu về tinh thần kỷ luật, lòng kiên trì, sự can đảm và quyết đoán. Những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã rèn luyện cho anh một ý chí mạnh mẽ và tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ. Những phẩm chất này đã trở thành nền tảng giúp anh thành công khi bước vào con đường kinh doanh.

Năm 1997, sau thời gian học tập và làm việc tại Cộng hòa dân chủ Đức, Trần Hữu Quân trở về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp tại Tập đoàn Ngọc Diệp (lúc đó là Trung tâm nội thất văn phòng, gia đình, trường học; năm 1998 là Công ty Thương mại & Sản xuất Ngọc Diệp). Tại đây, với vai trò là Giám đốc, anh cùng đội ngũ lãnh đạo đã dẫn dắt Tập đoàn Ngọc Diệp từ một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất nội thất, trở thành một tập đoàn đa ngành, có uy tín lớn trong các lĩnh vực như nội thất, bao bì carton, cửa và nhôm...

Chất lính trong Trần Hữu Quân với Tập đoàn Ngọc Diệp thể hiện ở chỗ anh luôn xông xáo, đi đầu trong mọi việc. Một trong những đóng góp quan trọng của anh là việc tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ngay từ năm 1999, Trần Hữu Quân đã quyết tâm đưa phần mềm thiết kế AutoCAD vào sử dụng, khi công nghệ này vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Tiếp tục, anh lại đi đầu trong việc áp dụng công nghệ trình chiếu 3D vào thiết kế nội thất, giúp khách hàng có trải nghiệm trực quan và thực tế hơn về sản phẩm của Tập đoàn Ngọc Diệp... Việc luôn đón đầu xu hướng thị trường không chỉ giúp Tập đoàn Ngọc Diệp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giữ vững vị thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc.

Trước những biến động mạnh mẽ của thị trường, CCB Trần Hữu Quân cùng tập thể ban lãnh đạo đã vững tay chèo lái Tập đoàn Ngọc Diệp vượt qua bao sóng gió. Khởi đầu từ lĩnh vực kinh doanh nội thất văn phòng, gia đình, trường học từ năm 1996, Ngọc Diệp lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực bao bì carton (năm 1998), cửa (năm 2010), nhôm (năm 2016). Năm 2017, Ngọc Diệp tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Ngọc Diệp giữ vai trò là công ty mẹ cùng 4 công ty thành viên. Lúc này, Trần Hữu Quân bắt đầu giữ trọng trách là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ngọc Diệp đến ngày nay.

Không chỉ tập trung vào phát triển kinh doanh, anh Trần Hữu Quân còn đặc biệt quan tâm đến đời sống của người lao động. Anh luôn xem người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, luôn bảo đảm rằng họ được hưởng những điều kiện làm việc tốt nhất. Tại Tập đoàn Ngọc Diệp, chế độ tiền lương, tiền thưởng và những chế độ phúc lợi xã hội luôn được đảm bảo tốt. Anh Quân đặc biệt khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân viên được học tập, nâng cao trình độ và cập nhật các xu hướng, công nghệ  mới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Tập đoàn.

Chị Nguyễn Thị Phương Thanh, Trưởng phòng Dự án, người gắn bó với Tập đoàn Ngọc Diệp 17 năm chia sẻ rằng, chị rất trân quý anh Trần Hữu Quân, bởi anh là người lãnh đạo luôn biết truyền cảm hứng cho mọi người bài học về sự nỗ lực, cố gắng và đặc biệt về lòng yêu thương, lá lành đùm lá rách. Chị ấn tượng mãi về lòng bao dung của anh khi vào năm 2015, anh Quân từng giúp đỡ một xưởng sản xuất sau lần họ gặp khó khăn về tài chính, không thể xuất khẩu hàng như dự định, có nguy cơ phá sản. Tấm lòng đùm bọc lẫn nhau của anh Quân đã giúp cho xưởng sản xuất có thêm kinh phí, nguồn lực để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.

