Dù thời điểm trả lời phỏng vấn đã rất lâu, nội dung đã cũ, nhưng phát ngôn này lại được “cải mả”, trở thành đề tài thời sự trên một bộ phận các nền tảng mạng xã hội, được các phương tiện truyền thông có tư tưởng thù địch ở hải ngoại khai thác, xuyên tạc tình hình đất nước...

“Khai quật” thông tin, tạo cớ xuyên tạc

Theo thông tin được nhiều tài khoản trên các nền tảng MXH chia sẻ thì bài báo nêu trên xuất bản ở nước ngoài từ năm 1990 và được đưa lên không gian mạng từ hai năm trước. Trong lúc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức Hội nghị lần thứ 6, nó được nhiều tài khoản trên MXH và phương tiện truyền thông ở hải ngoại “khai quật”, chia sẻ, bình luận, như là một cách lập ngôn “phản biện”, đi ngược lại các định hướng, chủ trương lớn của Đảng. Ở đây, chúng tôi không bàn đến nội dung bài báo cũng như nhân thân của người phát ngôn, bởi bản chất của nó là một câu chuyện đã cũ, thông tin đã lạc hậu. Những gì xuất hiện trên không gian mạng thời gian gần đây là nội dung đã được chủ tài khoản, trang tin điện tử có tư tưởng thù địch với đất nước cắt gọt, đăng tải theo ý đồ của họ.

Để thực hiện mưu đồ chống phá, họ “khai quật” tư liệu, làm mới thông tin, lấy một ý, trích một câu, thậm chí chỉ một từ để làm chủ đề bàn luận và coi đó như một kiểu “tuyên ngôn”. Những phát ngôn kiểu ngẫu hứng, nói hớ, thể hiện cảm tính chủ quan của người nổi tiếng luôn là “miếng mồi” để các thế lực thù địch và phần tử cơ hội lợi dụng làm chủ đề xuyên tạc tình hình đất nước, lèo lái dư luận đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng.

Chiêu bài này không mới. Thủ đoạn tạo cớ, lợi dụng phát ngôn của người nổi tiếng (nhất là những phát ngôn khi ra nước ngoài) để làm đề tài tuyên truyền chống phá cũng đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, trong những thời điểm đất nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, việc thực hiện các chiến dịch tuyên truyền chống phá theo ý đồ như trên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý cộng đồng và môi trường chính trị-văn hóa trong đời sống xã hội.

Cần thấy rằng, trong dịp này, khi Đảng ta tổ chức Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), việc tạo cớ để xuyên tạc nhằm làm lung lay, dao động niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các chủ trương, định hướng lớn của Đảng là mục tiêu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) là bàn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là định hướng lớn, là chủ trương ở tầm vĩ mô, được dư luận xã hội trong nước và quốc tế quan tâm theo dõi. Ở chiều ngược lại, các thế lực thù địch và phần tử phản động cũng nhân cơ hội này để xuyên tạc, chống phá, gieo rắc tâm lý hoài nghi, bi quan trong đời sống nhân dân. Cảm giác “vô vọng” khi nói về tương lai dân tộc, hay những thuật ngữ gây sốc, những nhận định chủ quan, võ đoán, phiến diện... trên không gian mạng, dù là cũ hay mới cũng chỉ là cách lập ngôn mang tính chủ quan của các cá nhân. Họ bám vào đó để luận bàn về tình hình đất nước, tương lai dân tộc, coi đó như một luận điểm, luận chứng để phản biện, là sự thể hiện rõ mưu đồ chống phá quyết liệt và thâm độc của các thế lực thù địch. Cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước cần tỉnh táo nhận diện, phân biệt để thấy rõ sự thật, bản chất của vấn đề. Bên cạnh đó, các nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội cũng lấy đó làm bài học sâu sắc cho bản thân.

