Chợt nhớ đầu năm học 2022-2023, một trường tiểu học ở phía Nam Hà Nội bất ngờ chuyển gần 750 học sinh cả 5 khối sang một trường khác cùng địa bàn, để bảo đảm sĩ số học sinh theo tiêu chí trường “chuẩn Quốc gia”. Hàng trăm phụ huynh kêu cứu việc này, khiến lãnh đạo thành phố phải về giải quyết. Lại nhớ cách nay 5 năm, một hiệu trưởng trường tiểu học ở tỉnh Hưng Yên bị khởi tố, bắt tạm giam vì lạm thu quá mức, mà nguyên nhân cũng liên quan đến việc huy động tiền đóng góp của học sinh để “chuẩn hóa” một số hạng mục của nhà trường theo “chuẩn Quốc gia”...

leftcenterrightdel

Bệnh thành tích mang tên trường chuẩn quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Sggp.org.vn) 

Còn rất nhiều chuyện tương tự của rất nhiều trường học phổ thông trong cả nước, vì danh hiệu “Trường chuẩn Quốc gia”, như: Ngăn cản học sinh cuối cấp có năng lực trung bình và yếu thi vào các trường công lập; học sinh yếu kém vẫn “bắt” lên lớp hoặc bị xếp vào nhóm “khuyết tật”...

Cùng đó là rất nhiều hoạt động mang tính đối phó, thậm chí là gian dối của giáo viên và các cấp quản lý, chỉ vì danh hiệu “Trường chuẩn Quốc gia”. Đáng buồn hơn, những hoạt động ấy đôi khi được mặc nhiên thừa nhận như là “chuyện thường ngày” của ngành giáo dục hiện nay.
Xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia là một chủ trương mang tính chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo, nhằm chuẩn hóa về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại... Thế nhưng, khi chất lượng dạy và học còn hạn chế, cơ sở vật chất còn khiêm tốn, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều bất cập... mà đây đó vẫn cứng nhắc thực hiện theo những tiêu chí cũng hết sức “cứng nhắc, cào bằng”, thì tất yếu sẽ dẫn đến những vấn nạn như trên. Xét cho cùng, đó cũng là biểu hiện của “bệnh thành tích” cần kíp phải được xóa bỏ trong môi trường giáo dục hiện nay!

MAI NAM THẮNG