Phóng viên (PV)Thưa đồng chí, những giá trị bản sắc văn hóa quân sự của Quân chủng được hình thành và khẳng định như thế nào trong lịch sử?

Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên: Ở giai đoạn nào, thời kỳ nào thì HQND Việt Nam đều có những đóng góp to lớn, rất xứng đáng vào xây dựng giá trị văn hóa quân sự của QĐND Việt Nam, của lực lượng vũ trang và là một thành tố làm nên bản sắc văn hóa quân sự thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, tiêu biểu nhất là giá trị văn hóa quân sự “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng”. Điều này được thể hiện ở những chiến công, thành tích của Quân chủng đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận.

Tôi xin chi tiết thế này, từ lực lượng nhỏ bé nếu không muốn nói là thô sơ, Quân chủng Hải quân đã không ngừng lớn mạnh. Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng Hải quân đã hiệp đồng chiến đấu hàng nghìn trận, bắn rơi 118 máy bay, diệt 34 xe tăng; tháo gỡ, phá nổ hàng nghìn quả thủy lôi và bom từ trường; bắn chìm và bị thương 391 tàu, thuyền của địch. Trong đó tiêu biểu là trận đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc, bắn rơi 8 máy bay của địch, làm bị thương nhiều chiếc khác; bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc.

leftcenterrightdel

Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên. Ảnh: QUỐC TRIỆU 

Hay như chiến công vang mãi của tinh thần mưu trí, sáng tạo, anh dũng, sẵn sàng hy sinh để đưa hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật, chi viện cho chiến trường miền Nam của cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số, tạo nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. Rồi tinh thần xả thân chiến đấu chống phong tỏa của đế quốc Mỹ bằng thủy lôi, bom từ trường trên sông, biển miền Bắc. HQND Việt Nam đã nghiên cứu tháo gỡ, rà phá hàng nghìn quả thủy lôi, bom từ trường của địch, khai thông luồng lạch.

Văn hóa quân sự của Bộ đội Hải quân (BĐHQ) còn gắn với những trận đánh độc đáo, táo bạo, mưu trí và dũng cảm phi thường ở Cửa Việt-Đông Hà, cũng như trên khắp chiến trường sông, biển miền Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, HQND Việt Nam đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 “Thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ” tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc. Tiếp đó, bản chất văn hóa quân sự của BĐHQ còn thể hiện đậm nét trong tham gia giải phóng và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Có thể nói, giá trị văn hóa quân sự của BĐHQ thấm đẫm mồ hôi, máu xương của các thế hệ, đặc biệt là sự hy sinh của hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ trên các chiến trường...

PV: Nhiều người cho rằng, khi xây dựng HQND Việt Nam hiện đại sẽ gồm nhiều thành phần, lực lượng nên khó có được bản sắc văn hóa đặc trưng. Đồng chí nghĩ thế nào về nhận định này?

Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên: Thực tế cho thấy, HQND Việt Nam tập hợp nhiều ngành, nhiều lực lượng, nhiều cơ quan, đơn vị. Ngay như trên một chiếc tàu mặt nước hay tàu ngầm cũng có nhiều chuyên ngành khác nhau, giống như những binh chủng thu nhỏ. Tuy nhiên, không vì thế mà văn hóa quân sự bị phân tán, mất đi bản sắc. Mặt khác, sự tiếp nối văn hóa giữ biển giữa các thế hệ, giữa truyền thống và hiện nay của BĐHQ là rất liên tục, được duy trì thành nền nếp, liền mạch. Đó là sự hòa quyện tất cả những gì tinh túy nhất trong văn hóa giữ nước truyền thống ở vùng biển với văn hóa quân sự hiện đại ở từng chuyên ngành và từng đơn vị, tạo nên tình yêu thiêng liêng với tàu, với biển, với đảo và gắn bó mật thiết với nhân dân.

Hiện nay, trong điều kiện xây dựng HQND Việt Nam tiến lên hiện đại, việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống được gắn chặt với quá trình xây dựng đơn vị, gắn với hoạt động lãnh đạo và hoạt động tác chiến quân sự.

Ta sẽ thấy rất rõ điều này khi nhìn vào những sáng tạo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của BĐHQ. Hằng năm, các đơn vị có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật hướng vào nâng cao khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong đó có rất nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị khoa học. Đó là một minh chứng rất rõ cho ý chí, niềm tin chính trị được xuất phát từ tình yêu biển, yêu đảo, yêu tàu, yêu Tổ quốc gắn với tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của BĐHQ, giá trị văn hóa cao nhất vẫn liền mạch. Tại các đảo, nhà giàn và mỗi con tàu, cán bộ, chiến sĩ vẫn chắc tay súng, cảnh giác cao, dù phải xa gia đình đằng đẵng. Hay ví dụ như trong giá trị văn hóa gắn bó với nhân dân, mỗi năm, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các đơn vị của Hải quân còn cấp cứu, điều trị hàng trăm ngư dân bị ốm, tai nạn lao động trên biển; cấp dầu, nước, nhu yếu phẩm và giúp ngư dân cứu kéo, sửa chữa nhiều tàu đánh cá... để nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Những giá trị văn hóa quân sự ấy được khắc họa trong những tác phẩm văn học-nghệ thuật do chính cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng cùng đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước sáng tác và nó đều hướng tới bản sắc văn hóa bảo vệ Tổ quốc trên biển. Đây là đặc trưng tinh túy nhất. 