Cái “đòn càn” trong bức tranh hiện thực

Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Giáo sư Trần Đông A đã nhắc đi nhắc lại những kỹ năng, kinh nghiệm mà ông muốn chia sẻ với công dân Việt Nam, nhất là những người nổi tiếng khi ra nước ngoài. Theo đó, những người có tầm ảnh hưởng đến công chúng, khi ra nước ngoài sẽ được không ít thành phần săn đón, mời đi tham quan, tham dự các diễn đàn, trả lời phỏng vấn... Ông nói: “Trong khuôn khổ của những diễn đàn ấy, người ta không chỉ hỏi mình về chuyên môn mà còn đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm chính trị, đường lối đối ngoại của đất nước, về hòa hợp dân tộc, tình hình thời sự của đất nước. Nếu mình không tỉnh táo, rất dễ nói “hớ”. Từ những phát ngôn thiếu cân nhắc, có thể dẫn đến những sai lầm, hậu quả rất khó lường...”. Tương tự, trong các hoạt động tham quan, tìm hiểu đời sống xã hội ở xứ người, họ cũng sẽ cho mình xem những gì tốt đẹp, tinh hoa. Không ít người mới chỉ nhìn thấy, cảm thấy cái phần tinh hoa ấy đã vội ca ngợi xã hội của chủ nghĩa tư bản với những giá trị bề nổi của họ, quay lại chỉ trích, phê phán Đảng, Nhà nước, nhìn đất nước qua lăng kính tiêu cực, méo mó...

Thực chất, kiểu nhận định cảm tính này chẳng khác gì câu chuyện mấy ông thầy bói mù xem voi. Trong cấu trúc giải phẫu sinh học của loài vật to lớn này, cái tinh hoa, giá trị nhất chính là cái ngà voi. Anh đến xứ sở của người ta, người ta chỉ cho anh mục sở thị cái ngà mà anh đã vội kết luận con voi là cái “đòn càn” (đòn xóc) thì đó là hành vi phi khoa học, phi thực tiễn.

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư duy khoa học, đã chỉ ra những mặt trái, những mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Ông viết: “Sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu-nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Những tình huống "phát triển xấu", những nghịch lý "phản phát triển", từ địa hạt kinh tế-tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế. Sự thật cho thấy, bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng, được không ít các chính khách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý”.

Bài học cũ, thông điệp mới

Rõ ràng, bên cạnh những thành tựu khoa học kỹ thuật, kinh tế và những hào quang bề nổi, xã hội tư bản ở phương Tây vẫn ngập trong những mâu thuẫn giai cấp, bất ổn chính trị, xung đột vũ trang..., ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân và trật tự, hòa bình thế giới. Ngược lại, Việt Nam là nước đang phát triển, mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, dưới chế độ Đảng Cộng sản cầm quyền, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất, có tốc độ phát triển nhanh. Đó là những nhận thức căn bản để công dân Việt Nam (nhất là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng xã hội) cân nhắc, lựa chọn ngôn từ khi phát ngôn. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước cần thấy rõ bản chất, âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch phía sau và xung quanh hình ảnh cái “đòn càn” ở xứ người để có thái độ đúng đắn, củng cố vững chắc niềm tin, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong tác phẩm đã dẫn ở trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống...

Từ thủ đoạn “khai quật” thông tin, tạo cớ chống phá, để người nổi tiếng khi ra nước ngoài tránh được cái bẫy giăng sẵn của các phần tử cực đoan và thế lực thù địch, chúng tôi xin chuyển tải thông điệp của Giáo sư Trần Đông A: “Quan trọng nhất vẫn là ý thức dân tộc, bản lĩnh chính trị. Đi đâu, làm gì mình cũng phải thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước. Nói gì, làm gì đều phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Người nổi tiếng càng đòi hỏi phải có bản lĩnh, bởi những phát ngôn của cá nhân, dù trong hoàn cảnh nào, về lĩnh vực gì cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn với công chúng, nhất là trong môi trường công nghệ truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay...”.

LỮ NGÀN