Qua đó, không chỉ đóng góp vào kho tàng lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam mà còn trao truyền cho thế hệ làm báo hôm nay và mai sau những bài học quý, tình yêu nghề và cảm hứng cống hiến cho nền báo chí nước nhà.

Tác phẩm tâm huyết

Bộ sách “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) gồm 3 tập, được xuất bản lần đầu lần lượt tập I năm 1994, tập II năm 1997 và tập III năm 2001. Bộ sách là những ghi chép chân thực của 43 nhà báo hiện đại tiêu biểu nước ta về cuộc đời, hành trình nghề nghiệp với những câu chuyện sinh động, kinh nghiệm làm báo quý báu, phong phú, đa dạng; bằng nhiều cách thể hiện, tiếp cận khác nhau mà chủ yếu qua ghi chép lại lời tác giả. Từ các trang hồi ký góp phần phản ánh những chặng đường lịch sử của cách mạng, của dân tộc và dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam; đặc biệt phần nào thể hiện phẩm chất, nhân cách của các nhà báo, trong đó, hầu hết là các nhà báo sinh trước năm 1930, còn một số sinh sau năm 1930 mà trẻ nhất là sinh năm 1949.

Giáo sư (GS), Nhà giáo nhân dân (NGND) Hà Minh Đức, chủ biên bộ sách đã viết trong lời cuối sách: “Việc giới thiệu các tác giả trước hoặc sau, phụ thuộc vào hoàn cảnh thuận lợi hoặc khó khăn để được tiếp xúc hoặc làm việc với các tác giả, không có sự phân biệt và đánh giá nào. Trong tập này, chúng tôi sắp xếp các tác giả theo thứ tự abc”. Ở lần xuất bản thứ hai này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã cố gắng giữ nguyên nội dung cũng như tinh thần ấy của bộ sách đã xuất bản trước đây, với ý nghĩa tôn vinh các nhà báo đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp báo chí nước nhà và ghi nhận công lao, tâm huyết của tập thể tác giả bộ sách.

Trong buổi lễ ra mắt sách được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây, GS, NGND Hà Minh Đức đã chia sẻ nhiều câu chuyện, kỷ niệm về quá trình thực hiện bộ sách. Ông nói rằng, trong cuộc đời ông có 3 điều may mắn về công việc: Thứ nhất là được gặp và học những người thầy có thể nói là thuộc thế hệ vàng của đất nước, như: Thầy Nguyễn Khánh Toàn, thầy Trần Đức Thảo, thầy Đặng Thai Mai...; thứ hai là được gặp và gần các nhà văn, nhà thơ của thế kỷ, như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận... và thứ ba là được gặp thế hệ những nhà báo vàng-một thế hệ nhà báo có nhiều đóng góp, kinh nghiệm quý báu về nghề báo. Vì thế, một câu hỏi, ý tưởng đặt ra trong đầu ông là tại sao không làm sách ghi lại những kỷ niệm, kinh nghiệm hoạt động của các nhà báo cao tuổi đã cống hiến hết cuộc đời cho hoạt động báo chí? Các nhà báo chính là nhân chứng của thời cuộc. Người thì tham gia hoạt động cách mạng từ thời kỳ bí mật, người có mặt trong những ngày Cách mạng tháng Tám, người tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ... Trong suốt những chặng đường lịch sử đó của dân tộc, nhiều nhà báo đã kiên trì hoạt động, sôi nổi, tâm huyết và hiệu quả.

Nhưng việc miêu tả, dựng lại chân dung của các nhà báo cũng không dễ dàng với GS Hà Minh Đức và cộng sự. Nhiều nhà báo đã có tuổi, không có thói quen viết dài, nhất là không có thói quen viết về mình. Có người lại hỏi: Viết để làm gì? Viết đăng ở đâu? Viết cho ai đọc?... Câu trả lời thật không dễ, nhưng GS Hà Minh Đức đã cố tìm mọi cách tạo niềm tin cho các nhà báo, rằng cần phải để lại trên đời cái gì đó về báo chí, phải để lại những kỷ niệm, kinh nghiệm cho thế hệ sau, nhất là với những nhà báo trẻ đang nhiệt tâm đi theo con đường sự nghiệp cầm bút của lớp đàn anh. Vậy là trong vòng 10 năm, GS Hà Minh Đức cùng các cộng sự đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện bộ sách.

Với bộ sách, cả tác giả và bạn đọc đều chung cảm nhận về sự trân trọng và tôn vinh các nhà báo lão thành có đến trên dưới 60 năm hoạt động cách mạng và làm báo, như: Vũ Đình Hòe, Thanh Châu, Lưu Văn Lợi, Trần Minh Tước, Quang Đạm, Nguyễn Minh Vỹ... Đọc bộ sách, lại càng thêm khâm phục các nhà báo, như: Phan Quang, Hoàng Tùng, Xích Điểu, Nguyễn Thành Lê, Hữu Ngọc... dù không qua một trường lớp đào tạo nào nhưng đã đến với báo chí từ tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, tự trau dồi cho mình vốn tri thức phong phú, tự đào tạo, kiên trì tự học để thành tài. Nhiều nhà báo là những trí thức mà tên tuổi đã vượt ra khỏi phạm vi hoạt động báo chí. Hay trong đó còn là lớp nhà báo trưởng thành từ kháng chiến, nhiều người trong đó là những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, làm báo ở chiến trường rồi sau này đóng góp vào sự nghiệp báo chí cách mạng những năm đầu thống nhất, cho đến thời kỳ đổi mới. Qua những trang hồi ký của các tác giả, độc giả còn biết đến nhiều nhà báo-liệt sĩ, nhiều nhà báo lão thành thời kỳ đầu đã mất mà bộ sách không còn cơ hội để ghi lại về họ.

leftcenterrightdel

Bộ 3 tập sách “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo).   

