Di cảo ghi lại những dấu ấn sâu sắc trong đời nhà báo chiến sĩ, nhất là những năm tháng trong khói lửa chiến trường.

Đã vào ngưỡng “bát thập” nhưng mỗi lần đọc lại những trang viết của chồng, tôi lại rưng rưng như thời con gái. Tôi gặp anh Toại năm 1962, khi tôi được tuyển dụng vào làm nhân viên phục vụ ở Báo QĐND. Năm 1966, chúng tôi nên duyên vợ chồng. Đồng hành với anh suốt đời, tôi thấu hiểu sâu sắc nỗi vất vả, truân chuyên, đầy gian khổ, hy sinh mà các thế hệ nhà báo chiến sĩ trong kháng chiến nếm trải. Sức mạnh giúp các anh vượt qua thử thách chính là lòng yêu nghề, tình yêu thương đồng chí đồng đội, và cao hơn hết, đúng như tựa đề tập di cảo chồng tôi để lại-tình đất nước.

leftcenterrightdel
Các phóng viên của Báo QĐND với "cây gậy Trường Sơn" quen thuộc không ngại lội bùn đất để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất tại nơi sạt lở đất.  

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Báo QĐND (20-10-1950 / 20-10-2023), Ban liên lạc truyền thống Báo QĐND khu vực phía Nam tổ chức họp mặt tại TP Hồ Chí Minh. Thế hệ nhà báo chiến sĩ trải qua chiến tranh cứ thưa vắng dần. Đó là quy luật không thể khác. Chúng tôi còn được gặp nhau, còn minh mẫn để viết những dòng này, thực hạnh phúc!

Hình ảnh các phóng viên chiến trường với ba lô, trang giấy, cây bút, chiếc máy ảnh, đôi dép cao su và những bộ quân phục bạc màu chằm vá tứ bề, đã trở thành biểu tượng “tình đất nước” của nhà báo chiến sĩ. Hôm nay đây, những mái đầu bạc ngồi bên nhau lướt điện thoại xem Báo QĐND, gặp những gương mặt nhà báo chiến sĩ lăn lộn, xông pha nơi tâm bão, rốn lũ, biên cương, hải đảo cùng bộ đội, chợt thấy hạnh phúc vô cùng!

Cuộc sống mỗi thời mỗi khác, nhưng hành trình “mang bút đi ghi tình đất nước” của nhà báo chiến sĩ thì thời nào cũng vẻ vang, thời nào cũng một lòng tận hiến!

ĐẶNG THỊ MINH ĐỨC