Động thái này diễn ra sau khi một trường học ở tỉnh này đã để cho đối tượng “giang hồ mạng” mang mặc phản cảm đến biểu diễn, phát quà cho học sinh và tán phát hình ảnh trên mạng xã hội khiến dư luận rất bất bình.
Đây không phải lần đầu tiên và bài học không chỉ cho riêng địa phương nào.
|
|
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều thay đổi trong Nghị định mới. |
Thời gian qua, trong các hoạt động tọa đàm, hội nghị, giao lưu..., không ít cơ quan, đơn vị, địa phương đã rước nhầm khách mời kém chất lượng, phản cảm. Việc này chẳng khác gì tự đem “rác” vào nhà.
Để xảy ra những việc gây hệ lụy, trước hết là do sự chủ quan, thiếu kiểm tra, thẩm định khách mời của cơ quan, đơn vị chủ quản. Trong lúc đó, những nhân vật muốn nổi tiếng bằng mọi giá thì có nhiều mánh khóe để được xuất hiện ở những sự kiện gây chú ý. Không ít trường hợp được giới thiệu là “chuyên gia”, “diễn giả”, “nghệ sĩ”... nhưng thực chất đó đều là những thứ họ tự tô vẽ, đánh bóng tên tuổi nhằm trục lợi. Biểu hiện dễ thấy của những “trí thức giả cầy” này là họ tận dụng triệt để không gian mạng để đăng đàn, thực hiện các sản phẩm truyền thông dưới danh nghĩa “tư vấn”, “bàn luận”, “góp ý”, “góc nhìn chuyên gia”... hoặc các sản phẩm nghệ thuật lấy công nghệ khỏa lấp khiếm khuyết năng lực nhằm gây chú ý, tạo hội chứng đám đông.
Tăng cường công tác quản lý; cẩn trọng trong xác định đối tượng khách mời; chặt chẽ trong thẩm tra, thẩm định, kiểm soát... là những yêu cầu bắt buộc của cơ quan chức năng. Chớ vội vàng, đơn giản, thiếu hiểu biết hoặc vì lợi ích riêng mà tự đem “rác” vào nhà. Hệ lụy khôn lường!
PHAN TÙNG SƠN