Phóng viên (PV): Là một tổ chức xã hội, hơn 10 năm qua, Hội đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả trong tri ân liệt sĩ. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những kết quả đó?

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Chiến tranh đã lùi xa nhưng di chứng chiến tranh để lại trên đất nước ta còn rất nặng nề và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Những năm qua, hơn 30 vạn hài cốt liệt sĩ (HCLS) chưa xác định danh tính đã được đưa về trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, nhưng vẫn còn hơn 22 vạn liệt sĩ đang nằm lại các chiến trường, trong đó có cả ở Lào, Campuchia. Con số ấy cũng đã nói lên phần nào sự khắc khoải, chờ mong của thân nhân các liệt sĩ. Gần 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên cũng là từng ấy gia đình, người mẹ, rất nhiều người vợ mong ngóng từng ngày. Thậm chí có những người phụ nữ mang theo tình yêu, hẹn ước và sự đợi chờ sang thế giới bên kia...

leftcenterrightdel

 Đoàn viên, thanh niên Tổng cục Chính trị thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY

Nhờ máu xương các liệt sĩ đổ xuống, chúng ta có độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Đất nước chúng ta còn nợ các liệt sĩ và thân nhân các anh một điều, ấy là “trả lại tên cho các anh”. Mất con, mất người thân đã đau đớn, lại mong ngóng từng ngày, từng giờ được đưa xương cốt con em về với gia đình, quê hương. Cũng có khi biết chắc liệt sĩ nằm ở nghĩa trang nhưng lại mang tên ngôi mộ “vô danh”.

Theo ý nghĩa ấy, Hội được ra đời ngày 17-9-2010 theo Quyết định số 1081/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Gần 12 năm qua, có thể khẳng định rằng, Hội đã làm được tương đối nhiều việc tri ân các liệt sĩ, đó là: Xây dựng hơn 800 ngôi nhà tình nghĩa (60 triệu đồng/căn); sửa chữa 40 ngôi nhà (khoảng 40 triệu đồng/căn); trao tặng 2.400 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ), 37.000 suất quà (từ 1 đến 3 triệu đồng/suất), gần 300 xe lăn; phụng dưỡng 101 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 24.000 lượt thân nhân gia đình thương binh-liệt sĩ... Tổng kinh phí cho các hoạt động này hơn 150 tỷ đồng.

Những năm qua, Hội cũng đã giám định được trên 1.000 HCLS, cùng công tác thực chứng đã xác định danh tính cho trên 700 liệt sĩ; khai quật, di chuyển, đưa hàng nghìn liệt sĩ về với đất mẹ. Chính những hoạt động khoa học của Hội như vậy đã góp phần tích cực trong giải quyết được nạn lợi dụng việc tìm kiếm HCLS để trục lợi. Ngoài ra, Hội cũng tham gia tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành một số chính sách có hiệu quả, như công tác di chuyển HCLS, chế độ của người thờ cúng liệt sĩ... Đến nay, những việc này đã có nhiều thay đổi thiết thực.

PV: Hội đã làm thế nào để có được kết quả ý nghĩa đó, nhất là khi thời gian ra đời chưa lâu, lại trải qua hơn hai năm cả nước chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thưa đồng chí?

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Hội đã tích cực tiến hành vận động xã hội hóa, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tài trợ, cùng góp vào để phục vụ công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Chính sự ra đời và kết quả hoạt động thiết thực của Hội trở thành chỗ dựa tin cậy cho thân nhân liệt sĩ. Hội là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa; cũng là chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gửi gắm tiền bạc, tình cảm để làm công tác tri ân. Ví như, Tập đoàn Thái Bình Dương trong 5 năm qua đã gửi tới Hội 1,5 tỷ đồng mỗi năm và ký kết trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ là 1 tỷ đồng cho công tác tri ân.

Sở dĩ có được niềm tin như thế là bởi Hội đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người đỡ đầu, đề xướng thành lập Hội. Trong những năm qua, Hội đã đón nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh... và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành đến thăm và làm việc. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Quốc phòng luôn xem Hội là “con đẻ”, hỗ trợ hoạt động của Hội từ vật chất đến tinh thần. Nhờ thế mà Hội đã tạo được uy tín xã hội và có được kết quả hoạt động như thời gian qua.

PV: Chiến tranh đã đi qua, song di chứng và tội ác của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Hàng vạn liệt sĩ chưa biết tên, chưa tìm được hài cốt, để lại nỗi buồn, khắc khoải chờ mong cho bao gia đình. Theo đồng chí, thực trạng sau chiến tranh cần được quan tâm, giải quyết như thế nào?

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Tôi từng 7 lần sang Lào tìm kiếm HCLS nhưng đào 31 ngôi mộ lên chỉ còn là đất đen mà thôi... Trong những năm qua, hoạt động của Hội cơ bản thuận lợi còn khó khăn lớn nhất cũng chính là công tác “trả lại tên” cho các liệt sĩ, bởi chiến tranh đã qua lâu, những người trong cuộc cũng dần lớn tuổi hoặc đã mất, địa hình, địa chất, vị trí chôn cất ban đầu thay đổi, việc lưu trữ thông tin ban đầu chưa có hệ thống...

Hội đang kiến nghị Nhà nước xây dựng ngân hàng gen của gần 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên. Vừa rồi chúng tôi đã làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, tới đây sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để bàn về việc này. Người hy sinh đã đành, nhưng nếu không tranh thủ thì dần dần thân nhân của các liệt sĩ cũng mất. Muốn làm việc này, Đảng, Chính phủ cũng cần sớm có chủ trương và huy động xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của toàn dân và toàn xã hội.

Tôi tính đơn giản, để xét nghiệm AND cho một trường hợp liệt sĩ phải lấy mẫu xét nghiệm cho HCLS và thân nhân, chi phí khoảng 20-25 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như di chuyển, khai quật, bảo quản mẫu phẩm... Nếu làm được ngân hàng gen thì trong khoảng 10 năm tới sẽ giải quyết được cơ bản việc xác định danh tính các liệt sĩ chưa biết tên, tất nhiên sẽ có nhiều trường hợp không thể xác định được, nhưng nếu không làm thì công tác này sẽ còn kéo dài và ngày càng khó khăn hơn.

Cũng bởi vậy, Hội đang phát triển mạng lưới tổ chức ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Khó khăn là Hội ít người tham gia, phần lớn hội viên là người lớn tuổi, đã nghỉ hưu. Còn với người trẻ thì hiểu biết về thực tiễn phục vụ công tác này không nhiều. 

PV: Hiện nay đang có nhiều tranh luận về việc đổi tên khắc trên bia mộ các “liệt sĩ vô danh” là không cần thiết. Việc ấy sẽ gây tốn kém tiền của rất lớn, trong khi số tiền đó có thể làm được nhiều việc thiết thực hơn cho công tác tri ân. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này thế nào?

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Tôi nghĩ nếu có thay đổi gì cho đáng giá, thay đổi được về chất, thiết thực thì nên làm, còn nếu không thì đừng nên động chạm đến các liệt sĩ. Từ “Liệt sĩ vô danh” không có nghĩa là các anh không có tên. Khi đi bộ đội, các anh có tên tuổi, quê quán, nhưng do chiến tranh nên chúng ta chưa xác định được danh tính, không thể xác định được tên tuổi, thông tin các liệt sĩ mà thôi. Chuyện này cũng làm tôi nhớ đến câu chuyện Thánh Gióng khi đánh xong giặc đã cùng ngựa bay lên trời, không màng hưởng công lao, vinh hiển, không cần ai trả ơn. “Liệt sĩ vô danh” theo tôi là vĩ đại lắm, là với Tổ quốc, các anh không kể tên tuổi, không kể công lao, chỉ biết vì Tổ quốc, hy sinh cho Tổ quốc.

Hơn nữa, nếu dùng “Liệt sĩ chưa xác định được tên” thì cũng tức là Nhà nước, chúng ta còn gánh nặng, trách nhiệm rất lớn phải xác định cho các anh, mà thực tế thì sẽ có rất nhiều liệt sĩ không thể xác định được tên, thậm chí nhiều năm sau nữa cũng không thể xác định được.

Tên “Liệt sĩ vô danh” theo tôi đã rất trang trọng, tinh tế rồi, đừng nên thay đổi gì nữa. Kinh phí để thay những tấm bia ấy nên chăng để tập trung cho việc giám định, quy tập hài cốt, giải quyết chính sách cho thân nhân liệt sĩ thì hơn.

leftcenterrightdel
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Ảnh do nhân vật cung cấp 

PV: Là người gắn bó với quân đội và hoạt động chính sách, xã hội liên quan đến công tác tri ân nhiều năm, đến nay, điều gì khiến đồng chí còn trăn trở nhiều nhất?

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Như tôi đã nói, những người như chúng tôi đã dần lớn tuổi nên mong muốn lớn nhất lúc này của tôi cũng như Hội, phải tranh thủ thời gian để làm được ngân hàng gen của các liệt sĩ chưa biết tên. Tôi có ý tưởng phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để chọn lấy một ngày thường niên cho đoàn viên, thanh niên cả nước phát động các hoạt động tri ân liệt sĩ như: Dọn dẹp, chỉnh trang, thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi các gia đình thân nhân liệt sĩ, nhắn tin ủng hộ quỹ tri ân liệt sĩ. Đặc biệt là xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin các liệt sĩ và huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên ở mỗi địa phương trong việc thống kê và đăng thông tin các liệt sĩ tại nghĩa trang lên.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, có chủ trương, chính sách thiết thực trong công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa, nhưng càng đi nhiều, tôi thấy các gia đình thân nhân liệt sĩ vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, rất xót xa. Bởi vậy, tôi cũng mong sẽ có thêm những chính sách phù hợp hơn nữa, chính quyền các cấp cần cụ thể, thiết thực hơn nữa, để giúp thân nhân các liệt sĩ vươn lên, có cuộc sống tốt hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)