Ẩm thực Việt đang đứng ở đâu?
Có lẽ chưa bao giờ ẩm thực Việt được vinh danh trên trường quốc tế như vài năm trở lại đây. Năm 2022, Giải thưởng Ẩm thực thế giới (World Culinary Awards)-một giải thưởng uy tín nằm trong hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards)-đã bình chọn Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua các tên tuổi khác trong khu vực như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan...
Cũng trong năm 2022, một loạt nhà hàng Việt lọt vào danh sách Michelin Guide-tạp chí ẩm thực số 1 thế giới-với tư cách “món ăn phải ăn một lần trong đời”.
|
|
Phở và bánh mì, hai món ăn Việt được ghi danh trong từ điển Oxford. Ảnh: AN NA
|
Năm 2023, chuyên trang du lịch Travel+Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á, đặc biệt là ẩm thực đường phố. Travel+Leisure đánh giá: “Nếu có một nền văn hóa ẩm thực nào có vị thơm ngon đậm đà khó cưỡng thì đó chắc chắn là ẩm thực Việt Nam”. Trong khi đó, chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel cũng xếp Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới. TasteAtlas-trang thông tin chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới-xếp Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng các nền ẩm thực châu Á.
Đặc biệt, trong số 3 từ ngữ phổ thông của Việt Nam được đưa vào từ điển Oxford tiếng Anh uy tín thế giới có hai từ là "món ăn". Đó là phở và bánh mì. Nhiều nguyên thủ các nước khi đến Việt Nam đã lựa chọn ẩm thực để khám phá và làm điểm nhấn cho chuyến đi. Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đến thăm Việt Nam đã chọn bún chả để thưởng thức. Thủ tướng Canada Justin Trudeau thưởng thức cà phê vỉa hè của Việt Nam khi ông đến TP Hồ Chí Minh năm 2017. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thưởng thức bánh mì vỉa hè tại Đà Nẵng trong dịp dự Hội nghị APEC năm 2017... Ngoài ra, phở Việt cũng từng được chuyên mục du lịch của trang CNN bình chọn đứng thứ hai trong số 30 món ăn ngon nhất thế giới.
Với việc trở thành ngôi sao đang lên, ẩm thực Việt Nam dần có chỗ đứng trên “bản đồ ẩm thực” thế giới. Tuy nhiên, để đạt được đỉnh cao, biến ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch thực thụ, góp phần đáng kể trong việc thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam thì rất cần một chiến lược.
Cần có thêm nhiều món như phở
Được nhiều tổ chức, tạp chí quốc tế danh tiếng đánh giá cao nhưng vị thế của ẩm thực Việt trên "bản đồ ẩm thực" thế giới lại chưa xứng với thực lực và tiềm năng vốn có. Thực tế, khi nhắc đến ẩm thực châu Á, người ta hay nhớ đến những món ăn của Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn trong khu vực Đông Nam Á thì món ăn Thái Lan là nổi trội. Một số món của Việt Nam được du khách biết đến như: Phở, bánh mì, nem, cơm rang, bún bò Huế... nhưng vẫn còn quá ít so với những gì ẩm thực Việt đang sở hữu.
Để thực hiện ước mong nền ẩm thực Việt ngày càng tỏa sáng khắp thế giới, cần có một chiến lược tổng thể, thống nhất.
Trong đó, việc đầu tiên cần làm là nâng cấp nền ẩm thực có thêm nhiều món nổi danh như phở. Để tạo được danh tiếng, món phở có lợi thế rất lớn là độ phổ cập trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, những bát phở mang tầm ẩm thực thế giới thì lại không có nhiều. Điều đó có nghĩa, nhiều món ăn khác, dù có thể không phổ biến như phở nhưng vẫn có cơ hội nổi danh nếu như được đầu tư về chất lượng.
|
|
Phở và bánh mì, hai món ăn Việt được ghi danh trong từ điển Oxford. Ảnh: AN NA
|
Sản phẩm tốt mới chỉ là bước đầu tiên. Bước kế tiếp cần thiết là truyền thông tốt. Theo Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết-người được biết tới như một "đại sứ" ẩm thực luôn miệt mài đưa nét truyền thống Việt Nam ra quốc tế-ẩm thực Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng chúng ta chưa biết nắm bắt để quảng bá và xây dựng thương hiệu. Nhiều quốc gia trên thế giới làm marketing ẩm thực rất bài bản, như kim chi, mì ăn liền được quảng bá trong các tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc; há cảo là món ăn thường xuất hiện trong các tác phẩm của Trung Quốc; sushi và sashimi, trà đạo thường có trong các tác phẩm của Nhật Bản... Trong khi đó, ẩm thực Việt Nam chưa có chiến lược quảng bá và phát triển rõ ràng, khán giả thấy thiếu vắng các tác phẩm điện ảnh, truyền hình thực sự đề cao văn hóa ẩm thực Việt.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ẩm thực Việt Nam là một “mỏ vàng” để phát triển du lịch nói riêng, quảng bá văn hóa quốc gia nói chung với bạn bè quốc tế. Nhưng, để khai thác “mỏ vàng” này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nhận định, trong các giá trị văn hóa thì ẩm thực có sức lan tỏa nhanh và rộng nhất. Có thể nhiều người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng đã biết đến ẩm thực Việt Nam ở chính quê hương của họ. Ẩm thực kích thích mong muốn của họ để đến với đất nước Việt Nam. Ẩm thực cũng giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh mềm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới.
Vị trí, vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, để nền ẩm thực Việt Nam có thể “khoe” hết “nhan sắc”, cần phải coi ẩm thực như những ngành kinh tế mũi nhọn khác, từ đó hoạch định chính sách phát triển với vai trò dẫn dắt của Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.
NGUYỄN HUYỀN