Thực tế thì, một số đơn vị làm SGK hiện nay đã đưa lên internet những bản tạm gọi là “sách điện tử”, song mới chỉ dừng lại ở bản chụp PDF của ấn bản SGK chứ chưa thực sự là SGK điện tử theo đúng nghĩa (có tính tương tác cao, có thể cập nhật dữ liệu...). Vậy là sau gần 5 năm kể từ thời điểm đưa SGK chương trình giáo dục phổ thông mới vào nhà trường (2020), đến tận bây giờ, việc hiện thực hóa SGK điện tử mới chỉ dừng ở thử nghiệm!

leftcenterrightdel
Học sinh tham quan sách giáo khoa mới tại một buổi Trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: MINH THƯ 

 

Cái khó trong câu chuyện SGK điện tử được nhiều đơn vị đưa ra là nguồn lực, là thời gian, là nhu cầu của xã hội... Còn cái khó tế nhị quên nhắc đến phải chăng là khó ở... nguồn lợi? Vì rằng SGK điện tử chắc chắn dễ dàng được chia sẻ không giới hạn, đồng nghĩa với việc nguồn thu từ phát hành không được như SGK bản in.

Thế nhưng phải thấy rằng, lợi ích mang lại của SGK điện tử là vô cùng lớn. Nếu làm tốt, quản lý chặt chẽ thì đây là công cụ hữu dụng, tiện ích để phụ huynh, học sinh và nhà trường lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình nhằm phục vụ dạy học thuận tiện hơn, hiệu quả hơn trong xu thế công nghệ ngày càng phát triển.

Suy đi ngẫm lại, có lẽ cái khó nhất nằm ở sự đồng thuận! Khi ngành giáo dục, các nhà trường, các đơn vị làm SGK đi đến quan điểm chung, nhìn thấy trách nhiệm cộng đồng chung, thấy thực sự cần thiết bắt tay ngay vào làm SGK điện tử thì “đoàn tàu" ấy sẽ lăn bánh.

Dù cho còn trăm ngàn lý do, trăm ngàn điều khó nói thì hãy nhìn tấm lưng bé xíu của học trò bây giờ... để mà nhanh lên chứ! Lưng học sinh tiểu học ngày nay đang phải cõng cả bồ (theo đúng nghĩa đen) con chữ rồi!

ĐÔNG A