Xiếc Việt Nam đang phát triển nhưng còn nhiều thách thức

Phóng viên (PV): Là nghệ sĩ gắn bó với xiếc nhiều năm với vai trò diễn viên, đạo diễn, rồi làm công tác quản lý lãnh đạo, ông nghĩ xiếc Việt Nam đang ở đâu?

NSND Tống Toàn Thắng: Từ năm 1991, khi có Rạp Xiếc Trung ương-rạp xiếc hiện đại đầu tiên ở nước ta, xiếc Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, bởi đã có cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, người làm xiếc có nhiều cơ hội tiếp cận, nghiên cứu, phát triển nghề nghiệp hơn. Cũng từ đó, xiếc Việt Nam có điều kiện tham gia những cuộc thi quốc tế, điều đó giúp các nghệ sĩ mở mang tầm nhìn để tìm ra định hướng phù hợp cho xiếc Việt Nam. Mỗi cuộc thi, mỗi nước có trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, cách tiếp cận xiếc khác nhau, nhiều nước còn giấu nghề, điều đó làm tôi thấy rất thú vị, tò mò muốn được học hỏi nhiều hơn.

Về phương pháp đào tạo và phong cách, chúng ta học theo trường phái xiếc Liên Xô, nhưng đã biết chuyển hóa để tạo nên phong cách riêng Việt Nam, bằng cách đưa vào mỗi tiết mục, tác phẩm những nét văn hóa, bản sắc dân tộc. Thực tế, diễn viên của ta so với các bạn quốc tế còn rất nhiều điều cần phải phấn đấu. Nhưng trong hầu hết các cuộc thi Việt Nam tham gia đều được giải, phần vì kỹ năng của nghệ sĩ mặc dù có thể chưa đạt trình độ cao nhất nhưng chúng ta luôn được các bạn quốc tế đánh giá cao bởi sự nỗ lực, biết ứng biến, sáng tạo khi có thể tận dụng được từng chi tiết, chuyển hóa thành ưu thế, mang màu sắc riêng, mới lạ mà các bạn khi xem phải thốt lên “Việt Nam đấy”. Đó là điều mà những người làm nghề như chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện, cũng là thành tựu của xiếc Việt Nam khi ghi dấu trên bản đồ xiếc quốc tế. Đến nay, xiếc Việt vẫn đang phát triển, hoàn thiện để vươn tầm quốc tế, dù còn nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel

NSND Tống Toàn Thắng. 

PV: Thưa ông, những thách thức đang đặt ra cho người làm nghệ thuật xiếc là gì, nhất là khi các loại hình nghệ thuật, giải trí cũng như lựa chọn của khán giả ngày càng đa dạng?

NSND Tống Toàn Thắng: Xiếc vốn không dễ tiếp cận khán giả rộng rãi, lại càng có sự cạnh tranh với các loại hình, phương tiện giải trí phong phú khác và nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Người làm xiếc không thể đứng vỗ ngực nói ai thích xem xiếc thì đến, không thích thì thôi được mà phải làm sao lôi kéo được các đối tượng khán giả đến với xiếc, bằng tính nghệ thuật tốt, giải trí hấp dẫn, phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng trong cùng một vở diễn. Trong đó, thách thức lớn nhất đến từ chính những người làm xiếc. Xiếc là nghề vất vả mà nếu không có đủ tình yêu, say mê thì rất khó để theo nghề. Nhưng hiện nay, đầu vào để chọn được nghệ sĩ đã không dễ, rồi khi đào tạo ra lại có sự cạnh tranh với các công ty du lịch, sự kiện giải trí đòi hỏi không quá cao, lại trả lương hấp dẫn hơn. Đã có lúc cả chục nghệ sĩ từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam dứt áo ra đi theo các show diễn tư nhân mà chúng tôi không có cơ chế nào giữ lại được.

Rõ ràng, năng lượng, nhiệt huyết của nghệ sĩ bây giờ bị chi phối nhiều bởi những nỗi bận tâm khác khiến không ít người đã bỏ dở giữa đường. Tuy nhiên, dù đời sống còn không ít khó khăn, nhưng vẫn còn nhiều nghệ sĩ đam mê và tỏa sáng với nghề. Chúng tôi luôn trân quý và cố gắng nắm bắt, bồi dưỡng, đào tạo họ. Tôi tâm niệm, một nền nghệ thuật có những nghệ sĩ yêu nghề, hết lòng vì nghề thì không bao giờ lo nghề phụ mình.

Bên cạnh đó, xu thế chung của thế giới cũng buộc người làm xiếc phải thích ứng. Chẳng hạn như việc Việt Nam đã tuân thủ nghiêm việc chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc cũng là sự thiếu hụt trong mảng xiếc truyền thống. Chúng tôi đã chủ động chuyển đổi sang biểu diễn xiếc thú gần gũi với con người như: Trâu, gà, ngỗng, dê, chó, mèo, lợn...; sử dụng những lốt, mặt nạ thú hoang dã; sử dụng công nghệ trong biểu diễn phục vụ khán giả.

Sáng tạo và đề cao tính nhân văn, giáo dục

PV: Ông là nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong việc làm thay đổi cái nhìn của khán giả về xiếc với việc nâng tầm những tác phẩm đậm chất sân khấu, chứ không chỉ là những tiết mục thể hiện kỹ thuật của diễn viên. Đó có phải hướng đi của xiếc để đáp ứng yêu cầu khán giả trong giai đoạn hiện nay?

NSND Tống Toàn Thắng: Tôi có nhiều năm là diễn viên xiếc, đã học đạo diễn sân khấu, rồi thạc sĩ nghệ thuật học, biết vài ngoại ngữ. Quá trình tôi làm nghề, học hỏi, nghiên cứu đã đúc rút được quan điểm, tư duy làm nghệ thuật để hướng đến những sản phẩm xiếc có chủ định, chứ không phải là sự ngẫu nhiên. Tôi nghĩ, việc đưa nghệ thuật biểu diễn sân khấu vào xiếc là điều quan trọng giúp thay đổi được cách tiếp cận khán giả, để xem xiếc hôm nay không đơn thuần là xem nghệ sĩ diễn mà từ tác phẩm phải chạm được tới cảm xúc, để khán giả nhớ. Tất nhiên, để làm được điều đó, nghệ sĩ không chỉ cần rèn luyện, phô diễn tài năng xiếc mà còn đòi hỏi sự tập trung cao hơn, phải biết cảm nhận, nắm bắt kịch bản để hóa thân vào nhân vật và truyền tải cảm xúc, thông điệp tới khán giả. Đặc biệt, tác giả, đạo diễn phải am hiểu tính chất của sân khấu, vừa phải hiểu ngôn ngữ xiếc để tìm được sự đồng cảm ngôn ngữ cho diễn viên tốt nhất. Ban đầu, các nghệ sĩ cũng rất e ngại, căng thẳng nhưng rồi họ đã vượt qua được cái tôi của mình khi hiểu rằng giá trị đóng góp cho tác phẩm sẽ lớn hơn, vừa được sáng tạo, vừa có cơ hội để khán giả nhớ đến nhiều hơn...

Nhiều năm trước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã kết hợp với Nhà hát Tuổi trẻ làm một số vở diễn nhưng đâu đó xiếc chỉ là minh họa, chưa xây dựng thành câu chuyện xuyên suốt. Mới đây khi bàn về việc làm sân khấu kịch xiếc-một việc rất khó-thì tôi chỉ dám nói đó là xiếc có lồng ghép nội dung, có câu chuyện, tính giải trí hấp dẫn khán giả. Nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện nay song song với việc phát triển kỹ năng, kỹ xảo đỉnh cao thì phát triển nội dung cũng là cách để chiếm được thị trường trong nước. Nếu biết tiết chế, tăng sự sáng tạo cho những tiết mục ngắn nhưng có nội dung thì khi đưa ra quốc tế cũng sẽ được đón nhận. Bằng chứng là tiết mục “Đu quan họ” chỉ khoảng 8 phút, lấy tứ của làn điệu dân ca “Qua cầu gió bay”, đã đoạt giải vàng tại liên hoan xiếc ở Ý. Tất nhiên, mọi tư duy sáng tạo đều có thể đưa vào xiếc, nhưng quan trọng nhất phải là yếu tố nhân văn, tính giáo dục, nếu lồng ghép được yếu tố giải trí thì thực sự sẽ rất hiệu quả, chạm tới cảm xúc khán giả.

leftcenterrightdel
Tiết mục xiếc "Đu nón".

PV: Gần đây, việc kết hợp của xiếc và cải lương với những vở diễn như “Cây gậy thần”, “Thượng thiên thánh mẫu” đã tạo được sự mới mẻ trong thử nghiệm sân khấu. Tuy vậy, không ít ý kiến phản đối, cho rằng như vậy sẽ làm mất bản sắc của thể loại, thưa ông?

NSND Tống Toàn Thắng: Ban đầu tôi bị mang tiếng là phá xiếc, phá cải lương. Nhưng tôi cho rằng đó là tư duy chưa cởi mở. Khán giả hôm nay đã khác xa khán giả cách đây 10 năm, 30 năm, ngoài việc đương nhiên phải giữ gìn những tác phẩm truyền thống, chúng ta phải tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của công chúng. Trên thế giới việc kết hợp các bộ môn trong một tác phẩm cũng rất nhiều, như là nhạc kịch xiếc kết hợp opera chẳng hạn. Và nếu nghiên cứu lịch sử thì cách đây 60-70 năm trước, ông cha ta đã kết hợp cải lương với xiếc rồi.

Lúc ra mắt “Cây gậy thần”, có người nói tôi rằng, tưởng như nào, hóa ra xiếc phụ họa cho cải lương. Có người nói tác phẩm không thành công... Nhưng tôi nghĩ, những thử nghiệm nghệ thuật được khán giả chấp nhận, mua vé đến xem thì rất đáng được ghi nhận. Nếu chúng ta không vượt qua được cái tôi của mình thì không bao giờ có sự hòa nhập với nhau để phát triển được trong xu hướng thế giới đa sắc màu hiện nay.

PV: Trước những thách thức với khán giả cũng như với chính người làm nghề, xiếc Việt Nam sẽ cần điều gì để phát triển, thưa ông?

NSND Tống Toàn Thắng: Phải khẳng định rằng dù có nhiều thách thức trước xu thế, tác động của xã hội nhưng nghệ thuật xiếc vẫn đang phát triển. Để làm được điều đó, đòi hỏi không chỉ sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp mà còn phải nắm bắt được cơ hội, thị hiếu khán giả để đưa ra không chỉ những tiết mục xiếc hấp dẫn mà là những tác phẩm, sản phẩm xiếc. Tôi muốn nhấn mạnh “sản phẩm”, tức là vừa bảo đảm được yếu tố kỹ thuật, nghệ thuật, vừa có thể tham gia hoạt động kinh tế, điều này được quyết định bởi chất lượng tác phẩm.

Năm 2022, chúng tôi ra mắt vở “Chúa tể rừng xanh” nhân năm con hổ. Việc nhân cách hóa con hổ có những tính cách của con người với hành động vui nhộn, lồng ghép những tư tưởng giáo dục nhân văn khiến lần nào xem, khán giả nhỏ cũng hô vang “Các bạn ơi, đoàn kết là sức mạnh”. Đến nay, “Chúa tể rừng xanh” đã diễn gần 100 buổi. Tôi nghĩ, chúng tôi đã thành công cả về kinh tế và hiệu ứng từ sản phẩm này.

Trên hết, về lâu dài, vấn đề con người vẫn là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Bởi với nghệ thuật xiếc là phải làm thật ăn thật. Khi đời sống xã hội ngày càng nâng cao, thì việc đầu tư nguồn lực cho xiếc, nhất là chế độ đãi ngộ để diễn viên yên tâm cống hiến cho nghề là yếu tố rất quan trọng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)