Cuộc tháo chạy nhục nhã
Rất khó để thống kê số lượng bài viết, phóng sự, hình ảnh về sự kiện trọng đại này đã được báo chí quốc tế đăng tải trong ngày 30-4-1975 và những dịp kỷ niệm kể từ ngày đó đến nay. Tuy nhiên, điểm chung bao trùm là sự khâm phục trước chiến thắng của dân tộc Việt Nam. “Sự sụp đổ cuối cùng của miền Nam đến quá nhanh, không ai có thể hình dung được”, Việt Nam “kiên cường, anh dũng”, chiến thắng “rung động địa cầu”... là những bình luận của báo chí quốc tế mô tả về chiến thắng của Việt Nam.
    |
 |
Diễu hành mừng chiến thắng của Việt Nam trên đường phố Paris (Pháp) ngày 1-5-1975. Ảnh: Vietnam plus |
Báo chí Mỹ đã có rất nhiều bài viết về sự kiện này. Ngay sau giờ phút lá cờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập và lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh, hãng tin UPI của Mỹ ngày 30-4-1975 đã đưa tin: “Quân đội Cộng sản tươi cười lái xe tăng vào Phủ Tổng thống và hô vang “đồng chí” với những người đứng ở bên đường và các báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người Cộng sản”.
Với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Time ngày 1-5-1975 chạy tít lớn suốt chiều rộng trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng của các lực lượng cách mạng Việt Nam. Cũng trong số ra ngày 1-5-1975, hãng tin AP đăng tải bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của Quân Giải phóng tiến nhanh vào dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này, tướng Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”.
Trong tối cùng ngày 1-5-1975, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống truyền hình Mỹ đã dành thời lượng cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn ngày 29-4-1975 và các mẩu tin về giây phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau đó là sự ra đời của một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam. Tờ Điện tín New York cho rằng, việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ”, còn các bản tin hằng ngày gọi sự kiện ngày 30-4-1975 là “một chương bi thảm trong lịch sử nước Mỹ”.
Nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng 30-4-1975, Báo Người Lao động của Cuba đăng bài với tiêu đề “Việt Nam tự do và thống nhất”, khẳng định: “Ngày 30-4-1975, những hình ảnh chiến thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam anh hùng đã nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới. Cảnh tượng những tên lính Mỹ hoảng loạn chen lấn, xô đẩy trên những máy bay trực thăng Black Hawk trong một cuộc tháo chạy nhục nhã trước sức tiến thần tốc không gì cản nổi của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như hình ảnh các chiến sĩ giải phóng tiến vào dinh Độc lập vẫn còn nguyên đó như những bằng chứng hùng hồn của ngày hai miền Nam-Bắc Việt Nam hoàn toàn thống nhất”.
Còn với bà Merle Ratner (người Mỹ), nhà hoạt động phong trào cánh tả hàng đầu tại Mỹ, từng tham gia phong trào chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đồng sáng lập và điều phối tổ chức Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC), cảm xúc khi nghe tin về Đại thắng mùa xuân 1975 của nhân dân Việt Nam là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi và vui sướng nhất cuộc đời. Bà chia sẻ: “Đây là chiến thắng dành cho những người dân Việt Nam anh hùng, những người đã phải hy sinh cả xương máu để có được chiến thắng vinh quang đó. Chúng tôi cảm thấy chiến thắng của các bạn cũng là chiến thắng dành cho chúng tôi và nhân dân trên toàn thế giới. Chúng tôi vô cùng hân hoan và tự hào! Việt Nam được giải phóng và thống nhất. Điều này đem lại cho chúng tôi một niềm tin rằng nếu như một dân tộc đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì công lý thì nhất định dân tộc ấy sẽ giành thắng lợi. Nó cũng khiến chúng tôi tin rằng chủ nghĩa đế quốc Mỹ có thể cũng bị đánh bại ở những nơi khác trên thế giới và ở ngay chính nước Mỹ!”.
“Một đóng góp vô giá, một tấm gương lịch sử”
Truyền thông quốc tế cũng nêu bật ý nghĩa của Đại thắng mùa xuân năm 1975 và ảnh hưởng sâu sắc của chiến thắng này đến khu vực và thế giới. Tạp chí Châu Âu (Pháp) tháng 10-1975 viết: “Sau 30 năm chiến đấu-những cuộc chiến đấu lạ lùng-từ mùa xuân này, hòa bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hòa bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được trước một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này”. Hãng tin AFP ngày 15-12-1975 thì đánh giá: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện Việt Nam năm 1975, chứng kiến sự ra đời nước Việt Nam thống nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến khu vực này của thế giới trong tương lai”.
Ngày 3-5-1975, Báo Nhân dân lao động của Myanmar có đoạn: “Với việc giải phóng Sài Gòn, cuộc chiến tranh cuối cùng ở Đông Dương đã chấm dứt... Thất bại của Mỹ là một bằng chứng cho thấy rằng thời đại chính sách dựa vào sức mạnh đã qua rồi”. Cùng cách nhìn nhận trên, Báo Tin tức Ai Cập ngày 7-5-1975 viết: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30-4-1975. Sau 30 năm chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại 3 tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp, Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.
Đánh giá về chiến thắng của Việt Nam, Báo Tiếng nói nhân dân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, số ra ngày 29-8-1975 phân tích: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam chứng minh rằng một nước dù đất không rộng, người không đông, nền kinh tế chưa phát triển, nhưng nếu có sự lãnh đạo đúng đắn, nhân dân đoàn kết chặt chẽ, biết phát huy truyền thống yêu nước và được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới thì có thể đánh thắng chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc, dù đó là đế quốc Mỹ”. Trong bài xã luận số ra ngày 1-5-1975, Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”. Tờ Phẩm giá, cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Guinea, số ra ngày 4-5-1975 thì khẳng định: “Thắng lợi này của nhân dân Việt Nam là một đóng góp vô giá, một tấm gương lịch sử đối với cách mạng thế giới mà các thế hệ ngày nay và mai sau mãi mãi khâm phục, chiêm ngưỡng và cần phải học tập”.
Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự Anatoly Ivanovich Khiupenen (người Nga), nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, khẳng định: “Lãnh thổ Việt Nam có thể bị xâm chiếm, nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam cho thấy những kẻ xâm lược cuối cùng đều phải rút chạy khỏi Việt Nam. Đối với chúng tôi, Liên Xô đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Việt Nam anh em. Chúng tôi thường nói với nhau, chúng tôi đã làm việc một cách trung thực. Các bạn là một dân tộc kiên cường. Chúng tôi luôn ở bên các bạn. Tình hữu nghị được sinh ra trong chiến đấu là tình cảm bền chặt nhất, không gì hơn được. Chiến thắng của các bạn là chiến thắng chung, chiến thắng của tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô. Chúng ta là những người anh em”.
Với nước Mỹ, thất bại trong chiến tranh Việt Nam đã để lại nhiều tác động. Nhà sử học Nigel Cawthorne nhận xét: “Nếu phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết. Việt Nam là một cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”. Tờ Thời báo Los Angeles viết: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam”. Báo Mặt trời Baltimore bình luận: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sự Sài Gòn-Gia Định”. Sau gần 30 năm im lặng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã bày tỏ suy nghĩ với sự dằn vặt: “Những người cộng sự của tôi trong chính quyền John F.Kennedy và Lyndon B.Johnson là một nhóm người đặc biệt... Tại sao nhóm người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam? Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại mắc sai lầm như vậy”.
TƯỜNG LINH