Vì sao nhiều người lại có tâm lý ấy? Tìm hiểu kỹ tôi mới biết, điều khiến Hà Nội níu kéo mọi thế hệ người Việt, nhất là các văn sĩ không chỉ bởi đất lành, khí hậu bốn mùa mà còn là nét đẹp thanh lịch, hào hoa, tao nhã của con người vùng đất này.

Trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn đã đánh giá: Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư muôn đời".

Từ ngày Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về đất “rồng cuộn hổ ngồi”, đất Đại La chính thức chuyển thành Tràng An, là Kinh đô, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự và ngoại giao. “Ông ngất ngưởng” Nguyễn Công Trứ từng tâm đắc với đất kinh kỳ mà dẫn rằng: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng suy xét và nhận định: Trước khi trở thành Kinh đô Thăng Long, Đại La là vùng đất bằng phẳng, đồng đất màu mỡ, thời tiết mưa thuận gió hòa nên người dân có điều kiện sản xuất nông nghiệp và phát triển các nghề thủ công hết sức thuận lợi. Vì thế, họ được hưởng chút an nhàn, thanh lịch trong ứng xử với môi trường sống cũng là điều dễ hiểu. Lý giải trên của các nhà nghiên cứu khá hơp lý, chặt chẽ, chẳng phải bàn thêm.

leftcenterrightdel

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long! Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Trải qua hơn 1.000 năm, Thăng Long, vùng đất kinh kỳ đã ghim vào tâm khảm các thế hệ người Việt những giá trị dường như bất biến, đó không chỉ là lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, khao khát độc lập, tự do; tinh thần chống giặc ngoại xâm đến cùng mà còn là những giá trị văn hóa, trong đó đặc biệt là nét thanh lịch.

Trong bài viết: “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho rằng: Hai chữ “thanh lịch” để nói về một tính cách, phẩm chất, giá trị của người Thăng Long-Hà Nội xưa và nay. Duy danh định nghĩa thì “thanh” nghĩa là trong sáng, có màu xanh trong, còn “lịch” đó là “lịch thiệp, lịch sự, lịch lãm, lịch sử”, tức là từng trải và có trí tuệ, cộng với sự trong sáng về mặt đạo đức thì đó là “thanh lịch”.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lý giải rằng, thanh lịch của người Hà Nội chính là chỉ nếp sống, lối sống có văn hóa. Chất thanh lịch ấy biểu hiện trước hết ở sự nói năng. Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội không chỉ ở chỗ chuẩn xác, mẫu mực mà còn biết sử dụng ngôn ngữ lưu loát, hoạt bát, nhã nhặn và tế nhị. Trong ăn uống, người Hà Nội cũng nổi tiếng sành ăn và đã nâng việc nấu nướng trở thành nghệ thuật “ẩm thực”. Trong trang phục, người Hà Nội ưa chuộng sự gọn gàng, chỉnh tề và trang nhã. Đặc biệt nét thanh lịch của người Tràng An còn thể hiện trong cách làm ăn, sản xuất. Cũng bởi thế mà ngạn ngữ xưa có câu: “Khéo tay hay nghề đất lề kẻ chợ”.

Trong mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc “trên kính dưới nhường”. Người ngoài nhìn vào dễ cho là khách sáo, hình thức, nhưng những thành viên trong một nếp nhà thấy rất tự nhiên.

Nhìn một cách bao quát, nét thanh lịch cũng chính là lối sống, nếp sống có văn hóa của đất kinh kỳ. Nếp sống đó không chỉ thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong sinh hoạt đời thường cũng như cách ứng xử mà còn được phản ánh khá rõ nét trong những tục lệ, điều ước, hương ước... Trải qua thời gian, nét thanh lịch đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Hà Nội gốc và cả những người từng sống, gắn bó với Hà Nội, trở thành nếp sống đẹp, chỉ riêng Hà Nội mới có.

Thời hiện đại, từ nét thanh lịch, hào hoa của Hà thành, các văn nghệ sĩ đã thổi hồn mình vào các tác phẩm văn chương, làm cho Hà Nội đẹp hơn, thanh lịch hơn và cũng hào hoa hơn. Đáng kể trong đó là các tác phẩm mang đậm chất Hà Nội: “Đất nước”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Người Thăng Long”, “Miếng ngon Hà Nội”... Thông qua những tác phẩm văn học ấy, nhiều nhân vật có tính cách, nhiều chi tiết, diễn biến câu chuyện cho thấy tố chất hào hoa, tinh tế, lịch thiệp, cầu kỳ cũng như sự lanh lợi của con người, lối sống đặc trưng Hà Nội một thời.

