Bà giáo hưu trí cạnh nhà tôi ghé chơi, đem theo một phong thư mới tinh: “Thời trẻ, ông nhà tôi đi chiến trường, xa nhà biền biệt. Mỗi lần nhận thư chồng, tôi vui hơn được vàng. Bây giờ, nhận được thư cháu nội, cảm xúc ấy lại ùa về...!”. Bức thư bà khoe là của đứa cháu vừa nhập ngũ sáng 16-2. Khi tiễn cháu lên xe ô tô, bà ôm hôn cháu và dặn, đến đơn vị thì ghi thư về cho bà. Nghĩ rằng chỉ dặn thế để động viên cháu, không ngờ chỉ ba ngày sau thì bà nhận được thư. Món quà tinh thần ấy mang đến cho bà niềm hạnh phúc to lớn!

Chuyện của bà giáo gây xúc động cho hàng xóm. Viết thư tay, với nhiều người hiện nay là một việc làm xa lạ, nhưng với đời sống quân ngũ qua các thế hệ, phong thư không chỉ có ý nghĩa truyền thông tin mà quan trọng hơn, nó là phương tiện để bày tỏ, trao gửi cảm xúc, là một thứ “của để dành”. Viết thư, vì thế đã trở thành nét văn hóa thể hiện sâu sắc nếp sống nhân văn Bộ đội Cụ Hồ. Những bức thư, cuốn nhật ký thời chiến tranh còn được lưu giữ đến hôm nay chính là chất liệu góp phần bồi đắp di sản văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Pháo binh 16) đọc cho nhau nghe những trang thư gửi từ quê nhà. 

Ảnh: NGỌC THĂNG 

Ở nhiều đơn vị hiện nay vẫn duy trì nét đẹp này. Bộ đội sau khi nhập ngũ, được chỉ huy đơn vị hướng dẫn, tổ chức viết thư cho gia đình, người thân. Những bức thư, cuốn nhật ký của thế hệ cha anh trong bảo tàng, nhà truyền thống... là chất xúc tác tiếp lửa truyền thống, sinh hoạt văn hóa, giúp chiến sĩ mới có thêm động lực, cảm xúc cầm bút. Tiện ích công nghệ có thể thay thế con người hàng loạt thao tác thủ công, nhưng bề dày, chiều sâu văn hóa thì không gì thay thế được. Khơi dậy những nét đẹp truyền thống của cha anh cũng chính là cách để vun cho sâu gốc, bền rễ bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Rồi mai sau, những phong thư chiến sĩ hôm nay lại vô cùng quý giá đối với thế hệ con, cháu chúng ta...

PHAN TÙNG SƠN