Chuyên mục "Chuyện kể ở đại đội" được phát sóng trong Chương trình Phát thanh QĐND dành cho các bạn trẻ trong Quân đội vào 21 giờ thứ Sáu và phát lại vào 6 giờ 30 phút thứ Bảy hằng tuần trên VOV1. Tác giả của những câu chuyện này là cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở viết và gửi về chương trình, được biên tập và phát sóng. Đặc điểm của các câu chuyện thường thể hiện chủ đề tư tưởng rõ ràng, có tính giáo dục cao. Từ chuyện chấp hành nền nếp, chế độ công tác, kỷ luật, huấn luyện, diễn tập, như: “Tâm sự anh nuôi” (Trịnh Hồng Hải), “Vượt lên chính mình” (Vũ Duy), “Một cuộc thi chưa có trong tiền lệ”, “Tự hào là người lính công binh” (Tạ Duy Chiến), “Tiểu đội VIP” (Văn Hải)... cho đến những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội, tình yêu người lính cũng như mối quan hệ với nhân dân. Tiêu biểu là các truyện: “Má Năm” (Đặng Hữu Thi), “Chuyện tôi về quê lấy vợ”, “Trường học lớn và tình đồng đội” (Bá Vinh), “Mẹ bảo chỉ có Bộ đội Cụ Hồ” (Bá Hải)...

leftcenterrightdel

Minh họa "Chuyện kể ở đại đội"  (cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân múa hát tập thể trên công trường xây dựng đảo Hòn Khoai, Cà Mau). Ảnh: VĂN THUẦN

Một trong những dấu ấn của chuyên mục này là sự thể hiện của Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Đông. Chuyên mục "Chuyện kể ở đại đội" ra đời năm 1983, sau 41 năm gắn bó, nghệ sĩ Phạm Đông đã kể gần 2.000 câu chuyện sinh động, hấp dẫn người nghe. Lời mở đầu câu chuyện: “Các đồng chí ạ!” của ông trở thành "thương hiệu", thân thuộc với thính giả cả nước. Sở hữu chất giọng sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt, cùng lúc Phạm Đông có thể bắt nhịp giọng của một cô gái tuổi 18-20 ngọt ngào, tiếng của một anh lính trẻ, rồi tiếng của ông già 70 tuổi và tiếng của một sĩ quan chỉ huy “hét ra lửa”, khiến người nghe thích thú. Bên cạnh giọng nam, Phạm Đông còn diễn xuất được nhiều giọng nữ, như giọng một nữ chiến sĩ hồn nhiên, lại có thể là giọng ngoa ngoắt của hàng tôm hàng cá... giọng nào cũng sinh động và đáng nhớ.

Điều đặc biệt của chuyên mục "Chuyện kể ở đại đội" là tác giả viết, gửi về chương trình rất đa dạng. Đó có thể là các chiến sĩ mang quân hàm binh nhất, binh nhì, cho đến các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong Quân đội, các cựu chiến binh. Nhiều tác giả đã thành danh trong con đường binh nghiệp, giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nhưng vẫn thường xuyên cộng tác với chuyên mục này. Đến nay, Nhà Xuất bản QĐND cũng đã lựa chọn, biên tập và xuất bản một số cuốn "Chuyện kể ở đại đội" thu hút đông đảo bạn đọc.

Cuối năm 2023, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024), Cuộc thi viết “Chuyện kể ở đại đội” được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phát động trong toàn quốc. Tính đến tháng 8-2024, theo thông tin từ ban tổ chức, cuộc thi viết đã nhận được hơn 1.400 bài dự thi của cá nhân trên toàn quốc; trong đó có cụ Hà Xuân Xế, quê ở Ninh Giang, Hải Dương đã 94 tuổi đời và 65 năm tuổi Đảng với tác phẩm “Duyên kỳ ngộ”. Điều lạ là dù cao tuổi nhưng ngôn ngữ của cụ lại rất hiện đại và thời thượng, tươi trẻ, mang đậm chất lính trẻ của giai đoạn hiện nay.

Yêu thích và theo dõi chuyên mục, chúng tôi nhận thấy, những người viết "Chuyện kể ở đại đội" phần đa là không chuyên, viết vì yêu thích và đam mê. Có người viết theo cảm hứng, theo sở thích thế nên không thể tránh khỏi những hạn chế. Để việc viết "Chuyện kể ở đại đội" ngày càng chất lượng, có tính chuyên nghiệp cao hơn, chúng tôi xin trao đổi ý kiến, đề xuất một số vấn đề về kỹ thuật.

Trước hết cần hiểu, "Chuyện kể ở đại đội" mang đầy đủ các tính chất cơ bản của một tác phẩm văn học. Về kết cấu, "Chuyện kể ở đại đội" có các biến cố, sự việc liên quan đến nhau, có mở đầu, phát triển và kết thúc. Về tính chất, tác phẩm giải thích hiện tượng đời sống, tìm hiểu con người trong lĩnh vực hoạt động quân sự, nêu vấn đề và bày tỏ thái độ. Tuy nhiên, "Chuyện kể ở đại đội" không giống truyện ngắn và càng không phải là tự truyện hoặc tiểu thuyết.

Đặc điểm của "Chuyện kể ở đại đội" là những câu chuyện xảy ra trong đời sống của bộ đội ở đơn vị cơ sở, cấp phân đội hoặc liên quan đến quân nhân trong các mối quan hệ công việc ngoài Quân đội, chuyện tình yêu chiến sĩ...

Dung lượng của tác phẩm khoảng 1.500 chữ. Về cốt truyện, các câu chuyện có nhân vật, tình huống và thường được viết bằng giọng kể, trong đó người kể có thể là một nhân vật tham gia vào câu chuyện hoặc người kể là ngôi thứ ba, biết đầy đủ nội tình câu chuyện xảy ra. Đôi khi, "Chuyện kể ở đại đội" có thể là một kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội hoặc có thể là một sáng tác dựa trên cốt truyện có thật xảy ra ở đơn vị.

Yếu tố quan trọng nhất trong "Chuyện kể ở đại đội" là ngôn ngữ tươi trẻ, đầy chất lính, gắn với đời sống, công tác, tình cảm thật của bộ đội. Thông điệp đưa ra trong câu chuyện cần có tính triết lý, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Hai vấn đề này đã làm nổi rõ chất lính và góp phần tạo ra sức sống cho chuyên mục.

Để có được tác phẩm, người viết cần có đam mê, cảm xúc, khả năng quan sát, suy đoán, trong đó nuôi cảm xúc là một trong những vấn đề không dễ. Qua tham khảo, trò chuyện với nhiều tác giả có kinh nghiệm và đã thành danh trong nghề viết, tôi nhận thấy, dành thời gian, bố trí công việc hợp lý để nuôi đam mê viết trong điều kiện huấn luyện, diễn tập và công tác liên miên là không hề dễ dàng. Nếu vài năm mới viết một truyện thì kỹ năng, phương pháp sẽ không nhuần nhuyễn và người viết gặp khó khăn. Nếu không khắc phục thì tác phẩm luôn là những bản thảo dở dang.

Xương sống của "Chuyện kể ở đại đội" là tự sự dựa trên các biến cố xảy ra trái với lệ thường, được con người ý thức, qua đó dễ tạo ra xung đột kịch gây hấp dẫn người nghe. Các biến cố xảy ra trong "Chuyện kể ở đại đội" thường xuất phát từ đời sống thường nhật của người lính. Đó là những biến cố trái với quy định của chế độ trong ngày, trong tuần, quy định trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động hoặc nhiều biến cố khác xảy ra từ các mối quan hệ giữa các quân nhân, giữa cấp dưới với chỉ huy, giữa bộ đội với nhân dân...

Từ các biến cố này, tác giả cần xác định được cốt truyện, nhân vật và các tình tiết. Trong đó, biến cố chỉ là “nguyên liệu”, mang tính nền móng. Tác giả cần gắn mỗi biến cố với nhân vật, hoàn cảnh, tâm trạng, thái độ cùng những nét riêng, mang tính vùng miền hoặc xuất phát từ nhận thức. Tất cả biến cố, nhân vật, cốt truyện, tình tiết... trong "Chuyện kể ở đại đội" được kết gắn bằng ngôn ngữ. Do phản ánh đời sống của bộ đội nên ngôn ngữ cũng phải rất lính, theo những quy định ở các đơn vị thường sử dụng, pha chút tếu của lính trẻ. Với những người viết mới, cần xây dựng cho mình một dàn ý với những biến cố, nhân vật, tình tiết các xung đột trước khi viết rồi triển khai thì sẽ thuận lợi hơn. Viết rồi đọc lại hoặc nhờ người khác, bạn bè đọc, nghe, góp ý sau đó chỉnh sửa, thêm bớt cho phù hợp cả về liều lượng và dung lượng.

Trong tác phẩm "Chuyện kể ở đại đội" không chỉ có tự sự mà còn sử dụng phương thức biểu đạt khác như miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh... theo các tình huống tác giả xây dựng. Mạch văn ấy đan xen vào mạch tự sự, làm cho chuyện kể phong phú, hấp dẫn.

Về người kể, bao gồm ngôi kể, lời kể và điểm nhìn. Ngôi kể (vai kể) thường là một người vô hình (không hẳn là tác giả) nhưng biết hết mọi chuyện. Ngôi kể cũng có thể là một nhân vật trong câu chuyện, xưng "tôi". Lời kể, lời dẫn đi vào câu chuyện phù hợp với ngôi đó. Điểm nhìn là vị trí người kể trước các sự kiện và nhân vật được bộc lộ qua giọng điệu và ngôn từ kể chuyện. Người kể có thể chọn điểm nhìn khách quan (thản nhiên trước mọi tốt, xấu) hoặc chủ quan (bộc lộ thái độ yêu, ghét).

Muốn có "Chuyện kể ở đại đội" hay, ngoài những yếu tố sơ lược nói trên, để viết được nhiều thì mỗi người cần quan sát, phát hiện các câu chuyện từ xung quanh, nuôi ý tưởng và triển khai. Đây chính là cách để đam mê lớn dần và cũng là cách góp phần làm cho chuyên mục "Chuyện kể ở đại đội" phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện và chất lính luôn đong đầy, hấp dẫn mọi lứa tuổi trong xã hội.

DOÃN PHAN