Theo quy định, người ta chỉ tính tuổi một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, kể từ khi nó được đưa vào sản xuất hàng loạt. Do đó, mặc dù được thiết kế từ năm 1974 nhưng cho đến năm 1976-sau năm thống nhất đất nước-khi cả nước thiếu cốc uống bia, người ta bắt đầu sản xuất hàng loạt những chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn” thì người ta mới bắt đầu đếm tuổi của nó. Cho nên đến nay (2023), chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn” mới gần... 50 tuổi! Các bạn hãy nhớ, đến năm nay, nó gần 50 tuổi đấy nhé!

Dung tích của chiếc cốc vại này là đúng nửa (1/2) lít.

Chàng thanh niên Lê Huy Văn, tốt nghiệp cấp III thì đi du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức rồi về nước, công tác tại Liên hiệp hợp tác xã Trung ương (là quyền Viện trưởng Viện Mỹ nghệ dân tộc), sau đó làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp.

Thân phụ của họa sĩ Lê Huy Văn là họa sĩ Lê Quốc Lộc-một trong những họa sĩ gạo cội của hội họa từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là ở mảng sơn mài. Em ruột của họa sĩ Lê Huy Văn là họa sĩ Lê Trí Dũng, người nổi tiếng với nghệ danh “Dũng ngựa”, vì rất nhiều người thích và mua tranh họa sĩ này vẽ ngựa trong những năm gần đây. Các con, các cháu của họa sĩ Lê Huy Văn với hơn chục người, đều là họa sĩ, nhà thiết kế. Nói qua thế để thấy, nhà họa sĩ "Lê Huy" này là “nhà nòi” nghệ thuật.

Du học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, chàng sinh viên trẻ này theo học ngành Tạo dáng công nghiệp ở một ngôi trường nổi tiếng vì đã kế thừa được một danh phái đào tạo-danh phái Bauhaus. Anh học tại Trường Đại học Nghệ thuật và thiết kế Halle-Burg Giebichenstein.

Trở lại chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn”!

Năm 1954, sau giải phóng Thủ đô, ông chủ Pháp của Nhà máy Bia Hà Nội dỡ máy móc chuyển vào Nam. Người Việt tiếp quản-khôi phục nhà máy này và đến năm 1958, lô bia Trúc Bạch đầu tiên ra đời. Đây cũng là nhãn bia uy tín nhất của nhà máy, kể cả đến bây giờ.

Năm 1960, nhà máy này chế ra mẻ bia hơi đầu tiên ở miền Bắc.

leftcenterrightdel
  Bản thiết kế chiếc cốc.  

Nhưng uống bia hơi bằng cái gì đây?

- Dùng vại gốm hay kim loại thì không thể nhìn thấy màu vàng óng ả của bia hơi!

- Dùng vại nhựa thì cũng thế, mà khi chạm cốc thì âm thanh đùng đục rất khó nghe!

- Dùng vại thủy tinh tốt hoặc pha lê thì đắt quá-không “kinh tế”-bình dân chịu sao nổi!

- Dùng vại có quai-tai thì không thể lồng vào nhau được và rất bất tiện cho người chạy bàn!

Vả lại, các vật liệu trên đều rất khó tái chế hàng loạt với giá rẻ!

Lê Huy Văn giải tất cả bài toán trên chỉ bằng việc thiết kế chiếc cốc vại thủy tinh thủ công của mình.

Số là, vào một ngày đẹp trời năm 1974, ông Nguyễn Văn Thao-học kỹ sư canh nông từ thời Pháp thuộc (cùng Cù Huy Cận), là Chủ nhiệm đầu tiên của Liên hiệp hợp tác xã Trung ương, một trí thức thực thụ, giao Lê Huy Văn thiết kế chiếc cốc dùng uống bia hơi (từ đây, ta sẽ gọi đó là chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn”).

Những chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn” thỏa mãn mọi yêu cầu:

- Giá rẻ. Tất cả các lò thủy tinh thủ công đều có thể sản xuất hàng loạt được. Nó cũng rất hợp với các quán bia hơi vỉa hè và túi tiền của khách uống bình dân!

- Khi chạm cốc, âm thanh của nó chẳng thua gì âm nhạc!

