Lội ngược dòng

Mở đầu câu chuyện, vị Đại tá sinh năm 1933 hỏi tôi rằng: "Cậu có biết gì về thông tin liên lạc quân sự không?".

- Dạ, cháu có biết chút ít!

Ông rót nước, đẩy chiếc ly về phía tôi, rồi kể: Ngày đó, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ vài năm, ông được trên cử đi học Khóa 2, trường ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao). Đến năm 1965, có 10 người trong khóa học được điều về Cục II làm công tác thu tin tình báo. Trong giao nhiệm vụ, đồng chí Cao Pha, Phó cục trưởng Cục II khi đó nhấn mạnh: “Phải tìm mọi cách nắm cho bằng được tin tức về Mỹ”. Chẳng ai dám đứng lên phát biểu và hứa hẹn. Ông Tụng và mọi người canh cánh suy nghĩ: Liệu mấy anh học ngoại giao, "a-ma-tơ" về quân sự đi làm cán bộ, chỉ huy mấy anh thu tin viên vừa được đào tạo tiếng Anh cấp tốc 12 tháng, có thể làm nên trò trống gì?

leftcenterrightdel
 Đại tá Trần Văn Tụng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 kể chuyện săn tìm B-52 trên sóng điện. Ảnh: MẠNH THẮNG

Khi bắt tay vào việc, ông Tụng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn một năm trời chẳng thu được kết quả gì ra đáng kể. Có thu tin viên tìm được sóng mạng SAR (Search and Rescue)-có nghĩa là tìm kiếm và cấp cứu phi công rơi nên rất âu sầu. Tin phi công rơi chẳng có tác dụng gì vì trận đánh đã xong, trong khi cấp trên yêu cầu phải biết trước thông tin về thời gian, số lượng máy bay địch tham chiến và địa điểm đánh phá. Sau này, ông Tụng đã nhờ ông Lâm Hoài, cán bộ Cục II, làm nhiệm vụ hỏi cung tù binh phi công Mỹ về mật danh liên lạc, nhưng bọn tù binh phi công cố tình che giấu, khai lòng vòng. Cuối cùng, bằng cách đối sánh và kiểm chứng lời khai, ông Hoài cho vài thông tin hữu ích. Chúng khai “J” là mật danh của máy bay trực thăng chuyên đi làm nhiệm vụ cấp cứu. Trên sóng điện, chúng gọi nhau bằng mật danh “J21, J22... J28”. Đó chính là 8 chiếc máy bay trực thăng đi làm nhiệm vụ cấp cứu. Cứ một trực thăng cấp cứu phục vụ 10 máy bay chiến thuật đi đánh phá. Có 8 máy bay trực thăng lên sóng báo “radio check” nghĩa là trận ấy sẽ có 80 máy bay đi đánh phá.

Ngay hôm sau, Phạm Xuân Khà đảm nhận trực ban và ứng dụng thử thì trúng liền. Từ ấy, ngày nào đội của ông Tụng cũng cung cấp tin về số lượng máy bay địch đưa đi đánh phá ngoài vĩ tuyến 20. Ông Tụng phân tích, trực thăng cấp cứu báo “radio check” trên sóng có nghĩa là “đã sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu, trận đánh có thể được bắt đầu”.

Tuy nhiên, làm thế nào để biết được thời gian máy bay Mỹ đánh phá lại là câu hỏi hóc búa. Sau nhiều lần đối sánh, chắt lọc thông tin, các thu tin viên đã xác định được quy luật bất di bất dịch của địch. Khi phi công cấp cứu lên sóng báo “radio check” thì đài chủ lệnh cho phi công Mỹ đến đánh phá. 2 tiếng rưỡi sau, máy bay Mỹ sẽ đến địa điểm đánh bom. Như vậy, chỉ cần xác định thời gian trực thăng cấp cứu “radio check” rồi cộng với tiếng rưỡi là có đáp số. Về địa điểm đánh phá thì hoàn toàn dựa vào phán đoán để cung cấp tin cho chỉ huy. Ở thời điểm đó, ông Tụng và đồng đội bám sát vị trí của Hạm đội 7 nên đã tìm ra quy luật. Khi đánh phá Khu 4 (vùng cán soong), các tàu sân bay của chúng thường ở vĩ tuyến 17 hoặc 18 ngoài khơi Hà Tĩnh-Quảng Bình để rút ngắn đường bay. Nếu đánh phá Khu 3 thì tàu sân bay sẽ di chuyển lên vĩ tuyến 19 hoặc 20 rồi chụm lại với nhau để “rendez-vous” - tập kết trước khi đánh phá.

