Vì thế mà tôi có phần ngạc nhiên khi đọc sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác (1724-1795), vị đại danh y của Việt Nam căn dặn học trò không nên coi đó là một nghề.
Ông viết: “Về cơ bản, y học là một phương tiện để thực hiện đức nhân. Y học tìm cách cứu sống, chia sẻ vui buồn của người khác. Nhiệm vụ của y học là cứu người không vì lợi danh... Ngày nay, không hiếm gì những thầy lang dối trá, lừa lọc để kiếm tiền... Than ôi! Nếu người ta biến một nhân thuật thành một nghề xảo trá cướp bóc, đem buôn bán tình cảm thì sẽ bị người sống trách mắng, người chết nguyền rủa, mang tiếng xấu”.
    |
 |
Các y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: Thúy An |
Kế đó, Hải Thượng Lãn Ông còn khuyên các thầy thuốc cách ứng xử khi thăm khám cho người giàu, người nghèo, đàn bà góa, sư nữ; cách giúp đỡ vật chất cho bệnh nhân nghèo... Đọc những điều ông viết cách đây đã gần 250 năm mà cứ ngỡ như đang viết chuyện ngày hôm nay.
Gần đây, trước những vấn đề nổi cộm của ngành y, chúng ta bàn rất nhiều đến các giải pháp đãi ngộ vật chất cho đội ngũ thầy thuốc. Những giải pháp đó là cơ bản, rất cần thiết nhưng cái gốc của vấn đề là giáo dục y đức, tinh thần dấn thân, tự nguyện hy sinh vì sức khỏe nhân dân thì ít được nhắc đến. Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng nói rằng: Trong 30 năm chiến tranh (1945-1975), y tế Việt Nam vô cùng thiếu thốn nhưng được cả thế giới khâm phục, ngưỡng mộ vì tinh thần phục vụ người dân. Còn y đức Việt Nam, mà cụ thể là quan niệm “y học không phải một nghề” của Hải Thượng Lãn Ông là một giá trị văn hóa dân tộc, cần được đưa vào dạy trong các trường y và cả ngành y.
LỘC THƯỢNG