Trong chương cuối của cuốn "Miếng ngon Hà Nội", nhà văn Vũ Bằng hạ bút tâm sự với Hà Nội cứ như là với một người bạn: "Kỳ lạ đến thế là cùng, Hà Nội ạ!... Thôi thì thế nào cũng được đi: Ta mê, ừ thì ta chịu tiếng ta mê; ta lầm, ừ thì ta chịu tiếng ta lầm, nhưng không ai có thể bắt ta nghĩ trái điều này: Hà Nội... ngon... quá xá!".

Trong cuốn “Chuyện Hà Nội”, nhà văn Vũ Ngọc Phan viết: “Nhiều ông từ mãi Cà Mâu, từ Sài Gòn, từ Quy Nhơn, từ Quảng Nam hay từ Huế lù lù dẫn ra Hà Nội, người ở đôi ba tháng, kẻ ở vài ba năm, có người chỉ vẻn vẹn dăm ba ngày, cũng mắc cái bệnh nhớ nhung Hà Nội, như những người đã quen sống, quen chết ở Hà Nội rồi”.

Sau này, một trong những câu tôi thích và hay ngân nga đó là: "Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/ Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi, Hà Nội ơi!"  trong bài hát “Trời Hà Nội xanh” của nhạc sĩ Văn Ký.

Hiện nay, nét thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội vẫn còn đó, nhưng dường như đang bị cuộc sống hiện đại với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội lấn át. Di dân cơ học thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa với lối sống công nghiệp “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” đã trở thành cuộc đua, khiến ứng xử thanh lịch của người Hà Nội có phần bị mang tiếng và dường như có mặt đã mai một. Ngay cả những tác phẩm văn học đương đại về Hà Nội cũng không còn nói được cái chất riêng vốn là đặc trưng của Tràng An như trước. Có nhà văn hóa từng cảm thán đại ý rằng, dường như bóng hình Hà Nội chỉ hiển hiện qua cái tên một vài tác phẩm văn học để lấy làm đối tượng phản ánh, để mô tả về đất, về người Hà Nội mà thôi. Bởi những tác phẩm ấy không thể hiện được đặc trưng về tính chất, tính cách của người và vùng đất Hà thành.

Những năm gần đây, nhận thấy nét thanh lịch, hào hoa, đặc biệt là phong cách ứng xử của người Thủ đô hiện đại dần lép vế trước lối sống hiện đại, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội đã ra chỉ thị, kế hoạch về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội.

Những tiêu chí cụ thể của nội dung này được tích hợp trong các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”... ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử rất bài bản. Những động thái này đã cho kết quả bước đầu với nhiều tín hiệu tích cực, góp phần thiết thực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.

Giá trị văn hóa thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội đã được hình thành từ rất sớm. Trải qua chiều dài hơn 1.000 năm lịch sử, những giá trị văn hóa ấy được sàng lọc, lắng đọng, phát triển và ngày càng tinh túy, giống như một viên ngọc bích lấp lánh. Những tinh túy văn hóa ấy có trong mọi tầng lớp của xã hội và là chất liệu cho các văn nghệ sĩ để họ thổi hồn và cho ra đời những đứa con tinh thần. Sản phẩm văn hóa mà họ dâng cho đời cùng phong cách hào hoa, lịch lãm trong cuộc sống, trong ứng xử của các văn nghệ sĩ sẽ truyền cho đời sau cái đẹp, các chất và trở thành giá trị tinh thần cho toàn xã hội.

Để Hà Nội đẹp hơn, mỗi công dân ở thành phố này cần có nhận thức, ý thức cao hơn; luôn sửa mình mà trọng tâm là luôn nuôi ý thức sống đẹp, sống có ích, làm việc, cống hiến vì cộng đồng, xã hội; bền chí nuôi tài, sống bằng cái tài, cái đức, chất văn hóa mình có, mình tích lũy. Đồng thời luôn đề cao ý thức chống cái xấu; ngăn chặn những hành vi chạy theo danh lợi, chạy theo giàu sang bằng mọi giá...

Làm tốt những điều đó là làm cho tình yêu với Thăng Long-Hà Nội thêm thăng hoa, không chỉ giới hạn ở phạm vi không gian trời Nam như thi tướng họ Huỳnh khái quát mà sẽ thay đổi bằng tiêu chí thời gian: Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long như thi sĩ Xuân Diệu từng mong muốn!     

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG