Sự trở lại bất ngờ 

Lần đầu tiên sau gần 13 tháng nắm quyền, ngày 13-11, Thủ tướng Rishi Sunak đã tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn. Theo đó, Bộ trưởng Nội vụ gây tranh cãi Suella Braverman đã bị sa thải trước sức ép dư luận và nội bộ liên quan đến việc bà chỉ trích cách cảnh sát xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine trong cuộc xung đột Hamas-Israel. Người thay bà Braverman là Ngoại trưởng James Cleverly. 

Lúc này, mọi máy ảnh đều tập trung trước lối vào ngôi nhà số 10 phố Downing (Phủ thủ tướng Anh). Một chiếc ô tô lăn bánh lại gần. Một khuôn mặt quen thuộc bước ra. "David Cameron! Điều gì vậy?”- người dẫn chương trình của kênh Sky News thốt lên, cả phóng viên của BBC cũng vậy. Ông David Cameron chính thức được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh.

leftcenterrightdel

Ông David Cameron xuất hiện trước cổng nhà số 10 phố Downing ngày 13-11. Ảnh: AP 

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh ông Cameron nghẹn ngào khi kết thúc bài phát biểu trên bậc thềm nhà số 10 phố Downing, rồi nắm tay vợ Samantha bước vào dinh thự mà không nhìn lại hôm 24-6-2016. Ông Cameron đã tuyên bố từ chức thủ tướng chỉ một ngày sau chiến thắng của phe ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân mà chính ông là người phản đối. 

Bản thân vị cựu thủ tướng này biết rằng, ông mãi mãi đi vào lịch sử với tư cách là người châm ngòi cho việc nước Anh rời khỏi EU. Nhưng ông Cameron chưa hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử. Ông xuất hiện trước ống kính phóng viên với vai trò là người đứng đầu ngành ngoại giao Anh trong một thời kỳ đặc biệt hỗn loạn, giữa cuộc chiến ở Ukraine và cuộc chiến ở dải Gaza.

Cựu Thủ tướng David Cameron thường được biết đến với cái tên “Lucky Dave” (tạm dịch: Dave may mắn) ngay cả khi ông thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Là sản phẩm thuần túy của giới thượng lưu Anh, cựu sinh viên của trường Eton và Oxford đã bước vào chính trường với tư cách cố vấn cho chính phủ của Thủ tướng Margaret Thatcher năm 1989.

Ông được bầu làm hạ nghị sĩ năm 2001 và 4 năm sau, đảm nhận vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ ở tuổi 38. Đến năm 2010, ông trở thành thủ tướng trẻ nhất xứ sở sương mù kể từ năm 1812. Nhiều nhà quan sát vào thời điểm đó đã so sánh sức hút của ông Cameron với cựu Thủ tướng Tony Blair của Công đảng. 

Giống ông Blair, ông Cameron nỗ lực lèo lái đảng của mình theo hướng trung lập, ủng hộ “chủ nghĩa bảo thủ nhân ái” nhằm nâng cao uy tín của Đảng Bảo thủ. Nhưng đối với nhiều người, nền kinh tế “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt và quyết định tổ chức cuộc bỏ phiếu Brexit của ông vẫn là những cột mốc quan trọng trong thời gian ông nắm quyền, với tác động sâu rộng lên xã hội Anh sau này. Dưới thời Thủ tướng Cameron, Chính phủ Anh đã cắt giảm sâu phúc lợi xã hội và các chi tiêu công khác cho y tế và giáo dục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008...

Xuất thân từ dòng dõi quyền quý của Scotland, từ Vua William IV và là em họ xa của Nữ hoàng Elizabeth II, ông Cameron khẳng định mình là nhà lãnh đạo trẻ có tinh thần tự do khi chấp nhận hôn nhân đồng tính vào năm 2014. Một năm sau, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với đa số phiếu ủng hộ Đảng Bảo thủ, một tỷ lệ cao nhất trong 20 năm. Say sưa với chiến thắng nên khi bước vào nhiệm kỳ hai thủ tướng, ông Cameron đã đánh cược vào cuộc trưng cầu ý dân.

Trước đó, năm 2013, Thủ tướng Cameron đã quyết định kêu gọi người dân bày tỏ quan điểm về vấn đề châu Âu. Là một người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ôn hòa và thực dụng, Thủ tướng Cameron khi đó tin chắc rằng ông có thể thuyết phục người Anh “ở lại” nhờ những động thái nới lỏng có được từ Brussels. Nhưng mọi việc đều không suôn sẻ. Cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 mà ông tốn rất nhiều công sức và vấp phải sự phản đối của những đối thủ bất ngờ đã thất bại. Một “cơn địa chấn” làm rung chuyển toàn bộ châu Âu.

Trong cuộc phỏng vấn với Báo The Times (Anh) nhân dịp xuất bản cuốn hồi ký của mình, ông Cameron tiết lộ ông đã nghĩ hằng ngày về kết quả của cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, nhấn mạnh rằng chiến thắng của những người ủng hộ Brexit “vô cùng chán”. Tuy nhiên, ông khẳng định mình không hối hận vì quyết định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân. 

Trong 7 năm rời xa chính trường, ông Cameron đã tạo dựng được tên tuổi của mình với tư cách là giám đốc cho các tổ chức từ thiện quốc tế và tư vấn cho nhiều ủy ban khác nhau. Năm 2020, ông vướng vào tranh cãi vì mối liên hệ với Greensill Capital ngay trước khi quỹ đầu tư này phá sản. Đóng vai trò là nhà vận động hành lang cho Greenshill, ông Cameron được cho là đã gõ cửa nhiều cơ quan trong chính phủ để cố gắng giành được viện trợ công trước khi phá sản.

Gần đây nhất, ông Cameron đã chỉ trích quyết định hủy dự án đường sắt tốc độ cao HS2 nối Birmingham với Manchester của chính phủ Thủ tướng Sunak. Do vậy, giới quan sát đánh giá quyết định bổ nhiệm ông Cameron là sự thỏa hiệp của Thủ tướng Sunak với nhóm ôn hòa trong Đảng Bảo thủ cầm quyền trước sự bất mãn của họ với chính sách mang tính cực hữu trong các vấn đề nhập cư, cảnh sát và nhà ở của chính phủ đương nhiệm.

Nỗ lực thổi “luồng sinh khí mới”

Để bổ nhiệm ông Cameron làm Ngoại trưởng, Thủ tướng Sunak đã phải phá vỡ thông lệ, theo đó, chỉ những người được bầu vào Quốc hội mới có thể vào nội các chính phủ. Không còn được bầu vào Hạ viện kể từ năm 2016, ông Cameron đã khẩn trương được đồng ý vào Hạ viện. Giám đốc tổ chức tư vấn “Thay đổi châu Âu” của Anh, ông Anand Menon, giải thích: “Vị trí chưa từng có này đặt ra vấn đề vì ông Cameron không thể báo cáo trước Hạ viện như công việc của một Ngoại trưởng thường làm”. Tiền lệ duy nhất gần đây là của David Frost-Ngoại trưởng phụ trách Brexit-vào năm 2021.

Việc Thủ tướng Sunak bổ nhiệm ông Cameron giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao được cho là nhằm thổi luồng sinh khí mới vào Đảng Bảo thủ để vượt qua Công đảng trong các cuộc thăm dò trước thềm cuộc bầu cử lập pháp sắp tới. Ông Menon phân tích: “Đây là một động thái của Thủ tướng Sunak nhằm thu hút sự chú ý của cử tri tự do-những người không nhất thiết ủng hộ Brexit”. Còn Bộ trưởng Giao thông Mark Harper, người từng làm việc dưới quyền ông Cameron, bày tỏ: “Trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine và những gì đang diễn ra ở Trung Đông, tôi nghĩ việc mời một người thực sự có kinh nghiệm đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng như ông Cameron là một quyết định tuyệt vời”.

Tin ông Cameron “tái xuất” chính trường được đón nhận nồng nhiệt ở các thủ đô châu Âu, đặc biệt là Paris, nơi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Catherine Colonna tin rằng hai nước có nhiều việc phải làm cùng nhau trong thời điểm đặc biệt này. Còn đối với ông Peter Ricketts, cựu Đại sứ Anh tại Pháp cho rằng, tân Ngoại trưởng Cameron có mối quan hệ tốt với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, thấu đáo về chính sách đối ngoại và xử lý khủng hoảng một cách bình tĩnh. Một trải nghiệm tuyệt vời rất hữu ích trong giai đoạn hiện tại. Tỏ thái độ dè dặt hơn, Timothy Less, nhà cựu ngoại giao và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Địa chính trị thuộc Đại học Cambridge nhận xét: “Thời gian sẽ trả lời”. 

Giới quan sát cho rằng, với kinh nghiệm trong 6 năm làm thủ tướng, tân Ngoại trưởng Cameron có thể vực lại nước Anh trên chính trường quốc tế với những bước đi thận trọng.

HOÀNG ĐAN