Khoảng lặng trên sông nước
Ở dưới cầu Long Biên có xóm Phao (bãi giữa sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên). Để vào xóm Phao có hai lối, một-từ giữa cầu Long Biên, lối kia từ ngõ 76 phố An Dương, Tây Hồ. Bước xuống đây như thể lạc vào một thế giới khác: Yên ả, tĩnh mịch-đối lập với những ồn ào, náo nhiệt của phố thị hai bên bờ.
Những người sống ở đây kể rằng, bãi giữa sông Hồng vốn là đất thổ cư của làng Trung Hà (Long Biên, Hà Nội). Đến năm 1971 xảy ra một trận lũ lớn khiến người dân phải di tản vào sâu trong bờ (thuộc phường Ngọc Thụy ngày nay) để sinh sống. Bãi giữa sông Hồng từ đó trở thành “hoang đảo”. Bây giờ khu vực này trở thành nơi canh tác hoặc cho thuê làm nông nghiệp của một số người dân làng Trung Hà xưa (những người đã chuyển lên hai bên bờ sông sinh sống-PV).
Xóm Phao nằm khép mình ở một góc nhỏ của bãi giữa sông Hồng. Gọi là xóm Phao bởi người dân xóm này sống ở những ngôi nhà dựng trên những tấm xốp, phao, thùng phuy dập dềnh theo dòng nước. Ông Nguyễn Đăng Được (73 tuổi) đến đây từ năm 1989, hiện là trưởng xóm Phao cho biết: “Xóm có 29 ngôi nhà phao, của 29 hộ, đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Khi đến, mọi người đều chung cảnh không nhà cửa, không nghề nghiệp”. Bởi thế nên đàn ông ở đây ai thuê làm gì thì làm nấy, số ít làm nghề chài lưới. Phụ nữ thì nhặt ve chai, bán hàng lặt vặt.
Bà Nguyễn Thị Hồng (58 tuổi), đến xóm từ năm 1994, nhớ lại: “Nước ăn, uống ban đầu đều lấy từ sông, nến cũng không có mà thắp”. Thuở ấy, họ múc nước sông lên, cho vào đó cả gáo phèn mới dùng được. Về sau, nhiều nhà có bể đựng nước mưa, ánh sáng thì dùng bình ắc quy.
Họ-những người dân xóm Phao từ tứ xứ, vì nhiều lý do khác nhau mà không còn nhà để ở, phải dạt về đây. Ngày còn có sức khỏe, bà Hồng làm thuê trên bãi. Khi dành dụm được chút tiền, bà thuê bãi, trồng và mang rau đi bán. Giờ tay đã run, hai vai và sống lưng đau nhức, bà phải trả lại bãi rồi kiếm một chỗ gần bờ sông bán hàng nước. “Mỗi ngày lãi được vài cân gạo”-bà Hồng bộc bạch.
“Lá rách đùm lá rách hơn”
Xóm Phao hiện có 26 em nhỏ dưới 15 tuổi. Những ngày đầu ở xóm, do cha mẹ không có giấy tờ tùy thân nên các em sinh ra cũng không có giấy khai sinh. Khi đó, trẻ em ở đây chỉ được học ở lớp học tình thương, do sinh viên các trường đến dạy tự nguyện.
Nhưng xóm Phao không bị lãng quên. Cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Nội, trong trăm công nghìn việc của một thủ đô, một thành phố lớn, đã nỗ lực để những người dù không phải công dân của thành phố vẫn được tạo điều kiện để con cháu họ được học hành. Ông Được, trưởng xóm, kiên trì cùng người nhà các em lặn lội tìm về các miền quê như Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An... để làm hồ sơ, giấy tờ cho lũ trẻ. Vậy là các em được đi học ở các trường lân cận như: Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, Trường THCS Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội)... như bao em nhỏ khác.
Người dân xóm Phao thiếu thốn là thế, nhưng không ai bị bỏ rơi nhờ có một trưởng xóm tận tụy. Chúng tôi đến tìm đúng lúc ông Được đang cùng một số người dân trong xóm làm nhà phao mới cho anh Đỗ Minh Tuấn (37 tuổi), vì ngôi nhà phao của anh đã xiêu vẹo, sắp chìm. “Tuấn sống cùng mẹ đã lâu, lại bệnh tật nên không thể tự làm được nhà. Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ nhưng bà mất năm ngoái rồi. Chúng tôi phải làm nhanh để Tuấn có nơi ở mới”-ông Được cho biết thêm.
Đang trò chuyện thì có hai sinh viên đến tìm gặp ông Được. Họ là sinh viên tình nguyện, được tổ chức đoàn cử đến tổ chức một lớp dạy kỹ năng tự bảo vệ bản thân, chống xâm hại tình dục cho trẻ em trong xóm. Ông Được vui mừng giới thiệu với chúng tôi: “Đây là thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hoa đá, là CLB của sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chính họ đã hỗ trợ chúng tôi 7 triệu đồng để làm lại nhà cho Tuấn đấy!”.
