Điểm tựa trong lòng dân
Tiếng là đi Quảng Ninh đã nhiều, song giờ tôi mới có dịp đến với TP Móng Cái. Thăm biển Trà Cổ, thăm mũi Sa Vĩ, ngắm dòng Ka Long, cửa sông Bắc Luân... Còn đâu nữa? Vâng, ấy là Pò Hèn. Địa danh ấy, vùng đất ấy như niềm đau, như nỗi khắc khoải trong trái tim. Hỏi đường mới biết vùng ấy đi chẳng dễ dàng. Trước đây đã có một tuyến xe buýt từ thành phố lên, song qua năm tháng, đường mòn vắng người nên tuyến xa không còn nữa. Các bác tài chạy taxi, xe ôm đều lắc đầu khi nghe hỏi về con đường ấy bởi đến giờ vẫn chưa sửa xong. Thế là chúng tôi chọn cách của “dân phượt”, thuê một chiếc xe máy và tự đi.
Ngược lên đường 18C, men theo biên giới về hướng Bắc Phong Sinh. Đường cua khúc khuỷu, một bên núi cao, một bên sông sâu... Đường 18C đang được đầu tư, nâng cấp, nhiều đoạn cắt cua, hạ dốc, cắt yên ngựa, đường bò ngang như sống lưng con khủng long. Nếu không có cảnh bụi lầm che mắt, hẳn đây cũng là cảnh diễm lệ của “cẩm tú giang sơn”.
Giữa trưa, chúng tôi tới Đồn Biên phòng Pò Hèn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh), được Trung tá Vũ Văn Lương, Phó đồn trưởng đón tiếp. Anh Lương quê ở TP Hạ Long, nhập ngũ năm 2003, trải qua nhiều cương vị công tác từ đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô) cho tới thượng nguồn sông Tiên Yên ở xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) và bây giờ là Đồn Biên phòng Pò Hèn. Năm 2019, anh về Đồn Biên phòng Pò Hèn, lúc đấy còn gian nan lắm. Khó khăn từ cơ sở vật chất, đường đi lối lại gian truân, rồi đến hai năm đại dịch, thường xuyên phải nằm đất, ngủ lán. Song cái khó chẳng bó được cái khôn, anh cùng chỉ huy đơn vị duy trì cán bộ, chiến sĩ trong đồn tích cực tăng gia sản xuất, bảo đảm rau xanh, thịt tươi phục vụ đời sống bộ đội, sau đó còn làm mẫu, hướng dẫn cho đồng bào, dân bản cách trông trọt, chăn nuôi.
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế.
|
Nhân chuyện “vườn mẫu”, chúng tôi đến thôn họ Đặng thăm 5 thửa vườn mẫu trồng ổi của đơn vị. Năm ngoái, quy trình kỹ thuật trồng ổi đã được Bộ đội Biên phòng chuyển giao cho nhân dân. Ông Đặng Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Sơn phấn khởi nói: “Năm qua, các vườn mẫu trồng ổi giống mới bói quả đã cho năng suất cao, người dân rất phấn khởi, nhiều người đề nghị đồn hỗ trợ, mở rộng mô hình”. Ngoài vườn mẫu, đơn vị còn giúp nhân dân vệ sinh môi trường, làm đường liên thôn, tuyên truyền bài trừ mê tín, hủ tục. Nhờ đó mà dân tin, dân quý, "thế trận lòng dân" thêm vững chắc. Ngót hai năm chống dịch, bộ đội luôn sát cánh cùng nhân dân; ngăn chặn các đối tượng xâm nhập trái phép qua biên giới.
Riêng việc tri ân, thực hiện công tác xã hội thì cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn được chính quyền và người dân đánh giá cao. Trong những năm qua, đơn vị đã duy trì hoạt động thi đua, tuyên truyền về giá trị di tích lịch sử. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kết nghĩa, tri ân nhân dân trên địa bàn đóng quân. Tiêu biểu là các hoạt động: “Xuân biên cương ấm lòng dân bản” diễn ra vào các dịp lễ, Tết; trao quà tặng gia đình chính sách, hộ nghèo; tổ chức Chương trình "Nâng bước em đến trường"; tổ chức cho các cháu là con nuôi đồn biên phòng tham quan tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn...
Sự gương mẫu là lời vận động nhân dân hiệu quả nhất
Niềm tin yêu của nhân dân với bộ đội hôm nay càng qua thử thách, càng được đắp bồi và có sự cố kết, bền chặt. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn và Trung đội Tự vệ Lâm trường Hải Sơn cùng nhân viên thương nghiệp đã anh dũng chiến đấu, chịu nhiều hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhớ lại những ngày đầu nhập ngũ, Thiếu tá Đặng Văn Long, người dân tộc Dao, cán bộ biên phòng tăng cường cho xã Hải Sơn kể: "Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi tôi 15 tuổi, đang là học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Hải Hà, thì được xét chọn ưu tiên nhập ngũ sớm theo diện thiếu sinh quân ngay tại Đồn Biên phòng Pò Hèn". Trải qua thời gian kiên trì học tập, rèn luyện, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, tham gia công tác ở một số vị trí, đơn vị, anh lại được cấp trên điều về Đồn Biên phòng Pò Hèn làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Đến năm 2020, theo yêu cầu của địa phương, Thiếu tá Đặng Văn Long được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều về làm cán bộ tăng cường cho xã Hải Sơn và được cấp ủy đảng ở địa phương chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng ủy xã và giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã.
    |
 |
Đoàn công tác dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. |
Trên cương vị của mình, Thiếu tá Đặng Văn Long luôn phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tham mưu và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giúp địa phương không ngừng phát triển, đổi mới. Trong công tác xây dựng Đảng, anh đã tham mưu, chỉ đạo, kiện toàn được nhiều tổ chức cơ sở đảng. Đặc biệt, công tác phát triển đảng của xã năm qua đã vượt chỉ tiêu 200%, kết nạp được nhiều đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ xã lên 83 đồng chí. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Đặng Văn Long chia sẻ: "Trong những năm lăn lộn, gắn bó với cơ sở và nhân dân, tôi rút ra kinh nghiệm từ bản thân, đó là: Sự gương mẫu của người cán bộ là lời thuyết phục, vận động nhân dân hiệu quả nhất".
Cùng chung suy nghĩ với Thiếu tá Đặng Văn Long, Trung tá Vũ Văn Lương cho rằng những bài học về giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là rất quan trọng. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần phải thấm nhuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như lời Bác Hồ từng dạy Bộ đội Biên phòng tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Công an nhân dân vũ trang năm 1962: Bền bỉ, liên tục thi đua. Thi đua với đồng chí, đồng đội, thi đua với chính bản thân mình để mỗi ngày ta vượt lên phía trước.
Đoàn công tác chúng tôi, mỗi người một nén tâm nhang, thắp trên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. Khói nhang bung như dải lụa, không gian ngan ngát hương thơm, một làn gió núi lao xao, tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Bài và ảnh: ĐÔNG LÊ