Ngày xưa nặng nề quan niệm Nho gia nên không thi hoa hậu như bây giờ, nhưng lịch sử văn hóa thì vẫn làm “ban giám khảo” để “bầu” ra những người đẹp nhất. Chữ “hậu” trong “hoa hậu” ngày nay dùng có nghĩa gốc để chỉ hoàng hậu, vợ vua. Mà hoàng hậu thì nhất định phải đẹp, lại thêm quyền hành và giàu có.

Hoa là đẹp, sang trọng, quý phái nhưng cũng gần gũi với tất cả mọi người, làm đẹp cho con người. Vì thế, hai chữ “hoa hậu” rất thiêng liêng. Mẫu hoa hậu trong cổ tích là cô Tấm đẹp người đẹp nết, trong huyền thoại dã sử là công chúa Tiên Dung.

Là công chúa hẳn nhiên phải đẹp rồi (Đẹp như công chúa), thế mà Tiên Dung vượt qua mọi định kiến cũng như bao tín điều của triều đình và xã hội để lấy Chử Đồng Tử-người nghèo nhất, đã thế còn “tứ cố vô thân”. Đó là ước mơ, là khát khao về một tình yêu đẹp, bình đẳng và cực kỳ dân chủ của văn hóa Việt. Thế nên sau này, dân gian không chỉ xây đền thờ một Chử Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung. Trong chính sử thì ghi nhận Nguyên phi Ỷ Lan-vợ yêu của vua Lý Thánh Tông xuất thân nhà quê nhưng rất đẹp, có giọng hát tuyệt hay; khi chồng xuất chinh ra trận, Ỷ Lan ở nhà buông rèm nhiếp chính tài năng không kém chồng. Công chúa Lê Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển Tông, vợ vua Quang Trung-một “tuyệt thế giai nhân”, học giỏi, thơ hay... Qua các “hoa hậu” này cho thấy, quan niệm về cái đẹp của người Việt phù hợp với những tiêu chuẩn của thời hiện đại, coi trọng nội dung vẻ đẹp tâm hồn hơn hình thức bề ngoài...

Không chỉ là yêu quý mà còn là tôn trọng, người Việt coi hoa hậu, người đẹp là nơi trao gửi các giá trị nhân văn... Điều này góp phần lý giải vì sao ở Việt Nam hiện nay có nhiều cuộc thi sắc đẹp. Ngoài mục đích tôn vinh cái đẹp, quảng bá hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện ra với thế giới, còn nói lên mỹ cảm người Việt yêu thích cái đẹp, cái mới, luôn hướng về, luôn trân trọng các giá trị văn hóa. Vì thế hoa hậu, người đẹp thường được dư luận quan tâm, nhiều khi thái quá. Nhất là hoa hậu, người đẹp nào có “điều tiếng” làm mất niềm tin với người hâm mộ sẽ bị chê cười ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp. Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp như vậy. Câu nói đoạt ngôi hoa hậu đã rất khó, giữ được danh hiệu hoa hậu còn khó hơn không chỉ là một nguyên lý, còn mang tính chân lý. Những nguyên nhân nào dẫn đến không ít hoa hậu, người đẹp làm mất kỳ vọng của cộng đồng? Ở đây không chỉ nói về các hoa hậu, xin được mở rộng hơn nói về người đẹp nói chung.

Là sự kết tinh và tiêu biểu cho vẻ đẹp hoàn mỹ cả hình thức và tâm hồn nên hoa hậu được mọi người, nhất là với tầng lớp thanh, thiếu niên tôn thờ, coi đó là một biểu tượng, một hình mẫu, một tấm gương. Thế nên chỉ một vết ố mờ cũng làm công chúng bị tổn thương. “Một sự bất tín, vạn sự chẳng tin”, khi đã mất niềm tin thì rất khó lấy lại. Thực tế sau khi đoạt vương miện, áp lực đè nặng lên ngôi vị hoa hậu là rất lớn. Họ không còn được là chính mình, phải làm mẫu, làm gương, phải giao tiếp, cư xử chuẩn mực, phải là “đại sứ” văn hóa, phải làm vừa lòng tất cả... Nhưng cũng là con người, lại còn trẻ tuổi, vốn sống, kể cả vốn văn hóa chưa thể nói là đầy đặn, càng không thể nói già dặn bản lĩnh nên có phải lúc nào cũng “tròn trịa” được đâu. Có lúc vấp ngã, không được thể tất dễ dẫn đến khủng hoảng. Mà với công chúng thì thật vô cùng đa chiều, nhất là trong bối cảnh không gian mạng khó kiểm chứng, kiểm soát nên chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, “tiếng dữ” sẽ bị “đồn xa” đến không ngờ. Nếu bị “đồn thổi” có khi mất hẳn cái gốc sự thật. Không ít hoa hậu trên thế giới mắc bệnh trầm cảm, thậm chí nặng hơn, là điều không khó lý giải. Từ góc nhìn này cho thấy, cần hơn một sự cảm thông, chia sẻ, một cái nhìn thẳng thắn mà nhân ái, độ lượng từ phía công chúng!

Nhưng chủ yếu từ phía chủ quan. Điều nguy hiểm nhất là hoa hậu để mình bị rơi vào vòng xoáy của sự cám dỗ, lợi dụng. Đặc trưng hình thức của các cuộc thi sắc đẹp là hào nhoáng, bóng bẩy, tức là sự tạo ra ảo giác để hấp dẫn, mời gọi. Được đội vương miện danh giá, được lộng lẫy trong trang phục người đẹp nhất, được tôn vinh trong không gian tràn ngập ánh sáng, màu sắc và vô vàn những lời chúc tụng... nên hoa hậu không còn là chính mình mà trở thành một đại diện cho vẻ đẹp xứ sở, cho văn hóa vùng miền... Tức phải sống khác đi. Mà với bất cứ ai, sống khác mình thật khó, cũng thật khổ. Tồn tại trong môi trường ảo giác, người ta dễ bị ảo tưởng, thấy mình như một “đỉnh cao”. Mà đã là “đỉnh cao” thì phải sống, phải hưởng thụ xứng với “đỉnh cao”. Trong khi đó, nhiều cái bẫy vật chất tiền tài, danh tiếng đang giương lên chực chờ nuốt sống họ... Có một sự thật là hoa hậu cũng rất cần có tiền để chi phí cho cá nhân, người thân, gia đình. Rồi chi phí đi lại, trang phục, quần áo, giày dép, son phấn... mà phải là “hàng hiệu” đắt đỏ. Các hãng tài trợ liệu có “bao” được hết? Tiền thưởng có khi cũng chỉ mang tính tượng trưng. Còn phải đi quảng bá hình ảnh, công tác thiện nguyện... chưa nói tới chuyện mất nhiều thời gian cho tiệc tùng, sự kiện... Trong hoàn cảnh ấy phải thật sự bản lĩnh mới làm chủ được bản thân. Họ phải làm gì?

Như người đi trên dây phải giữ thăng bằng, nghiêng về khoảng trống cám dỗ hay nghiêng về khoảng trời bình lặng yên phận cũng đều không thể đi tới đích là cái đẹp. Cây hoa phải được trồng trên đất màu mỡ, phải luôn được chăm bón, cây mới tốt và cho hoa thơm. Hoa hậu cũng là một thứ hoa-dâng hương sắc, làm đẹp cho cuộc đời. Thế nên hoa hậu phải tạo ra mảnh đất cho riêng mình bằng cách liên tục, miệt mài học tập, trau dồi vốn sống, vốn văn hóa, lấy đó làm nền tảng mới có thể ứng xử một cách đúng đắn nhất. Người Việt có cách nói rất hay là “giữ mình”, hơn ai hết, sống trong môi trường dễ bị cám dỗ thì hoa hậu phải là người biết “giữ mình” nhất. Bằng cách tự mình giáo dục mình, tự mình răn mình. Các cụ dạy “chọn bạn mà chơi”. Văn hóa học hiện đại khẳng định “văn hóa là sự lựa chọn”. Với hoa hậu, là trung tâm của các mối giao tiếp nên cuộc sống của họ chịu quy định của sự lựa chọn. Không tỉnh táo không nhận ra được thật-giả, sự vô tư và sự lợi dụng... Bài học của Hoa hậu Mỹ Tara Conner (2006) từ một hoa hậu thánh thiện đã nghe lời xấu rồi chơi với người xấu mà dần sa vào tiệc tùng trai gái thác loạn. Từ đỉnh cao nhào xuống vực sâu chỉ trong chớp mắt!

Vì đang sống trong hoàn cảnh bình thường, thậm chí tầm thường rồi bỗng chốc trở thành “kiệt tác của tạo hóa” được tung hô, chiều chuộng nên hoa hậu là những người hay cả nể, hay bị choáng ngợp hoặc mủi lòng trước các hoàn cảnh éo le. Nắm được tâm lý ấy, nhiều kẻ xấu đóng vai hoặc mang danh tử tế như đại gia, nhà doanh nghiệp, nhà ngoại giao, nhà hảo tâm... đưa ra những viễn cảnh, những lời hứa... “trên trời”. Lại có trường hợp một vài người đẹp, do chưa được giáo dục chu đáo, do tính tham, do thích ăn chơi đua đòi... nên phải nghĩ cách có tiền bằng cách lợi dụng vị thế để mồi chài, lừa đảo, có khi lấy chính bản thân mình làm món hàng.

Sự bỡ ngỡ ngây thơ thường bị trả giá bởi những thủ đoạn, âm mưu quỷ quái. Vì vậy, hoa hậu phải là người biết làm chủ bản thân, biết được giá trị bản thân, coi đạo đức, nhân cách mình là cao hơn tất cả. Sắc đẹp hình thể sẽ tàn phai theo thời gian nhưng vẻ đẹp tâm hồn thì vĩnh cửu và đó mới là cái đẹp hoàn thiện đích đáng nhất. Người thường “bán mình cho quỷ dữ” đã bị lên án, kết án. Vì đã trở thành tài sản văn hóa chung của cộng đồng nên hoa hậu như thế cũng sẽ bị kết tội gấp nhiều lần. Không chỉ ở văn hóa Việt mà cả văn hóa nhân loại, nhìn chung thì hằng số mỹ học đều coi trọng cái nội dung mộc mạc mà thành thực “cái nết đánh chết cái đẹp” không ưa hình thức hào nhoáng, giả tạo “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”!

Hoa hậu-Thật vinh quang nhưng cũng thật khó thay!

NGUYỄN THANH TÚ