Nghề báo thực sự là một nghề cao quý

Bộ sách "Thời gian và nhân chứng" với hơn 1.300 trang. Các bài viết theo hình thức tự sự, ghi chép và phỏng vấn với nhiều câu chuyện thực tiễn sinh động, gắn liền những dấu mốc lịch sử đất nước và kỷ niệm riêng của mỗi người. Chính điều đó khiến người đọc cảm thấy cuốn hút, có nhiều nội dung thân thuộc, hấp dẫn, dễ đọc. Mỗi nhà báo là câu chuyện, hành trình đến với nghề báo khác nhau; trong đó, rất nhiều nhà báo “tay ngang” đến với nghề có thể do phân công của tổ chức hoặc một cách tình cờ rồi say mê, yêu nghề, hết lòng hết sức, gắn bó và tự hào với nghề báo. Trong tập III của bộ sách, nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua thực tế công tác trong gần 30 năm, từ tập sự đến cương vị cao nhất của một tạp chí lý luận chính trị đã đúc rút: “Nếu những năm học phổ thông tôi thích nghề làm báo chỉ đơn giản là do cảm tính, thấy được “bay nhảy”, được “đi đây đi đó” thì càng về sau này, qua thực tế công việc, tôi càng hiểu nghề làm báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn: Nghề báo thực sự là một nghề cao quý, một nghề có ích cho xã hội”.

Cũng bởi mỗi nhà báo có hoàn cảnh, vị trí công tác, những trải nghiệm và câu chuyện cuộc đời, nghề nghiệp khác nhau nên bộ sách được ví như một “giáo trình” ngồn ngộn tính thực tiễn, được đúc kết thành những bài học thiết thực, quý báu cho người làm báo, từ những người mới bước chân vào nghề, cho tới người đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý. Đó có thể là câu chuyện của nhà báo Hữu Thọ trong lúc nản, muốn chuyển công tác đã được nhà báo Thép Mới chỉ bảo: “Làm việc gì cho giỏi mà chẳng khó. Còn làm ăn làng nhàng thì làm gì mà chẳng làm được... Muốn làm báo thì phải biết bắt đầu từ đâu. Nên bắt đầu từ những hiểu biết sâu sắc của mình”. Hay nhà báo Trần Công Mân đã đúc rút: “...sự am hiểu đối với nhà báo chẳng bao giờ có giới hạn”, “Khi viết một tác phẩm chúng ta phải suy nghĩ tới đối tượng của mình: Mình viết cho ai? Họ cần nghe cái gì? để lược bỏ càng nhiều càng tốt cái đối tượng không cần nghe, không cần đọc. Ngay cả sau này khi về làm Tổng biên tập tờ Quân đội nhân dân, mỗi lần làm xong một số báo, vấn đề luôn buộc anh em chúng tôi suy nghĩ đó là: Có ai đọc tờ báo đó không? Được bao nhiêu phần trăm độc giả? Những bài nào bạn đọc lướt qua không đọc?”...

So với phương Tây, báo chí Việt Nam ra đời sau hơn hai thế kỷ, mới phát triển hơn một thế kỷ nay nhưng thực sự đã có nhiều thành tựu với những chặng đường lịch sử đáng ghi nhớ, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, phát triển và tiến bộ xã hội. Những thành tựu báo chí ấy gắn với công sức đóng góp của nhiều thế hệ nhà báo, từ những người có công khai phá nền báo chí nước nhà đến các nhà báo trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước cho đến các nhà báo thuộc thế hệ hiện nay. Vì thế, những câu chuyện của các nhà báo trong bộ sách đã truyền cảm hứng cống hiến và tình yêu nghề cho thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau. Thêm vào đó, những nhân vật, câu chuyện trong bộ sách cũng giúp công chúng hiểu thêm về nghề báo-một nghề cao quý. Và để trở thành một nhà báo thực thụ xác lập được phong cách, chỗ đứng trong nghề không hề dễ dàng, đó là một hành trình đầy gian nan, thách thức, thậm chí cả hy sinh, mất mát.

Song, cũng vì vậy mà nghề báo mang lại cho nhà báo những điều quý báu không gì mua nổi. Nhà báo Trần Cư khi kể về câu chuyện làm báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ, dẫu trong muôn vàn khó khăn, hiểm nguy để ra đời 33 số báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận trong 140 ngày tác chiến liên tục; nhưng khi có độ lùi thời gian, nhìn lại và nhận thức dần ra những ý nghĩa đẹp đẽ, thiêng liêng, ông cho đó là những ngày sướng nhất trong đời làm báo của mình. Còn với nhà báo Xích Điểu: “Hơn 60 năm cầm bút để lại cho tôi một gia tài khá khiêm tốn mà giá trị nhất là hàng nghìn bài báo, bài thơ, truyện ngắn... Song điều lớn lao hơn hết thảy là hơn 60 năm đó đã đem lại cho tôi cuộc sống, những định hướng trong cuộc đời, những buồn vui, những vất vả cực nhọc của đời làm báo và cả những hạnh phúc, tình yêu...”

Một vài chia sẻ trên về bộ sách như là một lời tri ân dành cho các nhà báo và tập thể tác giả. Bởi sẽ thật khó nói hết về ý nghĩa của bộ sách và càng không thể đánh giá hết công lao của các thế hệ nhà báo đã cống hiến, đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Và như GS, NGND Hà Minh Đức trong lời cuối bộ sách cũng khẳng định, phải có tập sách tiếp theo cho các nhà báo thời chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ đổi mới trong báo chí.

Bài và ảnh: THU HÒA