Phóng viên (PV): Thưa NSƯT Đỗ Kỷ, thiếu hụt nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống là vấn đề nan giải được nhắc đến lâu nay. Theo anh, là do chúng ta thiếu người tài, hay bởi không còn ai đau đáu theo nghề?

NSƯT Đỗ Kỷ: Với ngành nào cũng vậy, con người là yếu tố quan trọng. Khi đời sống con người càng tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cái mới thì người làm nghệ thuật truyền thống dần không còn nhiều nữa, không phải vì họ không có đam mê mà thực tế hiện nay, nghệ sĩ sân khấu hay cả diễn viên điện ảnh-những người lấy cả cơ thể mình lên sân khấu làm công cụ lao động nhưng lại không được khuyến khích, coi trọng. Vậy nên không phải 5, 10 năm nữa đâu mà còn xa hơn nữa, những người làm nghệ thuật truyền thống sẽ ngày một ít đi, mai một đi.

Nghĩ ra thì cuộc sống ai cũng cần mưu sinh, tìm cho mình công việc nào đó ít nhất phải đảm bảo cuộc sống cho mình, có thể tích lũy về già nhưng nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống bây giờ, như tôi vẫn hay nói vui là “lấy miền xuôi nuôi miền ngược”. Tức là nhiều khi họ phải đi làm tất cả những công việc khác để có tiền rồi mới quay trở về với nghệ thuật để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân mình. Bởi vậy mà họ phân tâm, không thể toàn tâm toàn ý cho việc làm nghệ thuật truyền thống được. Có chăng chỉ người gần như hết tuổi lao động hoặc không còn việc gì khác đành phải làm chứ nếu tuổi còn trẻ, nhất lại đang là trụ cột gia đình mà có thể làm được việc khác đảm bảo cuộc sống, yên tâm hơn thì họ sẵn sàng làm, bỏ nghiệp diễn. Dù rằng lúc chọn học ai cũng đam mê, đau đáu bởi ánh đèn sân khấu ma mị lắm, không dính vào thì thôi, dính vào rồi đêm mong ngày nhớ.

leftcenterrightdel
NSƯT Đỗ Kỷ

PV: Có lẽ bởi “cơm áo” cũng không “đùa” với nghệ sĩ?

NSƯT Đỗ Kỷ: Suy cho cùng, khó khăn về nhân lực cho nghệ thuật truyền thống cũng từ căn nguyên vấn đề là việc nghệ sĩ không được đặt đúng vị trí trong xã hội. Khi chúng tôi nói đến đặc thù nghề nghiệp thì nhiều người lại hiểu theo nghĩa khác. Có một tư tưởng cố hữu tồn tại đến bây giờ trong sâu thẳm suy nghĩ của nhiều người, cả những người quản lý, có trách nhiệm, vẫn coi nghệ sĩ là những “con đào”, làm trò mua vui. Và vì đánh giá không đúng vị trí của nghệ sĩ nên ra quyết sách không chính xác, phù hợp. Đương nhiên, chính sách có thể thay đổi theo mỗi giai đoạn, thời kỳ khác nhau nhưng nhận thức phải đúng.

Khi va đập với cơ chế thị trường, các giá trị đều bị cân đo đong đếm ra giá trị vật chất, quy ra bằng tiền. Ví dụ làm ra bao gạo, bán được 10 đồng, công, chi phí hết 7-8 đồng thì anh lãi 2-3 đồng. Nhưng nghệ thuật không thể tính lãi bằng cách đó, không thể quy ra giá trị vật chất được. Thứ mà văn hóa có thể định lượng được thì mọi người lại hay quên. Ví dụ tôi xem một tác phẩm sân khấu, tôi thấy căm ghét cái xấu, qua đó tôi tránh làm điều xấu vậy thì xã hội có lợi như thế nào? Thấy được cái tốt học theo tức là làm xã hội tốt lên. Giá trị định lượng được chính là qua các tác phẩm mang nội dung, tư tưởng nhân văn, người xem biết phê phán cái xấu, ca ngợi cái thiện, nhân lên những điều tốt đẹp, góp phần làm cho xã hội ngày càng đẹp hơn. Những giá trị ấy là vô tận, không thể định lượng bằng vật chất được.

