Đúng là lâu nay khách du lịch qua lại phố cổ nườm nượp. Đúng là chuyện tự mua, tự trả hay cùng "dưa góp", cùng "share", "go dutch" như tây mới sòng phẳng, mới ngồi cùng nhau lâu bền. Nhưng có ai cấm hay phê phán chuyện mời nhau đâu. Có lúc nọ lúc kia, lại là uống bia thì "bốc" nên chuyện mời vẫn cứ diễn ra khi hợp người, hợp chuyện. Nhất là khi sở kiến hai vị "khách tây" vui vẻ, đáng mến.

leftcenterrightdel
Du khách nước ngoài thưởng thức bia Việt Nam (Ảnh: Internet). 


Ít ngày sau hai vị khách tây trở lại mang theo chai rượu xịn của quê họ và nói: "Lần này là chúng tôi trả tiền. Nhưng uống xong phải đi xe ôm mà về". Họ, người ta và người khách nước ngoài đều cởi mở, đã thành bạn của nhau từ đấy.
Ở làng quê cũng vậy, giống nhiều nơi khác, cứ có hội là người nhiều làng ở Lim nói riêng và Bắc Ninh nói chung lại mở cửa mời trà, rượu, có khi cả cỗ bàn, bất kể khách quen, lạ. Có nhà còn mời cả nhóm liền anh, liền chị đến hát mấy canh quan họ chiêu đãi khách thập phương. "Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm", sự công bằng, phân minh là vậy mà xởi lởi, hiếu khách cũng là vậy. Cái nết đẹp ấy cũng góp nên sức quyến rũ của hội Lim và các hội làng vùng đất lề quê thói.

Kể những chuyện trên để hiểu được lý do đất nước, con người Việt Nam được bạn bè đánh giá là thân thiện. Và cũng để thấy mọi điểm du lịch cứ tính đếm tận thu đến vô lý đã làm khó chịu cả khách nội, ngoại thì rất nên xem xét lại kỹ càng. "Xởi lởi trời cho", đừng "bóc ngắn cắn dài".

SA MUỘN