Thế là từ tay không, sau hơn hai năm tìm tòi khám phá, từ tháng 3-1967 trở đi, ngày nào đội của ông Tụng cũng cung cấp tin không quân địch đánh phá chính xác.

Ông cười, mắt sáng rực: "Đó là một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục!".

Mật phục, bắt B-52 trên sóng điện

- Nhưng còn tin về B-52 đánh Hà Nội năm 1972 thì sao hả bác?-tôi hỏi.

- Cái này dài dòng lắm.

Rồi ông kể tiếp: Tháng 4-1971, trên có chỉ thị “phải tổ chức nắm B-52”. Trong họp chi bộ, ông Tụng nêu ý tưởng thành lập tổ trinh sát đặc biệt, giao cho Thiếu úy Nguyễn Đăng Phúc phụ trách. Đồng chí Đường Minh Phang, Phó tiểu đoàn trưởng chỉ thị: “Phải ưu tiên cho B-52”. Ông Tụng gợi ý cho tổ trinh sát: “Nên tập trung tìm ở tần số cao. Vì B-52 bay rất cao và đi rất xa”.

Khoảng tháng 6-1971, Phúc báo cáo: “Tìm thấy sóng nghi là B-52”.

- Căn cứ vào đâu?-ông Tụng hỏi.

- Các máy bay làm việc trên mạng này bay cao, đi xa. Có một lần máy bay lạ lên làm việc, đài chủ không nghe rõ nên đánh vần ra là KC-135. Đó là máy bay tiếp dầu cho B-52. Tin tức qua mạng này rời rạc, lẻ tẻ-Phúc giải thích.

- Có thể sóng đó là của B-52 chăng? Phải ưu tiên cho nó nhé!-ông Tụng dặn Phúc, trong lòng mừng rỡ.

Sau đó, ông bố trí một máy 5 người thay phiên nhau canh sóng đó suốt ngày đêm. Một tuần liền vẫn chỉ thu được những tin tức lẻ tẻ, rời rạc. Ông phán đoán, có thể chúng dùng B-52 đánh bom tọa độ ở Trường Sơn nên ít lên đài, phải kiên trì mai phục. Lúc này, tình hình chiến trường rất khẩn trương khiến ông Tụng càng sốt ruột. Ngày 10-4-1972, địch đánh Vinh (Nghệ An); ngày 13-4, chúng đánh Thanh Hóa; ngày 16-4, chúng đánh Hải Phòng và các ngày 21, 23-4 đánh Thanh Hóa đều có B-52 tham chiến, nhưng Đại đội 2 không thu được tin. Đến ngày 8-5-1972, máy bay Mỹ đánh Hải Phòng ác liệt, khiến gần 1.000 dân thường thiệt mạng, nhưng tên lửa bắn hơn 90 quả đều thất bại. Đại đội 2 vẫn không có tin. B-52 rải bom từ trường, thủy lôi dày đặc từ cảng Hải Phòng đến phao số 0, khiến các tàu chở hàng viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc phải lùi ra hải phận quốc tế.

Một ngày tháng 6-1972, trên sóng mạng, tổ trinh sát đặc biệt phát hiện bức điện “Động cơ số 5 bị hỏng, xin trở về Andersen”. Ông Tụng mừng lắm. Đích thị điện này báo máy bay B-52 vì chỉ có B-52 mới có 8 động cơ. Động cơ số 5 bị hỏng phải xin trở về Andersen, đó là căn cứ ở đảo Guam, giữa Thái Bình Dương.

Phải nói là địch rất cảnh giác, đề phòng tối đa bị thu tin tức nên chúng mới làm việc cầm chừng, giả vờ đưa tin lèo tèo...

Ông Tụng báo cáo, Phó tiểu đoàn trưởng Đường Minh Phang ra ngay chỉ thị “phải bố trí đúp (double) cho chắc ăn". Ông Tụng xin chi viện nhân lực nhưng vẫn không có tin. Ông trao đổi với Phùng Thế Phẩm, cán bộ về phối thuộc, đề nghị mở hội nghị hiến kế. Thế là đầu tháng 8-1972, Đại đội 2 mở hội nghị chuyên đề bàn cách nắm tin B-52. Sau một ngày làm việc rất căng, với nhiều ý kiến thảo luận, cuối cùng, họ đi đến những nhận định: Nếu đánh Hà Nội bằng B-52 thì địch phải dừng đánh bom tọa độ ở Trường Sơn. Không quân của Hạm đội 7 ở ngoài khơi sẽ phải dừng đánh Khu 4 để phối hợp lực lượng. Nếu địch huy động B-52 từ Guam tới Việt Nam thì phải bố trí tiếp dầu trên không. Ta có thể qua máy bay tiếp dầu để nắm được tin B-52.

