Phóng viên (PV): Gần đây, bà chia sẻ ngành y tế gần như đơn độc trong bảo vệ bác sĩ và nhân viên y tế. Nhìn một cách khách quan nhất, theo bà, nguyên nhân của hiện tượng trên là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thật đáng tiếc là hiện tượng bạo hành nhân viên y tế có biểu hiện gia tăng trong thời gian gần đây. Chúng tôi nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề một cách bình tĩnh và khách quan. Về chủ quan, chúng tôi nhìn nhận những tiêu cực, yếu kém, hạn chế của của ngành y tế, nhất là thái độ ứng xử, giao tiếp của một số thầy thuốc, nhân viên y tế có lúc, có nơi chưa đúng mực, thậm chí là có biểu hiện vòi vĩnh, sách nhiễu, phân biệt đối xử... đã gây bức xúc đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Những hiện tượng đó, ngành y tế đang tích cực xử lý bằng thái độ nghiêm khắc và quyết liệt. Tôi muốn nói thêm là, công luận chỉ biết đến những hành vi tấn công bằng bạo lực chứ ít biết đến những hành vi bạo hành khác như chửi bới, dọa nạt, đe dọa qua tin nhắn… Những hành vi đó tạo áp lực nặng nề đối với người thầy thuốc, khiến họ khó an tâm làm việc và đặc biệt không giữ được cân bằng tâm lý để thực hiện những y vụ khó khăn. Xét cho cùng thì bạo hành cán bộ y tế là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Nhưng thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng xử lý rốt ráo những vụ bạo hành nhân viên y tế, không phải kẻ bạo hành nhân viên y tế nào cũng bị xét xử nghiêm minh.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. 
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, không ai được phép hành hung cán bộ y tế dưới bất cứ hình thức nào, với bất cứ lý do nào. Đánh một người bình thường đã là vi phạm pháp luật; đánh một cán bộ y tế trong khi họ làm việc lại càng vi phạm pháp luật. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu và đưa ra hình phạt bổ sung cho những hành vi bạo hành cán bộ y tế, coi đó tương đương như những vi phạm quy định trong tội danh “tấn công người thi hành công vụ”. 

PV: Sau khi chia sẻ của bà được thông tin trên các cơ quan truyền thông đại chúng, đến nay đã có chuyển động gì từ phía các cơ quan chức năng? Ngành y tế đã làm gì trước thực trạng đáng buồn nói trên, nhất là khắc phục những nguyên nhân chủ quan từ phía các bác sĩ, nhân viên y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong những vụ việc cụ thể gần đây, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng và có trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương. Ví dụ ở các địa phương như: Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã xử lý rất kịp thời và nghiêm túc đối với những vụ bạo hành cán bộ y tế trên địa bàn của mình, góp phần trấn an và giúp lấy lại niềm tin của đội ngũ cán bộ y tế. 

Trong 3 năm trở lại đây, ngành y tế đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đổi mới thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tất cả các địa phương, tất cả các bệnh viện đều áp dụng những biện pháp tích cực và chủ động để làm bằng được việc chuyển thái độ của người thầy thuốc từ ban ơn sang phục vụ. Đó là điểm cốt lõi. Mặt khác, ngành y tế còn thực hiện mạnh việc xây dựng các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh; chuyển kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại xuống tuyến tỉnh, tuyến huyện để giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối; tạo điều kiện để các thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn. 

Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các bệnh viện tăng cường các biện pháp an ninh trong bệnh viện, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương để bảo đảm an toàn cả cho thầy thuốc lẫn bệnh nhân. 

Nhưng chỉ ngành y tế, chỉ cán bộ y tế đổi mới thái độ phục vụ thôi thì không đủ. Chúng tôi mong mỏi người dân biết và hiểu việc làm của người thầy thuốc; có thái độ ứng xử văn hóa và tôn trọng thầy thuốc. Có hai bàn tay thì mới vỗ thành tiếng.

