Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghi Xuân-một trong những cái nôi của ca trù với giáo phường Cổ Đạm, ca nương trẻ Nguyễn Thị Thu Hà sớm mang trong mình tình yêu với điệu âm ư của lời ca, nhịp phách, tiếng đàn. Dù còn rất trẻ, Thu Hà đã sở hữu chất giọng chắc, vang, tròn vành rõ chữ và “nẩy hạt” như một nghệ nhân thực thụ. 

Năm 8 tuổi, cùng bố mẹ đến Nhà văn hóa Nguyễn Du xem các nghệ nhân biểu diễn ca trù rồi Thu Hà như bị mê hoặc, cuốn theo cái điệu âm ư, trầm đục “tùng dếnh tang tùng tang” của đàn đáy, mắt không rời khỏi sân khấu, miệng lẩm bẩm hát theo.

Thấy sự yêu thích của cô bé 8 tuổi, bà Trần Thị Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Xuân lúc bấy giờ đã ngỏ ý cho Thu Hà đến học hát cùng các nghệ nhân. Từ đó, đều đặn thứ 3, thứ 5 hằng tuần, bố mẹ thay nhau đưa Thu Hà vượt quãng đường gần 15km đến Trung tâm Văn hóa huyện để em tập hát.

Vốn có năng khiếu thiên bẩm, càng nghe, càng học, càng tìm hiểu, Thu Hà càng thấy hứng thú. Ca nương nhí ngày nào giờ đã chín chắn hơn nhiều, xuất hiện nhiều hơn trên những sân khấu lớn, Thu Hà bộc bạch: “Đối với em, ca trù có sức hút đầy ma lực, một khi đã nghe rồi thì sẽ nghiện và không dứt ra được”.

leftcenterrightdel

Ca nương trẻ Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nhìn Thu Hà trong chiếc áo dài, đầu đội khăn vấn, ngồi trên phản cùng phong thái nhẹ nhàng, khoan thai mà không kém phần đĩnh đạc của một ca nương, ém từng hơi, nẩy từng hạt điêu luyện mà chắc nịch, mấy ai biết, ngoài tài năng thiên bẩm là quá trình nỗ lực học hỏi, luyện tập không ngừng. Hơn 10 năm phải lòng với nghệ thuật ca trù, từ cái độ “còn chửa biết cái chi chi”, chưa khi nào Hà ngừng luyện tập. Tiếng phách, tiếng đàn luôn ngân vang. Đều đặn mỗi ngày, Hà gõ phách nhuần tay rồi học hát, tay nhịp phách, miệng luyến láy những bản ca trù. Sự say mê trong từng câu hát, từng nhịp phách, tiếng đàn đã gieo vào lòng người xem niềm tin về một tài năng trẻ tuổi.

Ngoài ra, để trở thành một ca nương theo đúng “khuôn”, bên cạnh kỹ thuật biểu diễn sân khấu, Thu Hà luôn cố gắng mài giũa cho bản thân những quy ước trong văn hóa ca trù, cách ngồi sao cho đúng, điệu bộ sao cho ra dáng một ca nương. Nghệ nhân Đặng Thùy Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh) từng nói rằng: “Nếu nghệ thuật dân tộc đang kể một câu chuyện đầy hy vọng thì thế hệ ca nương trẻ như Thu Hà sẽ là tương lai của ca trù. Bằng nỗ lực suốt 10 năm qua, Thu Hà cho thấy sức sống của một phần di sản độc đáo, hàm chứa những nét thanh tao, tinh hoa của văn học và âm nhạc dân tộc”.

Hiện Thu Hà đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Vinh. Ngoài việc theo đuổi đam mê, cô luôn duy trì được thành tích đáng nể trong học tập. Thu Hà tâm sự: “Để trở thành một nhà giáo tương lai, vừa dạy chữ vừa trao truyền cho thế hệ kế cận về những nét đẹp ẩn giấu trong nghệ thuật ca trù, bản thân cần cố gắng học tập nhiều hơn nữa”.

 Nguyễn Thị Thu Hà giành được nhiều giải thưởng về ca trù: Giải "Ca nương triển vọng 2011; Giải nhất “Ca nương triển vọng” trong Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014, 2016; Giải nhất “Đào nương triển vọng” tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018; Huy chương Vàng Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền toàn quốc năm 2021; Giải xuất sắc cuộc thi Liên hoan Ca trù huyện Nghi Xuân lần thứ 3 năm 2021...

 

LÊ HỒNG NHUNG