Được biết, dịp Trung thu vừa qua, cũng chính CLB Hoa đá đã tổ chức cho các em nhỏ tại đây một chương trình phá cỗ Trung thu ấm cúng. Trong nhà ông Được còn có một tủ sách nhỏ, cũng là món quà CLB Hoa đá tặng các em nhỏ xóm Phao trong dịp Trung thu vừa rồi.
Thì ra hoạt động hỗ trợ của thầy và trò Đại học Quốc gia Hà Nội tại xóm Phao đã được duy trì từ lâu. Ông Được kể trong sự biết ơn: “Năm 2013, thầy Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhiều sinh viên của trường đã đến lắp đặt, tặng các hộ dân một số máy lọc nước từ nước sông. Từ đó, chúng tôi không phải uống nước sông nữa”.
Trao đổi thêm cùng ông Được, chúng tôi được biết, lâu nay đã có khá nhiều tổ chức, cá nhân đến chia sẻ, hỗ trợ bà con xóm Phao ổn định cuộc sống. Trong câu chuyện, ông Được không quên nhắc đến kiến trúc sư Lê Vũ Cường. Vào một lần đến chơi năm 2016, kiến trúc sư Cường đã dạy người dân tự chế tạo chiếc tua bin gió đơn giản để có điện thắp sáng.
Ông Được còn nói về nhiều nhóm sinh viên ở các trường, cứ mỗi dịp Tết đến, khoảng 25-28 tháng Chạp, lại đến nấu bánh chưng, chơi với bà con trong xóm...
Nhưng có lẽ người dân xóm Phao biết ơn nhất là các cơ quan, ban, ngành địa phương. “Trước kia, do chúng tôi ở bất hợp pháp nên chính quyền địa phương đến nhắc nhở, xử lý khá nhiều lần. Về sau, thực hiện chủ trương của lãnh đạo thành phố, chúng tôi được làm thủ tục tạm trú, mọi người có thẻ bảo hiểm, Tết còn được tặng quà. Dịch Covid-19 vừa qua, phường cũng hỗ trợ một số nhu yếu phẩm cho người dân ở xóm. Chúng tôi vô cùng cảm động”-một người dân đang cùng làm nhà cho anh Tuấn nói xen vào câu chuyện.
Ước mơ thành người có ích của Thủ đô
Hiện việc giải quyết những vấn đề xã hội ở xóm Phao còn nhiều vướng mắc. Lâu nay, việc xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh ở khu vực bãi sông Hồng bị đình trệ. Thậm chí, việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cũng đòi hỏi thủ tục hết sức phức tạp. Nguyên nhân vướng mắc liên quan đến quy định hành lang thoát lũ...
Đã có nhiều kế hoạch, dự án được đề ra, gấp gáp chuẩn bị, rồi lại rơi vào im lìm khiến việc quy hoạch dòng sông lớn nhất miền Bắc nhiều lần bị lỗi hẹn với kỳ vọng của người dân Thủ đô.
Tuy cuộc sống còn thiếu thốn nhưng người dân xóm Phao tự thấy xóm đã “thay da đổi thịt” rất nhiều, nhất là ở khía cạnh đời sống văn hóa, tinh thần. Trước mắt, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân trong xóm hạnh phúc vì được quan tâm như bao công dân khác. Mọi người động viên nhau duy trì các nền nếp sinh hoạt, kiên quyết không để xóm thành nơi hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội.
Đều đặn hằng tháng, vào tối ngày 22, người dân lại họp xóm. Nhà nào có việc gì khó khăn thì cùng hỗ trợ, nhắc nhở nhau chấp hành pháp luật và những quy định của phường, của thành phố, đồng thời tố giác những biểu hiện vi phạm pháp luật. Bà Hồng quả quyết: “Chúng tôi đã quen với cuộc sống ở đây, mọi người đùm bọc nhau, gắn bó như người một nhà. Được sống ở Thủ đô, chúng tôi rất hạnh phúc”. Bởi thế mà người dân đặt tên cho con đường trong xóm là đường Hạnh Phúc.
Trên con đường Hạnh Phúc, chúng tôi bắt gặp một tốp học sinh đang chơi đùa. Bắt chuyện với một trong số các em, chúng tôi được biết cậu bé này là Nguyễn Đức Phong, học sinh lớp 4A4, Trường Tiểu học Nghĩa Dũng. Em khá ngượng ngùng khi gặp người lạ. Nhưng khi nói về ước mơ của mình, Đức Phong với đôi mắt sáng, gương mặt rạng rỡ: “Rồi đây, bãi giữa sẽ thành khu du lịch của Thủ đô. Em sẽ làm chủ của những du thuyền lớn chở khách du lịch sông Hồng!”.
Giữa trưa, chúng tôi rời khỏi xóm Phao trên con đường Hạnh Phúc trải đầy màu xanh của cây cỏ. Hà Nội đã có quy hoạch phát triển ven sông Hồng nói chung và bãi giữa nói riêng. Người dân xóm Phao ấp ủ hy vọng sẽ có việc từ các dự án đó để được góp phần làm đẹp, làm giàu cho Thủ đô Hà Nội... Tuy chỉ nghe loáng thoáng về Đại hội Đảng bộ thành phố, nhưng họ biết rõ rằng trong hành trình phát triển của Thủ đô, họ không bị lãng quên!
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT