QĐND - Người dân các tỉnh miền núi phía Bắc thân thương gọi Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Thái Nguyên là "Nhà khoa học của người dân vùng cao”. Trong nhiều năm qua, bà cùng các cộng sự theo đuổi những nghiên cứu về các bệnh phổ biến, gây tác hại lớn ở gia súc, gia cầm và biện pháp phòng, chống hiệu quả. Công việc này vô cùng ý nghĩa, góp phần bảo vệ vật nuôi, tăng năng suất chăn nuôi, giúp nông dân miền núi phát triển kinh tế hộ hiệu quả. Bà cũng là cá nhân duy nhất được trao Giải thưởng Cô-va-lép-xkai-a (Kovalevskaia) năm 2014. Vừa qua, bà vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động từ những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong công tác đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực chăn nuôi thú y.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan để được nghe, được ghi những tâm sự của bà.

Phóng viên (PV): Gần 40 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học với vô số thành tựu, bà có thể “gạch” vài đầu dòng về quá trình ấy?

GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan: Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 1979, tôi nhận quyết định về làm giảng viên ở Trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái (nay là Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên). Cũng như các thầy, cô giáo khác, tôi đã trải qua một thời kỳ bao cấp gian truân, cuộc sống vô cùng khó khăn với áp lực trong công việc ở trường và ở nhà. Kinh phí cho nghiên cứu khoa học (NCKH) rất ít ỏi, có những đề tài tôi phải tự túc kinh phí. Sau đó, tôi tiếp tục học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Viện Thú y Quốc gia. Năm 2000, tôi nhận bằng Tiến sĩ Thú y sau 3 năm miệt mài nghiên cứu và hoàn thành luận án. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song công việc giảng dạy và NCKH là những công việc đúng sở trường nên tôi vô cùng tâm huyết.

Vào những năm đầu của thập niên 1980, việc phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn khá lạc hậu, chủ yếu sản xuất theo phương thức "tự túc, tự cấp", rất ít áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nhân giống, chọn giống, thức ăn và phòng, chống bệnh dịch cho gia súc, gia cầm. Cùng với các thầy, cô giáo của Khoa Chăn nuôi thú y và các cán bộ trong ngành, tôi đã đóng góp công sức và trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân miền núi về việc phát triển chăn nuôi, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, lấy chăn nuôi làm nền tảng trong cơ cấu nội tại của ngành nông nghiệp nói chung. Thời gian này, tôi vừa giảng dạy đại học, sau đại học, vừa cùng sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng, chống hiệu quả... Ngoài tỉnh Thái Nguyên, hầu hết các tỉnh miền núi khác như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... đều có dấu chân của tôi và các cộng sự.

PV: Đến nay, bà đã đạt được những thành tựu gì trong công tác NCKH của mình?

GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan: Hướng nghiên cứu chính của tôi trong nhiều năm qua là những bệnh phổ biến, gây tác hại lớn ở gia súc, gia cầm và biện pháp phòng, chống hiệu quả. Đến nay, tôi và các cộng sự đã và đang chủ trì 15 đề tài NCKH gồm: 1 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp đại học và 7 đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, tôi còn tham gia chính thực hiện 3 đề tài cấp bộ khác. Có 17 đề tài đã được nghiệm thu, trong đó 16 đề tài đạt loại tốt và xuất sắc, 1 đề tài đạt loại khá.

GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan.

Trong các sản phẩm của các đề tài mà tôi và cộng sự đạt được, có 2 loại sản phẩm nổi bật. Một là các bộ Kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng cho gia súc có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, chẩn đoán bệnh nhanh, thực hiện trên số mẫu nhiều trong một thời gian ngắn, từ đó giúp các địa phương phát hiện nhanh gia súc mắc bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời. Hiện, chúng tôi đã chuyển giao 3.500 Kit và 1 phác đồ điều trị đặc hiệu bệnh tiên mao trùng cho chi cục thú y 4 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình và Lai Châu để ứng dụng trên đàn gia súc của các tỉnh và có kết quả tốt. Trong thời gian tới, quy trình sản xuất các bộ Kit sẽ được chuyển giao để sản xuất thành hàng hóa, phục vụ công tác chẩn đoán bệnh tiên mao trùng trong phạm vi cả nước. Hai là các quy trình phòng, chống bệnh và các phác đồ điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao và an toàn.

Ngoài những đề tài NCKH được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở các tỉnh, tôi cũng có 90 công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín. Tôi cũng là người hướng dẫn chính của 15 luận án tiến sĩ, 34 luận văn thạc sĩ, 400 đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học. Tôi đã chủ biên và tham gia biên soạn 18 giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ giảng dạy đại học và sau đại học, sách hướng dẫn kỹ thuật.

PV: Theo bà, các nhà khoa học phải làm gì để có được những thành công?

GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan: Theo tôi, những thành công mà mỗi chúng ta có được không phải nhờ một cái gì đó trừu tượng, mà là từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề, từ tâm huyết với cơ quan, với ngành, từ nhu cầu được làm việc, nhu cầu được cống hiến, từ cái suy nghĩ rất đơn giản là: Đã không làm thì thôi, đã làm là làm cho bằng được, làm với chất lượng và hiệu quả cao nhất, sáng tạo nhất mà bản thân mình có thể cố gắng được.

Là một nhà giáo, nhà khoa học, tôi đã có một số thành công nhất định. Nhưng thành công của tôi là công sức của cả một tập thể những nhà khoa học của nhà trường, của Khoa Chăn nuôi thú y và cả các thế hệ sinh viên. Để dành trọn tâm huyết cho nghề nghiệp, tôi còn có sự ủng hộ rất nhiệt tình của chồng và các con, cũng đều là giảng viên đại học.

PV: Trong quá trình công tác, NCKH, bà hạnh phúc nhất với điều gì?

GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan: Qua nhiều năm giảng dạy và NCKH, tôi nhận thấy rằng, phần thưởng lớn nhất của tôi chính là đã tham gia đào tạo được nhiều kỹ sư, bác sĩ thú y, thạc sĩ và tiến sĩ chất lượng cao; là những kết quả khả quan mà tôi và cộng sự đã thu được sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ đó góp phần phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các dân tộc trong cả nước, đặc biệt là bà con các dân tộc đang sinh sống ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

PV: Bà có thể đánh giá công tác NCKH tại các trường đại học của Việt Nam hiện nay?

GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan: Tôi cho rằng, hoạt động NCKH là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng mỗi trường đại học của chúng ta trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu có chất lượng cao. Các trường đại học đang có một lực lượng hùng hậu các giảng viên, các nhà khoa học thuộc nhiều ngành khác nhau. Đó là tiềm năng và thuận lợi rất cơ bản để đẩy mạnh hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những nghiên cứu có khả năng ứng dụng phục vụ phát triển sản xuất. Vì thế, nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển khoa học công nghệ thì chắc chắn bức tranh khoa học của chúng ta sẽ ngày một sáng sủa hơn. Và, những sản phẩm khoa học công nghệ do các nhà khoa học tạo ra chắc chắn sẽ phục vụ một cách hiệu quả và thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn bà.

GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, UBND tỉnh Thái Nguyên và Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên. Bà là cá nhân duy nhất được trao Giải thưởng Cô-va-lép-xkai-a năm 2014 - giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và ứng dụng. Năm 2015, bà cũng là một trong những điển hình tiên tiến của phong trào thi đua yêu nước… Hiện nay, GS, TS Nguyễn Thị Kim Lan là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản nhiệm kỳ 2014 - 2019.

THU PHƯƠNG (thực hiện)