Phóng viên (PV): Thưa chị, trong khi sân khấu cả nước đang đứng trước khó khăn thiếu vắng khán giả, sân khấu kịch nói Quân đội có nằm ngoài những thách thức chung?

Đại tá, NSƯT Mai Phương: Chúng tôi vẫn thường được nghe anh chị em bạn bè nghệ sĩ ở các đơn vị ngoài quân đội nói rằng, sân khấu kịch nói quân đội luôn có một lượng khán giả tuyệt vời là cán bộ, chiến sĩ toàn quân, không phải lo về tổ chức biểu diễn hay áp lực về đời sống trước tác động của kinh tế thị trường. Nhưng không ỷ lại vào lợi thế ấy, chúng tôi hiểu rằng, cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ bây giờ có rất nhiều cách, kênh tiếp cận văn hóa nghệ thuật, chứ không phải chỉ chờ đợi các đoàn nghệ thuật mang đến. Thị hiếu, nhu cầu thưởng thức của cán bộ, chiến sĩ ngày càng cao, đa dạng, nên chúng tôi hiểu rằng mình cần phải mang đến cho bộ đội những “món ăn” thực sự chất lượng, đa dạng và hấp dẫn thì mới có thể được bộ đội đón nhận.

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở kịch "Mưa đỏ" của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Ảnh: LÊ MAI 

Chúng tôi luôn xác định giữ vững định hướng xuyên suốt trong nghệ thuật và chính trị với việc xây dựng các chương trình, vở diễn về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ; ngoài ra chúng tôi còn xây dựng những chương trình kịch ngắn và một số tiết mục ca nhạc bằng việc phát huy khả năng của chính các nghệ sĩ; chọn những vở diễn chất lượng cao để phối hợp với đài truyền hình tổ chức ghi hình, phát sóng trên truyền hình... Qua đó, làm đa dạng dề tài, hình thức thể hiện, đưa sân khấu kịch Quân đội với những món ăn tinh thần giá trị đến với đông đảo bộ đội và nhân dân.

PV: Làm quản lý đơn vị nghệ thuật đã khó, vậy là phụ nữ lãnh đạo đơn vị nghệ thuật quân đội, chị có thấy áp lực?

Đại tá, NSƯT Mai Phương: Được rèn giũa trong môi trường quân đội, tôi hiểu sâu sắc vai trò trách nhiệm của người chiến sĩ-nghệ sĩ. Tôi gắn bó với nhà hát từ năm 19 tuổi, khi tốt nghiệp trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) đến nay đã 28 năm công tác. Đó là khoảng thời gian tương đối để tôi gắn bó, lưu giữ những kỷ niệm, tình yêu và trách nhiệm với Nhà hát. Thời gian ấy cũng giúp tôi có được những trải nghiệm và cũng học hỏi được rất nhiều từ chính những thế hệ cán bộ, lãnh đạo đi trước.

Khi tôi nhận nhiệm vụ phụ trách Nhà hát, vào thời điểm xã hội trở lại trạng thái bình thường mới sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Nhà hát chủ yếu thực hiện các hoạt động tại chỗ. Thú thực, nhiệm vụ mới với những thách thức mới khiến tôi không khỏi lo lắng, nhưng sự đoàn kết đồng lòng của Đảng ủy, Ban giám đốc cũng như tập thể đơn vị đã giúp tôi thêm vững tin. Nói đúng hơn, điều tôi thấy không phải là áp lực mà coi đó là trọng trách khi được sự tin tưởng của thủ trưởng cấp trên, sự trao gửi niềm tin của các thế hệ lãnh đạo và sự ủng hộ của các anh chị em bạn bè đồng nghiệp với mình. Bản thân rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành từ một diễn viên trở thành NSƯT, trải qua các vị trí Trưởng phòng nghệ thuật, Đoàn trưởng đoàn diễn, Phó giám đốc, rồi tới Giám đốc. Vì thế cùng với trọng trách người đứng đầu đơn vị, tôi còn thấy đó là tình cảm, là sự trăn trở, là trách nhiệm của tôi với Nhà hát, phải quan tâm, dìu dắt thế hệ trẻ phát triển, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Nhà hát.

PV: Trưởng thành từ một diễn viên, chắc hẳn chị hiểu hơn ai hết những vất vả đối với nghệ sĩ Quân đội, nhất là nghệ sĩ nữ?

Đại tá, NSƯT Mai Phương: Chúng tôi thường lấy câu chuyện rất gần gũi để so sánh thế này. Khi lên sân khấu, diễn viên chúng tôi hóa thân vào các dạng vai với ngoại hình khác nhau, nhất là những vai phản diện, cá tính có thể làm tóc, nhuộm xanh, nhuộm đỏ... Với những nghệ sĩ ngoài quân đội, có thể giữ mái tóc ấy trong suốt thời gian dài thì điều đó chẳng có gì đáng bàn nhưng với nghệ sĩ quân đội, chỉ ngay sau đó khi khoác lên mình bộ quân phục, chúng tôi lại trở về vẻ chỉn chu, nghiêm trang của một người quân nhân. Việc liên tục xử lý tóc để phục vụ vai diễn chính là nguyên nhân khiến cho mái tóc của chị em nghệ sĩ quân đội thường khô xơ, khó đẹp.