Đến ngày 16-12-1972, thu tin viên phát hiện trên biển có thêm 5 chiếc hàng không mẫu hạm và nhiều khu trục hạm hộ tống. Mỗi hàng không mẫu hạm mang theo 80-120 máy bay chiến thuật. Ông Tụng phán đoán có dấu hiệu sắp đánh lớn. Sáng 17-12-1972, Đại đội 2 chặn thu một bức điện của Tư lệnh Thái Bình Dương gửi Tư lệnh Không quân: “Hoãn tất cả các cuộc đi phép của phi công. Mọi quân nhân ở tại trại chờ lệnh”. Đối chiếu với những thông tin trước đó thì thấy quân Mỹ chuẩn bị đánh lớn là hoàn toàn có cơ sở. Cũng trong ngày 17-12, Đại đội 2 phát hiện 1 máy bay trinh sát chiến lược SR-71 của địch và 2 máy bay không người lái xâm nhập miền Bắc. Chiều 17-12, theo dõi trên sóng mạng thấy B-52 được lệnh dừng ném bom ở Trường Sơn. Sáng 18-12 lại thu được điện tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử Enterprise hỏi Tập đoàn 7: “Lực lượng cấp cứu bố trí ở đâu?”.

Tình hình vô cùng khẩn trương. Lúc 8 giờ ngày 18-12, ông Phẩm trao đổi với ông Tụng rồi than: “Từ sáng đến giờ không có sóng B-52. Lẽ ra phải nhận điện nhộn nhịp mới phải”.

"Có lẽ nó thay tần số", ông Tụng buột miệng. Sau đó, ông lệnh để lại một máy và một thu tin viên canh tần số cũ, huy động toàn bộ máy và người vào dò sóng B-52. Hai người tìm sóng cao, hai người tìm sóng thấp, hai người tìm sóng trung. Thật may, đến 9 giờ 30 phút thì phát hiện máy bay KC-135 xưng danh và làm việc nhộn nhịp, trình diện đài chủ ở sóng thấp. Vũ Văn Khoa báo cáo đếm được 13 máy bay KC-135 tiếp dầu, tương ứng với 39 chiếc B-52. 11 giờ 30 phút, máy bay trinh sát thời tiết RF-4C xuất hiện, bay ngang bầu trời Hà Nội và Lê Văn Nhàn thu được tin: “Bull’s eye is workable”. "Bull’s eye" là mắt con trâu. Chúng gọi Hà Nội là “mắt trâu”. Câu ấy có nghĩa là “thời tiết Hà Nội đánh được”. Tiếp theo, máy bay chỉ huy trận đánh và máy bay cấp cứu lên làm việc. Nhưng hôm đó xuất hiện hai máy bay chỉ huy trận đánh, một ở phía Tây như thường lệ, thêm một ở phía Đông. Có nghĩa là B-52 sẽ vào đánh Hà Nội từ hai phía Đông và Tây. 11 giờ 50 phút, thu tin viên Trần Văn Đắc reo to: “Nó đây rồi!". Mọi người hỏi, Đắc trả lời: “B-52 chứ còn gì nữa”. Chúng báo cất cánh “Mrborn”. Sau khi xin ý kiến đồng chí Đường Minh Phang, trực ban Vũ Văn Khoa chuyển tin đi: Gửi Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; Bộ Tổng Tham mưu và Cục II. Nội dung tin ghi rõ: “19 giờ 30 phút hôm nay (18-12-1972), 50 lượt chiếc B-52 và 100 lượt chiếc không quân chiến thuật vào đánh Hà Nội”.

Khoảng 16 giờ, Lê Văn Nhàn nghe được tin B-52 và KC-135 đang làm việc với nhau, có nghĩa là chúng đang tiếp dầu và đang bay trên bầu trời gần Philippines. Tiếp dầu xong, B-52 bay vào vịnh Bắc Bộ. Đến 19 giờ, tốp B-52 đầu tiên xin phép “check in”, có nghĩa là chúng đang bay vào đất liền xin “kiểm tra vào đánh”, rồi tốp 2, 3, 4, 5... lần lượt xin “check in”... 19 giờ 44 phút nghe bom nổ rền, trận đánh bắt đầu, mặt đất Hà Nội hơi rung. Như vậy, Đại đội 2 đã báo tin B-52 vào đánh Hà Nội trước 7 giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho ta chuẩn bị. Những ngày sau đó, Đại đội 2 đều có tin chính xác về B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng. Đó là kết quả từ những kỳ công săn tìm tin về B-52 của họ trên sóng điện.

Sau Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972, Đại đội 2 nhận được lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng gửi tặng một con bò và còn dặn gửi khao Đại đội 2 của ông Tụng.

ĐỨC TÂM