- Với dung tích nửa lít, vừa đủ để giải cơn khát đầu trong cái nắng xuân-hè, vừa hợp với sức cầm tay của người Việt (ở Legend beer restaurant Vũ Ngọc Phan chẳng hạn, uống bia tươi Đức bằng những chiếc bình có dung tích từ 1 đến 2 lít, thậm chí là hơn-rất nặng, rất khó “chạm cốc”!). Còn, nếu uống vào mùa thu-đông, thì nó lại “Dĩ lạnh trị lạnh/ Dĩ độc trị độc” để “Anh nhớ em như đông về nhớ rét (Chế Lan Viên)”!

- Người chạy bàn rất dễ dàng lồng chúng lại thành chồng, thành cột mà bê vác. Nói dại, mà nếu trót đánh vỡ, nhà hàng cũng đỡ xót xa!

- Sau lớp vỏ thủy tinh, bia hơi Hà Nội, vốn mang màu hổ phách nhạt, thoắt trở thành màu hoàng yến, như là màu áo mỹ nhân mùa thu! Mà, mỹ nhân thì: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng...”, “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”, "Chỉ có thi sĩ với mỹ nhân là không tuổi”...

Với tất cả ưu điểm mà các chất liệu khác không có ấy, những chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn” dần thống trị mọi vỉa hè Hà Nội rồi lan ra cả nước; tràn cả vào những nhà hàng lớn (ví như Lan Chín, Hải Xồm, Hải Yến...). Chúng cũng trùng trùng điệp điệp trên “ma trận” bia 19 Hoàng Diệu (Câu lạc bộ Quân đội), 66 Phan Đình Phùng (Nhà khách Bộ Quốc phòng), 19C Ngọc Hà (sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh), cửa sau sân bay Tân Sơn Nhất... đặc biệt, ở những “Lễ hội bia Hà Nội” hằng năm (học theo Lễ hội bia Munchen-Oktoberfest tại Đức).

Tóm lại, chính những chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn” đã góp phần lớn để cùng với Nhà máy Bia Hà Nội và cộng đồng sùng bái bia hơi bản địa, tạo nên “văn hóa bia hơi Hà Nội” như ta đang thấy, từ năm 1976!

leftcenterrightdel

Họa sĩ Lê Huy Văn và chiếc cốc vại bia hơi do ông thiết kế. 

Đúng là chúng ta có muôn vàn sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, nhưng nếu xét mọi mặt, từ “tính đại chúng”, “tính thực tiễn-tiện dụng”, “độ bao phủ-phổ biến”... và “tuổi thọ” (có khi là vĩnh cửu), mà lại rất rẻ, thì khó có một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nào bì kịp chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn”. Từ năm 1976 đến giờ, biết bao tỷ chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn” đã ra lò ấy nhỉ? Và, nó xứng đáng là một huyền thoại!

Thơ cổ có hai câu : “Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ/ Thiên hạ hà nhân bất thức quân” (Đừng buồn trước mặt không tri kỷ/ Thiên hạ ai người chẳng biết anh).

Chỉ cần biết đến chiếc cốc vại bia hơi Hà Nội thì đi đâu, thiên hạ đều là tri kỷ của Lê Huy Văn!

Vừa rồi, chúng tôi ngồi với Lê Huy Văn tại một nhà hàng bia hơi Hà Nội, tò mò đo thử kích thước của chiếc cốc thủy tinh uống bia hơi bây giờ. Kích thước (phủ bì) của nó như sau: Đường kính miệng 8,3cm, đường kính đáy 6,6cm, chiều cao 13cm.

Trong khi, kích thước của chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn” là: Đường kính miệng 9,5cm, đường kính đáy 7cm, chiều cao 15cm và chỉ với kích thước này, dung tích của nó mới đúng bằng 1/2 lít.

Như vậy, những chiếc cốc ta uống bia hơi hiện nay có dung tích nhỏ hơn 1/2 lít! Nó chỉ trong ngoài 0,33 lít mà thôi!

Nhân đây, tôi cũng xin có vài đề xuất nhỏ, nếu xét về tính hiệu quả và bền lâu của những chiếc “cốc vại bia hơi Lê Huy Văn”, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, đề xuất trao “Chứng nhận bản quyền” cho ông Lê Huy Văn về sản phẩm này.

 ĐỖ TRUNG LAI