Với những đóng góp của anh Quân, Tập đoàn Ngọc Diệp luôn duy trì được sự phát triển bền vững. Tập đoàn liên tục đứng trong tốp 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, tốp 10 công ty vật liệu xây dựng hàng đầu trong nước, được vinh danh Thương hiệu Quốc gia... Tập đoàn đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động...

Đau đáu với Vị Xuyên

 Cùng với những đóng góp trong phát triển kinh tế, CCB Trần Hữu Quân còn ra sức cống hiến những giá trị bền vững cho xã hội. Anh tâm niệm rằng, thành công đã đạt được chỉ thực sự có ý nghĩa khi đem lại giá trị tích cực cho xã hội. Với trái tim nhân ái và lòng biết ơn sâu sắc đối với đất nước và đồng đội, Trần Hữu Quân đã và đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt tại mảnh đất Vị Xuyên, nơi anh từng chiến đấu và gắn bó. Mỗi lần quay lại Vị Xuyên, anh Quân luôn xúc động bởi như được trở về nhà mình.

Đã thành thói quen, cứ vài tháng hoặc vào những dịp kỷ niệm, anh Quân lại dành thời gian về thăm lại mảnh đất Vị Xuyên, trong đó có hang Dơi. Hang Dơi, một hang núi tự nhiên, thời đạn lửa là nơi tập trung quân, nơi trú ẩn, cứu thương cho bộ đội. Với sự đóng góp công sức, vật chất của anh Quân cùng đồng đội, bây giờ hang Dơi đã trở thành di tích, điểm đến tham quan, giáo dục lịch sử, truyền thống rất ý nghĩa.

leftcenterrightdel
          

CCB Trần Hữu Quân (ngoài cùng, bên trái) kể chuyện truyền thống với các học sinh tại hang Dơi (Vị Xuyên, Hà Giang). Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Lúc chúng tôi có mặt tại hang Dơi, CCB Trần Hữu Quân đang say sưa kể câu chuyện xúc động mà anh mãi mãi không bao giờ quên... Sáng 30-11-1987, chiến sĩ Trịnh Hồng Thắng ra bờ suối lấy nước. Trịnh Hồng Thắng vừa bước xuống suối thì nghe tiếng đạn pháo nổ, một mảnh đạn văng vào người khiến anh bị thương nặng. Lúc này, các chiến sĩ Lê Văn Phương và Vũ Hữu Thắng vội vàng lao ra để kéo đồng đội vào hang trú ẩn thì một loạt pháo đã làm Lê Văn Phương và Vũ Hữu Thắng hy sinh. Đồng chí Lê Văn Phương hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi, bức thư viết cho người yêu còn đang dang dở... Nghe anh Quân kể chuyện, những em học sinh Trường THPT Tân Quang (Hà Giang) không kìm được cảm xúc, mắt đỏ hoe.

Ngày nay, trước những khó khăn, thiếu thốn của Vị Xuyên, anh Quân cùng đồng đội và các nhà hảo tâm đã tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình, đóng góp vật chất để xây dựng, phát triển kinh tế tại mảnh đất này. Anh đóng góp, kêu gọi đồng đội xây dựng cầu Tân Duyên bắc qua suối Thanh Thủy; xây dựng vườn hoa đồng đội bên vách đá hang Dơi-đây là nơi đón nhận thi hài các anh hùng liệt sĩ; cùng đồng đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... Anh huy động vốn, kêu gọi tài trợ, đầu tư cơ sở vật chất cho trường học để những trẻ em ở Vị Xuyên có cơ hội học tập tốt. Vì thế nhiều phần quà như quần áo, thiết bị, đồ dùng học tập... được trao tặng cho học sinh vào đầu các năm học. Anh Quân còn tổ chức Chương trình “Chúng em theo dấu chân người lính” đến làng Pinh, hang Dơi, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại điểm cao 468... để giáo dục lịch sử, truyền thống cho các em học sinh.

Câu chuyện về CCB, doanh nhân Trần Hữu Quân không chỉ là câu chuyện của riêng anh, mà còn là câu chuyện của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã trải qua chiến tranh, vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình. 

HẢI ANH