Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động đọc sách đối với việc phát triển kiến thức và tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người Việt Nam hiện nay.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Bộ Tham mưu đọc sách tại Thư viện Quân đoàn 3. 

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và ham đọc sách. Rất nhiều danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc là những tấm gương đọc sách, thậm chí có người thuở hàn vi phải đọc sách dưới ánh đèn đom đóm. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nhà xuất bản có loại “sách mi ni” thuận tiện cho bộ đội đút túi cóc ba lô. Có giai thoại rằng, một đơn vị đang chiến đấu giữ chốt đã điện về hậu cứ xin bổ sung thêm xẻng để củng cố công sự và... thơ Phạm Tiến Duật để đọc (!).
Tiếc thay văn hóa đọc ngày nay đang xuống cấp đến mức báo động. Đáng lo nhất là với thế hệ trẻ và những hệ lụy đã nhãn tiền qua các hành vi, lời nói, suy nghĩ... lệch chuẩn của một bộ phận đáng kể. Người ta đổ lỗi cho mạng xã hội, cho những tiện ích nghe nhìn... Điều đó có phần đúng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay, những người lẽ ra phải nêu gương đọc sách thì lại lười đọc sách. Thậm chí, có một điều tra cho thấy, nhiều giáo viên, phóng viên, công chức... đọc không quá một cuốn sách văn-sử mỗi năm. Một đứa trẻ chẳng mấy khi thấy những người xung quanh đọc sách thì làm sao ham thích đọc sách?
“Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có tương lai”-đó là bài viết của một kỹ sư người Ấn Độ lan truyền trên mạng xã hội gần đây. Xin lưu ý, Ấn Độ là một trong những quốc gia sinh ra nhiều tỷ phú nhất thế giới.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Sự học không bao giờ là muộn”. Đọc sách là một cách học tự giác nhất. Vì thế, xin mọi người hãy cùng làm gương!

MAI NAM THẮNG