PV: Với đặc điểm yêu cầu nhiệm vụ đa dạng, phức tạp hiện nay, văn hóa quân sự Hải quân có gì mới so với giai đoạn trước, thưa đồng chí?

Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên: Ở thời kỳ mới, tình hình biên giới biển có nhiều diễn biến phức tạp. Hải quân vừa khai thác vũ khí, khí tài cũ gắn với vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật hiện đại. Cạnh đó, hệ thống điều lệnh Quân đội, hệ thống điều lệ tác chiến đã có những thay đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn trước; các tiêu chí huấn luyện quân sự, diễn tập ngày càng khắt khe, chặt chẽ hơn. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung huấn luyện cũng nghiêm ngặt và ngày càng đi vào chiều sâu thực chất. Đặc biệt, những năm gần đây, HQND Việt Nam được tham gia nhiều sự kiện giao lưu, hội thao quân sự quốc tế cả ở trong nước và nước ngoài. Theo tôi, các nguyên nhân ấy là những điều kiện khách quan để nâng cao hơn nữa văn hóa quân sự Hải quân theo triết lý văn hóa giữ nước Việt Nam đầy nhân văn.  

leftcenterrightdel

Hải quân nhân dân Việt Nam làm chủ vùng biển. Ảnh: QUỐC TRIỆU 

Tôi cũng nghĩ rằng, những điều kiện ấy là cơ hội để BĐHQ học hỏi các giá trị văn hóa quân sự của nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là điều kiện xây dựng giá trị văn hóa quân sự đặc sắc mới. Đó là văn hóa nêu cao cảnh giác, cơ động nhanh, hiệp đồng chuẩn xác, giữ gìn bí mật quân sự mà cao nhất đó là sự chính xác, linh hoạt, sáng tạo của từng cá nhân, tập thể trong vận hành phương tiện, vũ khí, khí tài nhằm mục tiêu không để bị động, bất ngờ trước các tình huống.

PV: Những điều ấy đặt ra những yêu cầu gì cho mỗi cán bộ, chiến sĩ để họ tự hào, tiếp nối, phát huy tốt bản sắc văn hóa quân sự Quân chủng, thưa đồng chí?

Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên: Theo tôi, muốn văn hóa quân sự lan tỏa và trở thành nền tảng trong tổ chức hoạt động quân sự thì điều cốt yếu là phải tạo ra được môi trường văn hóa thực sự để cán bộ, chiến sĩ gắn bó với đơn vị, công việc và thổi hồn vào nhiệm vụ một cách tận tâm, tận lực.

Từ nhận thức ấy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” và cụ thể hóa vào các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng một cách phù hợp với đặc thù chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình đơn vị và ở từng vùng, miền. Trên cơ sở những tiêu chuẩn xây dựng môi trường văn hóa, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã có nhiều cách làm hiệu quả, huy động nhân lực, vật lực trong xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú. Đến nay, đã có 100% doanh trại của các đơn vị có hệ thống vườn hoa, cây cảnh. Thông qua các hoạt động thiết thực như: Tổ chức cho các tập thể và cán bộ, chiến sĩ đăng ký thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử giữa đồng chí, đồng đội và các mối quan hệ giữa cấp trên, cấp dưới, giữa cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Các phong trào: “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú”; “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”... được phát động, tạo không khí thi đua sôi nổi. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phát huy, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở như thư viện, phòng đọc, tủ sách pháp luật, hộp báo thao trường... tại các đơn vị. Chế độ báo, tạp chí dành cho cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm đầy đủ; các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội.

Một trong những vấn đề cốt yếu để xây dựng được văn hóa quân sự là tổ chức các hoạt động quân sự thực chất. Thế nên, nhiều năm gần đây, việc huấn luyện theo phương án, huấn luyện hiệp đồng rất được chú trọng thông qua duy trì nghiêm các chế độ canh trực và điều lệnh ngành. Đặc biệt, trước những thử thách của tình hình quốc tế và trong nước, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân và sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là đỉnh cao văn hóa quân sự của HQND Việt Nam. Những giá trị văn hóa quân sự mới đã làm nổi bật hình ảnh chiến sĩ Hải quân, có sức thuyết phục, lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân cả nước thừa nhận, tin yêu quý mến. Bằng chứng là, hằng năm, có rất nhiều thanh niên xung phong nhập ngũ vào các đơn vị Hải quân để đóng góp công sức xây dựng Quân chủng thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển; tăng cường quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MẠNH THẮNG (thực hiện)