Chuyện là, bây giờ ở đơn vị cũ của ông, mỗi tiểu đoàn đều có một ban nhạc thao trường gồm từ 3 đến 5 người biết chơi nhiều loại nhạc cụ gọn nhẹ như trống, guitar, sáo trúc... phục vụ các cuộc liên hoan văn nghệ, sinh nhật đồng đội... và đệm cho những bài hát, điệu nhảy của anh em khi nghỉ giải lao trên thao trường.
Hôm nào không tổ chức văn nghệ thì tổ chức "Trò chơi trí tuệ", tương tự như một vài sân chơi trên đài truyền hình, nhưng có những sáng tạo rất... lính! Các câu hỏi kết cấu theo hình thức trắc nghiệm, trả lời trực tiếp, giải ô chữ và xử lý những tình huống gần gũi với sinh hoạt, huấn luyện, rèn luyện hằng ngày của bộ đội. Từ khi có "Ban nhạc thao trường", "Trò chơi trí tuệ", thời gian giải lao trên thao trường càng sôi nổi, hào hứng, lôi cuốn bộ đội.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Gia Định vui văn nghệ trên bãi tập. |
Nghe chuyện, các CCB cùng tổ dân phố cũng hào hứng kể về những hình thức giải trí mới trên thao trường mà họ được chứng kiến gần đây ở đơn vị cũ. Ai cũng thừa nhận đó là sáng tạo rất cần thiết, đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện và nhu cầu giải trí của bộ đội thời đại 4.0.
Có một điều mà ông nhà văn cứ áy náy mãi, đó là anh em đơn vị cũ tha thiết nhờ ông sáng tác cho một vài “chiêu trò” mới, nhưng ông chưa đáp ứng được. Nghe vậy, các CCB nói rằng, việc này thì cán bộ tại chức hiện nay, đặc biệt là cán bộ cấp phân đội sẽ làm rất tốt. Bởi họ có thể sáng tạo được những hình thức giải trí mới mẻ, thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm đơn vị, hoàn cảnh công tác và nhất là “hơi thở” của đời sống bộ đội.
Nghe thế, nhà văn CCB tạm an lòng, dẫu ông biết điều đó đòi hỏi người cán bộ trực tiếp quản lý và huấn luyện bộ đội phải hết sức năng động, trách nhiệm; bởi trò chơi cho bộ đội cũng phải rất công phu...
MAI NAM THẮNG