PV: Nhưng thưa anh, nếu chỉ đầu tư tốt cho người diễn thôi thì dường như là chưa đủ?

NSƯT Đỗ Kỷ: Nguyên lý của nghệ thuật biểu diễn là quá trình sáng tạo và thưởng thức sáng tạo diễn ra ở cùng một lúc, tại cùng một nơi. Nếu người diễn không có người xem thì là một trò chơi con trẻ; nếu chỉ có người xem mà không có người diễn thì là hội chứng đám đông. Người diễn viên trên sân khấu vừa sáng tạo, vừa thưởng thức cái họ vừa làm ra; khán giả vừa xem vừa liên tưởng tức là vừa thưởng thức vừa sáng tạo. Điểm này khác với truyền hình trực tiếp hay điện ảnh. Từ nguyên lý đó mới thấy muốn có chính sách tốt cho nghệ thuật nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng thì phải đầu tư cả người diễn và người xem. Đầu tư cho người xem phải có phương án từ giáo dục. Khi tôi sang Mỹ diễn kịch của

Shakespeare, trong khi diễn viên của ta nói tiếng Việt mà khán giả Mỹ vẫn hiểu, xem chăm chú. Đó là bởi họ đã hiểu nội dung, thuộc tác phẩm rồi, cái mà họ muốn xem chính là diễn viên diễn như thế nào! Khác với cách xem của khán giả Việt-xem câu chuyện kịch, chỉ cần xem một lần cho biết chứ không xem bản diễn của ê kíp khác để thấy sự khác nhau như thế nào. Thay đổi những điều này tất nhiên không thể làm trong chốc lát nhưng nếu không bắt tay làm ngay thì tình hình mai một nghệ thuật dân tộc dần sẽ càng xấu thêm đi.

Muốn nhiều người hiểu và xem nghệ thuật truyền thống thì phải đưa vào nhà trường, sinh hoạt cộng đồng. Hãy nhìn từ những hội thi nghệ thuật quần chúng của người nông dân giữa các làng với nhau. Ban ngày họ chân lấm tay bùn, không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng tối đến lên sân khấu làng biểu diễn vẫn khiến cả làng, xã đi xem, cổ vũ. Trong khi đó, có khi văn công chuyên nghiệp về làng biểu diễn thì họ không thích. Vì sao? Vì “nghệ sĩ” của làng thể hiện đúng với tập quán, sở thích, mong muốn của khán giả ở đó. Rồi mối quan hệ bạn bè, người thân cũng khiến người xem đông hơn. Nghệ thuật cũng giống như thể thao, muốn có thành tích cao phải đi từ thể thao quần chúng để từ đó phát hiện ra nhân tố mới và lấy nhân tố đó đi đào tạo nâng cao. Cũng như vậy, nếu tất cả đều hiểu, thích sân khấu truyền thống thì mới tìm ra nhiều nhân tố tài năng. Nhưng thực tế thì người đam mê nghệ thuật truyền thống bây giờ quá ít, quá hiếm. Chúng ta thấy, các trường nghệ thuật khi tuyển diễn viên ngành này hầu như không đủ chỉ tiêu, thậm chí không đủ sinh viên để mở lớp đào tạo. Từ đó mới thấy sự thiếu hụt như thế nào.

leftcenterrightdel
NSƯT Đỗ Kỷ và vợ - NSND Lan Hương

PV: Anh nghĩ sao về một thực tế là có đạo diễn “chạy sô” tới 4, 5 vở diễn trong một liên hoan, trong khi ở nhiều đơn vị nghệ thuật lại không hiếm trường hợp đội ngũ sáng tạo trẻ dù được đào tạo bài bản, có năng lực nhưng không có “đất” dùng?

NSƯT Đỗ Kỷ: Tôi vẫn thường nói đó là một hiện tượng “đổ nước vào bếp” và không chỉ với đạo diễn mà còn biên kịch, quay phim... Đó là vì người ta không tin vào đội ngũ trẻ và cũng... không dám. Tôi cũng từng nói chuyện với nhiều lãnh đạo đơn vị nghệ thuật về việc tại sao đơn vị có người không dùng lại cứ phải đi thuê người ngoài.

