Những sai phạm trong quá trình đấu thầu ở Công ty Nhật Cường, Công ty Việt Á, Bệnh viện Tim Hà Nội... mà cơ quan điều tra công bố gần đây tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về công tác đấu thầu hiện nay.
Thực ra thủ đoạn đó không có gì mới, vẫn là “bố trí quân xanh, quân đỏ”, vẫn là “thông thầu”, “dàn xếp thầu”, “chỉ định nhà thầu “ruột”... dù cơ sở pháp lý cho công tác này đã khá đầy đủ với Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp luật, có hai “kẽ hở” lớn nhất dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu. Một là ở khâu thẩm định. Pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định quá lớn, trong khi lại không có quy định về hậu kiểm. Hai là, hình thức “chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Để “bịt” được hai kẽ hở nói trên, giải pháp rất đơn giản là công khai, minh bạch. Để công tác thẩm định giá công khai, minh bạch, thì hệ thống dữ liệu về giá quốc gia phải được xây dựng đồng bộ, đầy đủ và cập nhật, đặc biệt là dữ liệu về giá nhập khẩu.
Không những phải minh bạch công tác đấu thầu mà cần phải minh bạch hoạt động của cơ quan tổ chức, quản lý đấu thầu. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đã được phân cấp triệt để cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo "cơ chế" cho các nhà thầu “ruột” thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp thầu sẽ bị đẩy lùi.
Minh bạch sẽ làm sạch đấu thầu.
ĐỖ PHÚ THỌ