Phía bắc, cách bờ sông Bến Hải không xa là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm sừng sững giữa dãy đồi cao. Cái hàng rào mà kẻ thù một thời dương dương tự đắc “hàng rào điện tử McNamara” giờ lại là những vùng đất phủ đầy cây xanh. Dấu vết cũ đã lùi xa. Hàng vạn, hàng vạn chiến sĩ yêu dấu của chúng ta, sinh ra từ khắp mọi miền đất nước, hôm nay trong giấc ngủ vĩnh hằng vẫn như có lời nhắn gửi khát vọng sự vững bền của một đất nước thống nhất. Rồi giữa lòng Quảng Trị vẫn là bóng hình các anh, những chiến sĩ phất cờ giải phóng năm nào trên căn cứ Đầu Mầu, điểm cao 241, động Ông Do, Làng Cùa. Phía tây như vẫn văng vẳng bước quân hành của những đoàn quân Khe Sanh, từ Cửa khẩu Lao Bảo theo Đường 9 tiến về đồng bằng trong mưa bom, bão đạn. Những ngày cuối tháng 1-1973, tôi có mặt ở Cửa Việt, nơi Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 đánh phản công giành chiến thắng, bắt sống lính đặc nhiệm ngụy, thu nhiều xe tăng, thiết giáp. Từ tây nam xuôi về phía đông theo dòng sông Thạch Hãn là cả một kỳ quan lịch sử. Dòng sông từng nhuốm đỏ máu đào của hàng trăm nghìn chiến sĩ hy sinh để giành lại một thành cổ nổi bật giữa đất trời Quảng Trị hôm nay.

Nhà báo Ngọc Đản (bên trái) tác nghiệp tại Mặt trận Trị Thiên năm 1972 (người đứng giữa tấm ảnh là Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn). Ảnh do nhà báo Ngọc Đản cung cấp 

Đứng giữa thị xã Quảng Trị, một vị tướng, cựu chiến binh Sư đoàn 320 tâm sự với tình cảm da diết: “Chúng ta đang sống trên mảnh đất thiêng. Bởi vậy, mỗi con người hôm nay phải có tấm lòng trong sáng, sống làm sao cho thỏa nguyện hương hồn những người ngã xuống. Chúng ta nguyện sẽ xây đắp cuộc sống đi tiếp phần đời đầy khát vọng của những người chiến sĩ năm xưa”.

Đó cũng chính là tâm nguyện của người Quảng Trị. Bây giờ, thị xã Quảng Trị đã trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại; cả Quảng Trị đều hiểu rằng thị xã đã lớn lên từ vùng đất hoang tàn, cả thành cổ không giữ được một viên gạch nguyên vẹn. Mỗi tấc đất ở đây đều thấm máu người chiến sĩ. Bây giờ cứ mỗi dịp hè-thu, hoa phượng đỏ rực đường phố, hoa sữa nồng nàn như người Quảng Trị đằm thắm với nghĩa tình cả nước hơn bất cứ nơi nào.

Nay thị xã đã có hàng chục đường phố chính. Nhiều đường phố được mở rộng từ 10 lên 20m đẹp mắt như đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Quang Trung. Con đường chạy xuôi bờ sông Thạch Hãn mang tên Đại đoàn Đồng Bằng. Những chiến sĩ năm xưa yên nghỉ nơi đây ngày đêm như thấy hương lúa ngạt ngào từ Triệu Phong, Hải Lăng xuôi gió tỏa về thị xã mà ngập tràn cảm giác thanh bình, êm ả.

Hằng năm, chúng tôi-những người làm báo, từng được trao tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị lại về đây thắp hương cho đồng đội. Gần như xã nào, huyện nào cũng là một “địa chỉ đỏ” đầy ấn tượng để đồng bào cả nước và bè bạn xa gần ghi sâu một thời máu lửa. Người Quảng Trị hôm nay luôn nguyện xứng đáng là chủ nhân của mảnh đất mà bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, quyết nối bến bờ của đất nước thống nhất và giành độc lập, tự do dân tộc.

