Bữa trưa ngày cuối tuần (trước thời điểm dịch Covid-19) ở tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới của Sư đoàn 968 (Quân khu 4) diễn ra khá ồn ào. Ngày nghỉ, gia đình, bạn bè của chiến sĩ đến thăm khá đông. Đơn vị bố trí thêm những mâm cơm tại các bàn đá tự làm ở “Công viên tuổi trẻ”. Chỉ huy đơn vị đi chào nhóm khách và giới thiệu: “Hôm nay, đơn vị dùng toàn thực phẩm do cán bộ, chiến sĩ tự nuôi trồng”. “Toàn đặc sản”-một bác gái quê ở TP Huế khen vậy và khoe: “Chúng tôi vừa đi thăm các vườn rau, ao cá, chuồng trại. Không gian xanh, thoáng-đúng là "đặc sản" của bộ đội”.

leftcenterrightdel

Bộ đội Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4 tăng gia sản xuất trong doanh trại. 

Ảnh qdnd.vn

Những lời khen ấy không quá! Và không chỉ ở một vài đơn vị mới có những bữa ăn của chiến sĩ tinh tươm như thế. Tăng gia sản xuất, tự túc rau xanh, thực phẩm đã là một nếp quen tất yếu, một truyền thống tự lực của Quân đội ta ngay từ trong kháng chiến muôn vàn khó khăn, gian khổ. Thời bình, truyền thống ấy càng có điều kiện phát huy, trở thành một mũi nhọn chủ động bảo đảm số lượng và chất lượng thực phẩm an toàn, góp phần giữ gìn, nâng cao sức khỏe bộ đội. Trong những ngày dịch bệnh, sự tự túc này càng trở nên hữu ích. Không chỉ ăn no mà ăn ngon đã là mục tiêu phổ biến. Nhiều đơn vị còn tổ chức sản xuất tập trung, tạo ra hàng hóa cung ứng cho thị trường. Miến dong Trường Sơn từ Quảng Trị, cá tra từ Sư đoàn 330 (Quân khu 9), bí đao Sư đoàn 3 (Quân khu 1), trứng gà từ Sư đoàn 308... thực sự có ý nghĩa “đặc sản”.

Được thấy con em mình khỏe mạnh, rắn rỏi, được chung vui trong bữa ăn “đặc sản bộ đội”, gia đình nào chẳng thấy yên lòng. Và còn một thứ “đặc sản” khác nữa gom góp, thành tạo từ chính quá trình chiến sĩ tự tay nuôi, trồng-đó là tình đồng đội. Thêm mỗi ngày luống rau lên xanh, đàn gà, đàn lợn, ao cá thêm đông đúc là cán bộ, chiến sĩ thêm tin yêu nhau, tin yêu đơn vị.

MẠNH HÙNG