Tất cả chúng ta, đặc biệt là những người sinh ra, lớn lên, gắn bó với Hà Nội, nghe câu nói trên cũng đều phải suy ngẫm. Từ xưa đến nay, Thăng Long-Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước và luôn chắt lọc, tiếp nhận những tinh túy từ muôn nơi để tạo nên nét văn hóa giàu bản sắc. Tuy nhiên, khi Thủ đô phát triển mạnh mẽ, chúng ta bỗng nhận thấy bản sắc văn hóa của Hà Nội dần mai một.
|
|
Phố cổ Hà Nội trở thành không gian sáng tạo, trình diễn nghệ thuật thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: TÙNG NHI |
Lịch sử phát triển của đô thị Hà Nội là từ làng lên phố, trong phố có làng. Sự thú vị, độc đáo bởi mối quan hệ giữa “làng” và “phố”, giữa "văn hóa làng” và “văn minh đô thị" luôn song hành, đan xen trong ứng xử, lề thói, kiến trúc của đất và người Hà Nội. Trong phố có chùa, hội hè, đình đám; nền nếp, gia phong không bị cách sống thị thành làm phai nhạt.
Đô thị hóa ở Hà Nội là tất yếu. Nó khiến làng đua nhau lên phố, phố bóp nghẹt làng; mặt trái kinh tế thị trường, bất cập trong quy hoạch, quản lý đô thị làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự; đình chùa, đền miếu bị lấn chiếm; cổng làng, nhà cổ, giếng làng bị thay thế bởi những “khối bê tông” chen chúc, ngột ngạt. Lối sống tiểu nông, tùy tiện đậm chất “làng xã” đôi khi trỗi dậy trong ứng xử của "người hàng phố”...
Phát triển Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” cần giải pháp quyết liệt trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn làng trong phố, làng ven đô trước sự xâm lấn thô bạo của đô thị. Giá trị văn hóa các làng trong lòng đô thị cần được ngành chức năng, chính quyền, người dân đặc biệt quan tâm. Tính “hiện đại” trong phát triển đô thị không phải là sao chép máy móc từ bên ngoài để gắn vào Hà Nội. Đó là sự thích ứng trong hội nhập, phù hợp với đặc thù của Hà Nội. Làm như vậy, Hà Nội sẽ luôn khác biệt, linh thiêng, hào hoa.
NGUYÊN THẮNG