Chúng tôi có mặt tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi được mệnh danh là “túi bom” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Huyện Vĩnh Linh trước kia là Đặc khu Vĩnh Linh, địa đầu giới tuyến, tiền tiêu của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hứng chịu những khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh hủy diệt do đế quốc Mỹ gây ra. Đón chúng tôi, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị "giới thiệu" ngay: Bình quân mỗi người dân nơi đây phải "đội" tới 7 tấn bom, đạn.

leftcenterrightdel

Chi nhánh Trường Sơn 97 rà phá bom, mìn, vật nổ trên Sông Hậu (Trà Vinh). Ảnh: TRƯỜNG SƠN 

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, vậy mà dưới lòng đất Vĩnh Linh vẫn còn không ít đạn, bom, vật nổ... “Thần chết” luôn rình rập. Vì vậy, tất cả công trình xây dựng lớn tại đây đều phải quan tâm đặc biệt đến việc rà phá bom, mìn. "Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đơn vị rà phá bom, mìn, nhưng chúng tôi rất yên tâm với cách làm việc của Trung tâm Rà phá bom, mìn (thuộc Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Trước hết là trang thiết bị của họ hiện đại. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được đào tạo chính quy, triển khai bài bản, luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối", đồng chí Hà Sỹ Đồng khẳng định.

Được biết Trung tâm Rà phá bom, mìn đang bắt “thần chết” trên công trình trọng điểm quốc gia “Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua khu vực Vĩnh Linh”, chúng tôi cùng Đại tá Phạm Anh Tú, Phó tổng giám đốc Tổng công ty GAET hành quân bộ với bộ đội vào vị trí tập kết. Tôi hỏi anh sao không đi bằng ô tô, anh trả lời tôi kèm cái nhìn đầy ẩn ý: Rồi anh sẽ hiểu.

Đến vị trí tập kết, Đại tá Phạm Anh Tú trực tiếp kiểm tra các thiết bị chuyên dụng và giao nhiệm vụ cho các đội làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ trên công trường. Nhấn mạnh đến công tác bảo đảm an toàn, Đại tá Phạm Anh Tú yêu cầu cán bộ, chiến sĩ và nhân viên kỹ thuật các đội phải tuân thủ quy định, quy tắc an toàn; các bước triển khai phải được tổ chức chặt chẽ, chỉ huy thống nhất theo đúng trình tự. Trong quá trình tổ chức thi công, nghiêm cấm các đội tự động thay đổi quy trình kỹ thuật. Khi gặp những vấn đề phát sinh, cần thay đổi một số bước trong quy trình đã được duyệt phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. 

Chỉ tay vào lối mòn vừa hành quân qua, Đại tá Phạm Anh Tú nói với tôi, đây là đường Trường Sơn thời chiến tranh, nhưng không còn vết xe ô tô đi, vì thế rất có thể trên đường vẫn còn bom, xe chạy trên đây sẽ nguy hiểm...

leftcenterrightdel

Trung tâm Rà phá bom, mìn thực hiện nhiệm vụ tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: PHÚ THỌ 

Sắp vào hạ. Cái nắng bắt đầu gay gắt. Mới chốc lát mà bộ quân phục dã chiến của cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Rà phá bom, mìn đã ướt đẫm mồ hôi. Nhiệm vụ đầu tiên mà các đội rà phá bom, mìn trên công trường thực hiện là phải phát quang bụi cây, cỏ dại. Công việc tưởng chừng đơn giản này cũng phải làm thận trọng bởi rất có thể giẫm phải bom, mìn. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ phải sử dụng thiết bị bảo hộ, chặt cây không quá cao nhưng cũng không quá thấp so với mặt đất. Sau khi phát quang, quy trình tiếp theo là dò bằng máy dò nông để tìm kiếm những vật kim loại ở gần mặt đất, trong đó có cả bom, mìn. Tiếp đó là sử dụng máy dò sâu. Hiện nay các thiết bị của Trung tâm Rà phá bom, mìn có thể phát hiện bom, mìn, có độ sâu tới 3 mét dưới mặt đất hoặc 30 mét dưới mặt nước. Các máy dò bom, mìn vận hành trong cự ly được giới hạn bởi các đường dây và làm theo tuần tự.

Khi máy rà bom, mìn phát tín hiệu “tít, tít” có nghĩa là có vật bằng kim loại, người vận hành máy phải dùng thuốn cắm xuống đất để xác định vị trí vật kim loại và kích thước của kim loại. Tiếp đó, dùng xẻng hoặc dao, thận trọng đào từng lớp đất. Vật nổ có khi chỉ là một đầu đạn nhỏ, nhưng cũng có thể là bom chưa nổ hoặc đầu đạn lớn.“Chiến lợi phẩm” thu được sau khi dò bom, mìn là các mảng kim loại không gây nguy hiểm được thu gom riêng và các loại bom, mìn, đạn còn thuốc nổ được đưa vào hố chờ tiêu hủy.

Vào dịp đầu xuân mới vừa qua, theo các đội rà phá bom, mìn của Chi nhánh Trường Sơn 97 (Binh đoàn 12) làm nhiệm vụ tại xã biên giới Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, chúng tôi thực sự cảm phục sự tỉ mỉ, cẩn trọng của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Tại đây, mìn còn sót lại sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất nhiều, địa hình lại phần lớn là núi đá. Vậy mà cán bộ, chiến sĩ của Chi nhánh Trường Sơn 97 vẫn miệt mài, cần mẫn vạch từng khe đá, bụi cây... tìm kiếm bom, mìn.

Công tác rà phá bom, mìn, vật nổ là nhiệm vụ đặc thù, nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị thường xuyên phải đối mặt với “tử thần”. Để xảy ra mất an toàn là phải trả giá bằng xương máu, tính mạng. Để khắc phục những khó khăn ấy, theo Thượng tá Phạm Anh Duy, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Chi nhánh Trường Sơn 97: Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều có phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đơn vị cũng luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, các loại máy dò bom, mìn hiện đại, có tính năng kỹ thuật tốt, phù hợp điều kiện ở những vùng rừng núi hiểm trở, những dự án có mực nước sâu, mặt nước rộng...

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Chi nhánh Trường Sơn 97 rà phá bom, mìn, vật nổ tại huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: PHÚ THỌ 

Từ năm 2020 đến nay, Chi nhánh Trường Sơn 97 đã triển khai thi công hàng trăm dự án, trả lại bình yên cho hàng nghìn héc-ta đất; xử lý an toàn hàng chục tấn bom, đạn, vật nổ các loại. Các dự án do đơn vị đảm nhiệm thi công luôn bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn, đáp ứng yêu cầu tiến độ của chủ đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội.

Không có điều kiện đi được hết các đơn vị chuyên đi bắt “thần chết” trong toàn quân, nhưng mới chỉ tiếp xúc với hai trung tâm rà phá bom, mìn, vật nổ của Binh đoàn 12 và Tổng công ty GAET, chúng tôi đã hiểu thêm được một phần công việc của họ. Được biết, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở nước ta hiện nay đều được kế thừa về lực lượng, kinh nghiệm từ các đơn vị công binh trong toàn quân. Các đơn vị này đều đã được Bộ Quốc phòng cấp giấy phép hành nghề “khảo sát, dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ”.

"Công tác khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom, mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh phát triển kinh tế-xã hội bền vững" (Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính).

ĐỖ PHÚ THỌ