Suy cho cùng thì đó là do suy nghĩ thích thành tích và không muốn tốn thời gian của các đơn vị. Thử nghĩ, với một tác giả mới sẽ cần cả một ê kíp lao tâm, tập trung vào đó để hoàn thành tác phẩm, thế thì thôi, mời đạo diễn nào đó có thương hiệu mà chỉ cần nghe tên đảm bảo cho tác phẩm rồi. Đạo diễn nhận nhiều vở một lúc có thể sẽ làm không tốt nhưng họ cũng phải mưu sinh. Trách nhiệm của họ là vở diễn tròn trịa, sạch sẽ, đáp ứng được người thuê. Trong những trường hợp ấy, chúng ta đừng trách đạo diễn mà trách người mời đạo diễn. Vậy mới thấy đầu tiên cần phải thay đổi suy nghĩ, tư duy người lãnh đạo đơn vị nghệ thuật. Tất nhiên quản lý là một nghề, người giỏi chuyên môn chưa chắc làm quản lý giỏi, và ngược lại. Nếu có được cả hai yếu tố thì quá tuyệt vời rồi. Vẫn biết là thế nhưng tôi sợ nhất là lãnh đạo không hiểu được điều đó...

Đó là còn chưa kể đến việc nhân lực lĩnh vực văn hóa được đào tạo nhưng khi về các đơn vị, địa phương không được phân công công tác đúng sở trường, chuyên môn đào tạo... thật sự lãng phí và đúng là như đổ chậu nước vào bếp đang cháy!

PV: Vậy, qua những lớp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống vẫn thường được tổ chức, chúng ta kỳ vọng điều gì cho sân khấu hiện nay?

NSƯT Đỗ Kỷ: Những lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn thường được mở ra cho các đối tượng làm công tác đạo diễn, biên kịch sân khấu truyền thống, các cơ sở đào tạo nghệ thuật, cán bộ quản lý nghệ thuật hay phóng viên, biên tập viên lĩnh vực văn học nghệ thuật... Tôi nghĩ, trong thời gian ngắn, những lớp bồi dưỡng như vậy không kỳ vọng quá nhiều mà chỉ hy vọng hâm nóng lại được bầu nhiệt huyết của những người hoạt động trong ngành để giúp họ tăng sức sáng tạo, làm tốt công tác chuyên môn. Thứ hai là thông qua những lớp học đó, mọi người có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức. Và trong tình hình thiếu nguồn nhân lực cho ngành sân khấu như hiện nay thì tôi hy vọng nó sẽ giúp phần nào để tạo ra những hạt nhân mới cho sân khấu.

Như chúng ta thấy, hàng nghìn người thi diễn viên chỉ đỗ được vài người, rồi học đạo diễn, biên kịch ra hàng trăm, hàng nghìn người nhưng có phải ai cũng làm được đâu. Có nghĩa là, không phải cứ học, được đào tạo bài bản là sẽ thành tài được. Học chẳng qua là trang bị cho mình vốn kiến thức. Đơn giản như việc lái xe máy ai cũng học được nhưng đâu phải ai cũng có thể vào trường đua xe?! Những lớp tập huấn, bồi dưỡng cũng vậy! Tất nhiên ai cũng vậy, có học cả đời cũng không thể hiểu, tỏ tường được hết mọi thứ… huống chi lớp học có vài buổi. Chúng ta không kỳ vọng sau khi học các lớp ấy sẽ thành tài được, nhưng nó có thể bổ trợ cho các bạn một vài kiến thức còn thiếu và yếu ở một số mặt. Và biết đâu qua những kiến thức ấy, các bạn biết thêm, hứng thú với điều gì đó, rồi có niềm đam mê, tự học, tự tìm hiểu thêm để thỏa mãn, làm “béo” lên kiến thức của mình. Đơn giản như với những phóng viên, biên tập viên, khi hiểu về lĩnh vực sân khấu hơn, có kỹ năng, có chuyên môn hơn thì bài viết cũng sâu hơn, hay hơn, có nghề hơn, chứ không phải chỉ kể lại nội dung câu chuyện, tên nhân vật... khi giới thiệu một vở diễn.

PV: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

DƯƠNG THU (thực hiện)