Đó là chưa kể, những chuyến lưu diễn dài 2 đến 2 tháng rưỡi; với chị em phụ nữ cũng là một việc cần sự hy sinh, nỗ lực rất nhiều để chu toàn việc gia đình, nhất là với chị em có con nhỏ. Nhưng anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát đều xác định tốt vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ nghệ sĩ sẵn sàng vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong giai đoạn hiện nay, khi cơ chế thị trường ít nhiều có tác động đến đời sống văn hóa nghệ thuật và cũng phần nào tác động tới các đơn vị nghệ thuật quân đội. Các nghệ sĩ trong quân đội cũng muốn được thể hiện mình trong các môi trường sôi động, nhiều cơ hội. Tôi cũng như Ban giám đốc Nhà hát hiểu những điều đó, bởi vậy, chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ của người chiến sĩ-nghệ sĩ, như để nhấn mạnh vai trò chiến sĩ trước khi là nghệ sĩ, với đầy đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ để vượt mọi khó khăn. Phẩm chất tiêu biểu của chiến sĩ và nghệ sĩ hòa quyện vào nhau tạo nên nét đặc trưng của các nghệ sĩ quân đội. Hằng năm, ngay cả khi đời sống sân khấu cả nước gặp nhiều khó khăn, nghệ sĩ quân đội vẫn đi lưu diễn những chuyến dài ngày phục vụ bộ đội và nhân dân trên mọi miền của Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ chính trị được đặt lên hàng đầu, sau đó, chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho các diễn viên có thể đi đóng phim, làm MC,... để vừa tăng thêm thu nhập, vừa học hỏi, giao lưu với các nghệ sĩ ngoài quân đội các phong cách, xu hướng nghệ thuật mới. Vì thế tôi tự tin để nói rằng, thế hệ nghệ sĩ của nhà hát hiện nay đã dung hòa rất tốt đời sống nghệ thuật đương đại.

leftcenterrightdel

Đại tá, NSƯT Mai Phương.  

PV: Chồng chị - Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng là một nghệ sĩ có nhiều thành tích nghệ thuật. Cuộc sống gia đình vợ chồng đều làm nghệ thuật và lãnh đạo đơn vị nghệ thuật, vậy có gì khác biệt so với trước không thưa chị?

Đại tá, NSƯT Mai Phương: Chồng tôi làm lãnh đạo từ khi khá trẻ, cũng rất bận rộn, nên trước đây tôi vẫn nghĩ mình sẽ lui về để có thời gian lo cho gia đình, làm hậu phương giúp anh yên tâm công tác. Nhưng chính anh lại là người động viên tôi trong sự nghiệp. Khi tôi nhận nhiệm vụ giám đốc, anh cũng lo lắng cho tôi bởi quản lý một đơn vị nghệ thuật quân độ có những đặc thù nhất định. Khi nhận nhiệm vụ tôi luôn cố gắng dung hòa, không để việc gia đình ảnh hưởng tới việc cơ quan, và ngược lại. Đương nhiên, khi hai vợ chồng cùng là quản lý thì cuộc sống gia đình tôi cũng ít nhiều thay đổi, nhất là về nếp sinh hoạt. Tôi thường xuyên đi sớm và có những hôm về muộn, thời gian cho gia đình cũng sẽ ít đi. Nhưng tôi thấy mình may mắn vì hiện tại hai con đã lớn, chủ động việc nhà. Có những hôm đi làm về muộn, tôi mua bánh mì ăn tối nhưng về tới nhà thì con tôi bảo biết mẹ về muộn nên đã chuẩn bị cơm cho mẹ rồi. Lúc đó tôi thực sự xúc động và thấy có thêm năng lượng để hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với sự động viên về tinh thần, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chồng về kinh nghiệm quản lý và chuyên môn.

PV: Những chia sẻ của chị khiến chúng tôi liên tưởng đến vở “Hoa khôi dạy chồng” mới đây của Nhà hát có sự tham gia đạo diễn của NSND Nguyễn Tiến Dũng?

Đại tá, NSƯT Mai Phương: Chồng tôi là đạo diễn, anh đam mê sân khấu truyền thống, khi tập huấn chuẩn bị dàn dựng vở “Hoa khôi dạy chồng”, tôi nhận thấy chất liệu dân gian trong vở diễn rất gần với sở trường sân khấu dân tộc của chồng nên đã nghĩ đến việc mời anh tham gia đạo diễn cùng NSƯT Hồ Ngọc Hà. Nói đúng ra là tôi đã tranh thủ “khai thác” thế mạnh của chồng trong công việc của mình, rất vui là vở diễn đã gây được ấn tượng tốt với khán giả và đạt huy chương bạc tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022 .  

PV: Thưa chị, những vở diễn đa dạng về đề tài, cách thể hiện có thể coi là những thể nghiệm, làm mới mình của sân khấu kịch nói quân đội thời gian gần đây?

Đại tá, NSƯT Mai Phương: Thực tế thì việc làm mới, thử nghiệm luôn được các thế hệ lãnh đạo Nhà hát nghĩ đến và thực hiện. Ví như vở “Hoa khôi dạy chồng” kịch bản dù đã có từ lâu và được nhiều đơn vị dàn dựng, nhưng với bản dựng của Nhà hát Kịch nói Quân đội được đánh giá ít nhiều có nét tươi mới, là sự thử nghiệm với chính mình của các nghệ sĩ. Thành công của vở diễn ở Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm cuối năm 2022, không chỉ làm dày thêm thành tích cho các nghệ sĩ và đơn vị, mà hơn thế đó còn là chủ trương của Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà hát để giúp các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ có cơ hội được tiếp cận nhiều thể loại, đề tài, dạng vai khác nhau, từ đó phát huy tài năng, sáng tạo của mỗi người. Hiện tại, Nhà hát đang dàn dựng vở mới “Đá Vọng phu” (tác giả Lê Thu Hạnh, Đạo diễn: NSND Lê Hùng), theo kế hoạch năm 2023.

PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG THU (thực hiện)