Triệu Trạch-một xã nhỏ của huyện Triệu Hải nằm ven bờ sông Thạch Hãn. Nơi đây có hàng trăm chiến sĩ mà phần lớn tuổi mới 19-20 đã hy sinh trong những ngày hè năm 1972. Mỗi con người Triệu Hải hôm nay vẫn giữ nguyên vẹn tình cảm cách mạng, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Cách đây chưa lâu, hôm chúng tôi đến thăm nhà mẹ Hải, bà mẹ có hai con liệt sĩ nhưng trên bàn thờ vẫn có thêm bức ảnh của một chiến sĩ trẻ. Mẹ nói, nó quê ngoài Bắc nhưng hy sinh trong căn nhà của mẹ mà dấu tích để lại là chiếc ba lô và tấm hình này. Có bao nhiêu chiến sĩ đã chiến đấu giành đi giật lại từng ngôi nhà trong làng Triệu Trạch và bao người hy sinh, chỉ có các mẹ là nhớ hết. Trở lại những vùng trận mạc hôm nay, người mang nặng kỷ niệm nhất cũng chẳng thể tìm lại một dấu tích dù là nhỏ nhất của hôm qua. Những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, những ngôi nhà xinh xắn đã mọc lên trên tất cả bề mặt của những thảm bom rải thảm, của pháo bầy, rốc-két. Ở Quảng Trị, tự màu xanh đã phủ kín những cồn khô đất bạc với hơn 90/117 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, hạ tầng cơ sở phát triển. An ninh chính trị được giữ vững. Quảng Trị nay đã hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm nông nghiệp. Vùng đất đầy nắng gió đang vươn lên trở thành trung tâm năng lượng miền Trung. Mỗi mầm cây, mỗi nụ hoa vươn lên từ đất này, ta vẫn thấy như có lời nhắn gửi của bao người đã khuất. Đất Quảng Trị thiêng trước hết là ở sự tích của những con người đã hy sinh. Những o du kích, những anh bộ đội địa phương một thời chiến đấu, nay vẫn kể với nhau về những anh bộ đội chủ lực mà họ từng gắn bó, chiến đấu.

Làng Cùa (Cam Lộ) dưới chân động Ông Do, sát nách cao điểm 241 lịch sử, nơi lãnh tụ Cuba Fidel Castro từng có mặt vào những năm tháng chiến tranh, hôm nay đẹp như một bức tranh. Người chủ của một trang trại hồ tiêu, cà phê vốn là lính ngụy, năm nay đã ngoài 75 tuổi. Cuộc sống của ông chỉ có ý nghĩa từ phần sau cuộc đời, nghĩa là kể từ khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Ông không theo một số ít người lầm đường chạy trốn mà trở về quê hương ngay từ ngày Quảng Trị giải phóng. Đất và con người quê hương dang vòng tay gần gũi. Ông trồng lại hồ tiêu, vực dậy mảnh đất mà thuở nào ông còn thấy xa lạ. Những người hàng xóm một thời ông cho là khác nhau chiến tuyến đã trở nên gần gũi, thân quen. Bây giờ ông mới nhận rõ họ chính là bà con mình, họ đã chiến đấu không chỉ vì vùng đất của riêng ai mà mang lại bình yên cho chính mỗi người dân trên quê hương. Từ đôi bàn tay trắng, nay ông đã sắm nên cả một cơ ngơi khang trang, xây dựng nhà mới, mua sắm xe máy, ti vi, ô tô. Con cái ông được học hành tử tế. Bà con lối xóm không ai nhắc về quá khứ của ông. Trong trang trại của mình, thỉnh thoảng ông lại giật mình phát hiện ra hài cốt liệt sĩ. Họ hy sinh mà không hề mang lại một chút lợi ích riêng tư cho bản thân. Người dân bản làng của ông đã hơn 49 năm nay sum vầy trên quê hương. Mảnh đất bình yên, cây hồ tiêu, cà phê lao xao trong gió mới như lúc nào cũng thấp thoáng hình ảnh bộ đội Giải phóng quân. Và cũng chính trên mảnh đất này, tôi từng được chứng kiến những ngày sôi động của phong trào luyện quân Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

46 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, vết thương trên đất Quảng Trị đã lành bởi sức hồi sinh mãnh liệt. Một Lao Bảo ngày nào hoang vắng nay đã trở thành một cửa khẩu đông vui, nhộn nhịp, làm đẹp thêm mối tình Việt-Lào thủy chung. Một thế hệ mới lớn lên nhưng không ít trong số họ có bố mẹ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Một nhân viên hải quan còn trẻ nói chuyện với chúng tôi, giọng nói điềm tĩnh, bộc trực: “Đất này thiêng lắm anh ạ! Thời Pháp, đây là nhà tù. Thời chống Mỹ, đây là túi bom đạn. Các cụ đã ngã xuống trên đất này không kể xiết. Bởi vậy làm gì cũng phải nghĩ đến hương hồn các cụ”. Xuôi Đường 9 về Đông Hà lại nhớ đến bao chiến sĩ của Đại đoàn Quân Tiên Phong, Đại đoàn Đồng Bằng, K5, K14 bộ đội địa phương Quảng Trị đã ngã xuống trước ngày Quảng Trị giải phóng. Giờ đây không thể hình dung một thành phố Đông Hà đã mọc lên thay cho “ngôi nhà 8 mái” sau những trận đánh đã đi vào huyền thoại. Ngắm nhìn các cô gái Vân Kiều, Cơ Ho về đây mua sắm hàng hóa, vui chơi trong siêu thị mới thấy hết giá trị của sự hy sinh to lớn ấy. Ở đây, tôi đã gặp biết bao Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có không ít bà mẹ cả nhà đi chiến đấu, cả nhà hy sinh. “Không buồn, không tủi vì chúng nó hy sinh đã mang lại hạnh phúc cho con người”, giọng nói một bà mẹ thấy đượm buồn mà vẫn khảng khái như thế.