PV: Bác sĩ là một nghề cao quý, thi tuyển đầu vào học bác sĩ đã khó, trở thành người bác sĩ có tay nghề cao càng khó hơn, nhưng đãi ngộ của chúng ta trong các bệnh viện công còn chưa đủ giúp các bác sĩ có mức sống tương xứng với tài năng và công sức của họ. Bà có nghĩ rằng, muốn chống tiêu cực trong ngành y, trước hết, chế độ đãi ngộ cho bác sĩ, thầy thuốc phải xứng đáng? Xứng đáng là thế nào? Đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ai cũng biết bác sĩ được đào tạo theo chương trình kéo dài 6 năm. Để được hành nghề, họ phải học thêm một năm rưỡi định hướng chuyên khoa hoặc thực tập tại bệnh viện mới được hành nghề. Đó là chưa kể phải học chuyên khoa một (2 năm) và chuyên khoa hai (3 năm) mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhưng bác sĩ mới ra trường lại có mức lương tương tự như một cử nhân được đào tạo 4 năm. Đó chỉ  là một trong những sự bất hợp lý về đãi ngộ cán bộ y tế đã kéo dài nhiều năm nay. 

Chúng tôi rất vui mừng là sau Hội nghị lần thứ 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định, nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Sau khi nghị quyết này được ban hành, đang tiến hành đề xuất những hình thức đãi ngộ hợp lý đối với người thầy thuốc, bắt đầu bằng việc tăng bậc lương khởi điểm. 

leftcenterrightdel

Thầy thuốc Nhân dân, PGS, TS Vũ Đình Chính hướng dẫn sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương theo dõi người bệnh. Ảnh: hmtu.edu.vn

Chúng tôi muốn khuyến khích các tỉnh, các đơn vị phải có cơ chế, chính sách riêng cho đối tượng bác sĩ các chuyên khoa đặc thù tại những cơ sở y tế do địa phương quản lý được hưởng những chế độ, chính sách như: Cấp đất, cấp nhà, cấp một khoản thu nhập ban đầu để khuyến khích...

Bộ Y tế cũng hy vọng rằng, bằng việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập, từ nay đến năm 2020 từng bước tính đủ chi phí vào giá khám, chữa bệnh, sẽ giúp các cơ sở y tế chủ động thu chi và chăm lo đời sống cho các cán bộ, nhân viên y tế của mình được tốt hơn. 

PV: Cá nhân bà đã và đang làm gì để bảo vệ các bác sĩ, nhân viên y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Y tế, tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ an toàn tính mạng và nhân phẩm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Đây cũng là mong muốn và tâm nguyện cá nhân của tôi. Cùng với các đồng chí lãnh đạo của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc liên quan, chúng tôi đã và đang làm hết sức mình để thực hiện tốt nhất và hiệu quả nhất trọng trách đó của mình. 

PV: Ngoài ý kiến về bảo vệ thầy thuốc, vào thời điểm này, bà còn muốn chia sẻ gì với bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần và nhân dân nói chung?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thời gian gần đây, xã hội chúng ta nói nhiều đến Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành y tế cũng không nằm ngoài trào lưu này. Chúng tôi tự hào là đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam luôn đi đầu trong việc nghiên cứu cũng như ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại của thế giới vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh việc đổi mới phương thức quản lý, tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh; chúng tôi còn chú trọng ứng dụng giải pháp công nghệ điện toán “bệnh viện thông minh”, bệnh án điện tử… Tất cả nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Điều này đòi hỏi người thầy thuốc phải nỗ lực hơn rất nhiều, phải cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, đổi mới thái độ phục vụ để không phụ lòng mong mỏi của nhân dân. 

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Chỉ trong một thời gian ngắn, ở nước ta đã xảy ra hàng loạt vụ việc nhân viên y tế bị hành hung. Ngày 20-10-2017, chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh) bị một thanh niên dùng dao chém nhiều nhát vào người, khiến chị bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu. Ngày 23-10, bác sĩ Trần Thanh Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh bất tỉnh, phải cấp cứu. Ngày 2-11, tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc, một đối tượng là người nhà bệnh nhân đã hành hung bảo vệ, lăng mạ bác sĩ...

THU HÒA - HẢI LÝ (thực hiện)