Quảng Trị-đất thiêng là vậy. Bởi vậy, người Quảng Trị luôn tri ân các lớp cha anh và những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì mảnh đất này. Đội ngũ cán bộ và ngay chính người dân luôn nhắc nhở nhau “uống nước nhớ nguồn”. Sự gần gũi với nhân dân, chăm lo cho cuộc sống người dân đã trở thành đạo lý, lẽ sống của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị hôm nay.

46 năm giang sơn thu về một mối, nhưng khúc bi hùng Thành cổ Quảng Trị vẫn mãi lắng đọng trong lòng người. Điều đó, bạn hãy đọc trong hàng nghìn trang cảm tưởng được viết bằng nhiều chữ viết có trên thế giới của nhiều lứa tuổi, mọi màu da và nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khi họ về thăm Thành cổ Quảng Trị-di tích được xếp hạng đặc biệt của Việt Nam. Một cựu binh khi trở lại Việt Nam, đứng lặng hàng giờ trước tượng đài Thành cổ, ông ta chưa hết bàng hoàng về “mùa hè đỏ lửa” năm 1972; lại càng kinh ngạc hơn bởi từ nơi không còn viên gạch nào nguyên vẹn, nay đã mọc lên một thị xã xinh xắn, êm đềm, lung linh nghiêng bóng trên dòng sông Thạch Hãn, mải miết khoe mình như chưa từng qua mùa hè của tận cùng tang tóc ấy. Một nét bút nguệch ngoạc, run run: “Tôi đang có cảm giác vừa xấu hổ, vừa ngưỡng mộ”. Người dân Quảng Trị ngắm nhìn ông ta không có đôi mắt hận thù mà chỉ có đau đáu niềm tự hào quê hương. Đất thiêng Quảng Trị là vậy đó!

Có một vị tướng đã chiến đấu ngót 5 năm trên mảnh đất này. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhiều lần tâm sự: “Quảng Trị là đất thiêng. Ai đi ngược lại dòng chảy của lịch sử, không làm yên lòng những đồng đội của chúng ta đã hy sinh trên mảnh đất này là tự hủy hoại chính mình”. Bởi vậy mà người dân Quảng Trị hôm nay luôn nguyện là chủ nhân của mảnh đất mà các anh hùng liệt sĩ đã quyết chí để giành lại sự thống nhất giang sơn nước nhà, để xây lại một chiếc cầu Bến Hải to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, biểu tượng của sự vững chãi đi lên của một gạch nối đất nước bước vào thời kỳ mới.

Sự tàn khốc của cuộc chiến tranh với quy mô “đấu súng” và bom đạn Mỹ-ngụy trút xuống không ở đâu so bằng Quảng Trị. Trên mảnh đất nghiệt ngã này, người dân Quảng Trị đã gồng mình lên, đứng vững để hàn gắn vết thương. Nhìn những nghĩa trang với những hàng bia liệt sĩ từ bờ sông Bến Hải, Cam Lộ, Đông Hà đến Thành cổ với những di tích lịch sử, hôm nay chúng ta vẫn nhận ra Quảng Trị chính là bưu ảnh chứa đầy quá khứ và tương lai. Hôm nay về Quảng Trị, tôi đã gặp Lê Quang Tùng, một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi. Tuổi trẻ nhưng anh hiểu rất sâu sắc nỗi đau mất mát của người dân nơi đây, sự hy sinh vô giá của một thế hệ cầm súng bảo vệ quê hương và trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo mới. Anh tâm sự: “Người dân Quảng Trị kỳ vọng vào chúng tôi, những người lãnh đạo sẽ phấn đấu cống hiến để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng đó của bà con, cô bác, xây dựng một Quảng Trị đẹp tươi, hùng vĩ”.

Ghi chép của NGỌC ĐẢN nguyên phóng viên Mặt trận Trị Thiên