Nhưng, “vật cùng tắc biến”, trong cơn bĩ cực ấy, người ta buộc phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng, tồn tại và phát triển. Bởi, dù có khó khăn thế nào đi nữa thì sân khấu không bao giờ chết...

Thời “ăn đong” đã hết

Trong giới chuyên môn đang có sự so sánh, khó khăn hiện tại của sân khấu liệu đã đến mức như thời kỳ đất nước thực hiện chủ trương xóa bỏ bao cấp những năm đầu thập niên 1990? Rất khó để đánh giá, bởi hoàn cảnh xã hội mỗi thời mỗi khác. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng, đứng trên phương diện môi trường làm nghề thì quả là tìm hướng đi cho sân khấu hiện nay có nhiều cơ hội hơn so với trước đây. Đặt vấn đề như vậy để thấy, không có khó khăn nào không có giải pháp. Trong hành trình đi tìm và vận hành các giải pháp ấy, người ta buộc phải chấp nhận quy luật đào thải. Cái gì thích ứng tốt thì tồn tại. Cái gì đã lỗi thời thì phải bị loại bỏ. Môi trường nghệ thuật vốn đã khắc nghiệt, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nó lại càng thêm khắc nghiệt.

Cần nhìn lại bối cảnh nghệ thuật biểu diễn nói chung, sân khấu nói riêng từ khoảng 30 năm trước, để thấy rõ hơn thực trạng hôm nay. Lúc bấy giờ, hàng loạt đơn vị nghệ thuật công lập phải giải thể. Nghệ sĩ loay hoay, vất vả tìm cách trụ lại với nghề. Quy luật khắc nghiệt phía sau ánh hào quang sân khấu khiến hàng loạt nghệ sĩ phải bỏ nghề, tìm con đường khác mưu sinh. Trong bối cảnh ấy, mô hình sân khấu tư nhân ra đời và TP Hồ Chí Minh là thị trường tiên phong. Nó đáp ứng nhu cầu làm nghề của một bộ phận nghệ sĩ và đòi hỏi tất yếu từ thị trường giải trí. Sân khấu, từ chỗ là một loại hình nghệ thuật đơn thuần, phải chuyển sang hoạt động như một loại hàng hóa đặc biệt, chấp nhận “thuận mua vừa bán” của quy luật cung-cầu. Nghệ sĩ, từ chỗ chỉ làm nghề đơn thuần, buộc phải tính toán để cạnh tranh trên thương trường nhằm thu về lợi nhuận. Khái niệm “ông bầu”, “bà bầu” xuất hiện như một lẽ đương nhiên. Đó là những nghệ sĩ vừa có năng lực chuyên môn, vừa có khả năng quản lý, tập hợp lực lượng. Họ đứng ra thuê mặt bằng xây dựng sân khấu, quy tụ nhân lực dựng vở, tổ chức biểu diễn. Mục tiêu cao nhất là bán được vé, là kéo được khán giả đến xem. Thị trường giải trí với loại hàng hóa đặc thù là sân khấu tại thành phố đông dân nhất cả nước xuất hiện nhiều “thương hiệu” có uy tín, như: Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh (5B), Sân khấu kịch IDECAF, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Thế giới trẻ, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu Hồng Hạc...

Từ hướng đi tiên phong và hoạt động hiệu quả của thị trường giải trí tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 1997, Nhà nước ban hành chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học-nghệ thuật. Cụm từ "sân khấu xã hội hóa" (SKXHH) được nhắc đến như một cách định danh của loại hình nghệ thuật đặc trưng và hấp dẫn đối với khán giả phương Nam. Giai đoạn đó là thời kỳ hoàng kim của SKXHH. Các nhà hát sáng đèn hằng đêm. Nhiều vở diễn “cháy” vé. Môi trường SKXHH đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều nghệ sĩ tài năng, thành danh, trong đó nhiều gương mặt vừa làm chuyên môn giỏi, vừa là nhà quản lý tài năng. Một trong những gương mặt nghệ sĩ thành công nhất của SKXHH ở TP Hồ Chí Minh là Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân, “bà bầu” của sân khấu kịch mang tên mình. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân chính là sự ghi nhận xứng đáng nhất đối với những đóng góp to lớn của chị cho nghệ thuật sân khấu...

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở hài kịch “Sướng quá xuân” của Sân khấu kịch 5B, ra mắt khán giả thời kỳ hậu Covid-19.  Ảnh: TRẦN NGUYÊN THẢO

Nhưng thời hoàng kim ấy không kéo dài được bao lâu. Cách vận hành kiểu “ăn đong”, dựng vở nào “xào” vở ấy, trong đó chủ yếu là hài kịch, khiến SKXHH dần cạn vốn, bão hòa thị hiếu, thị trường. Cơ sở vật chất lạc hậu, xuống cấp, nguồn nhân lực khan hiếm khiến SKXHH luôn chật vật tìm đất diễn. Do thiếu kịch bản hay nên tình trạng hài nhảm, dung tục, phản cảm... xuất hiện tràn lan trên nhiều sân khấu, gây bức xúc dư luận khán giả và truyền thông. Trong lúc các sân khấu đang loay hoay, vất vả tìm lối ra thì dịch Covid-19 ập đến. Thế là đã khó càng thêm khó. Lời tự sự đầy chua xót của Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc, một trong những gương mặt nổi tiếng của SKXHH, về việc anh phải bán đồ đạc trong nhà để kiếm cái ăn, phần nào phản ánh thực trạng của SKXHH trong cơn bĩ cực mang tên Covid-19. Một nghệ sĩ thành danh, cát-xê thuộc hàng cao nhất trong giới giải trí còn thế, huống hồ là mặt bằng chung của giới nghệ sĩ sân khấu. Không còn khả năng duy trì hoạt động, nhiều sân khấu phải trả hoặc sang nhượng mặt bằng, chấp nhận thua lỗ, đóng cửa.

Tháng 10-2021, TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương thích ứng từng phần, tiến tới chung sống an toàn với dịch Covid-19. Nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống kinh tế-xã hội mở cửa trở lại, trên đà phục hồi, nhưng cánh cửa sân khấu thì vẫn im ỉm khóa. Mãi đến đầu năm 2022 mới có cơ hội sáng đèn trở lại. Nhưng, như một cơ thể đã trải qua trọng bệnh, sức gượng dậy của SKXHH không hề dễ dàng một chút nào. Hình ảnh Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân gục đầu, nhắm mắt bên tập kịch bản kèm dòng trạng thái: “Mệt rồi... 22 năm là hơn hai thập niên cho một nơi chốn để được cháy bỏng với đam mê... nhưng đến lúc phải dừng lại để còn lưu giữ được những kỷ niệm đẹp...” đăng trên tài khoản Facebook của nghệ sĩ, đã lột tả sự bế tắc của SKXHH. Phần lớn các sân khấu hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng, biểu diễn theo mùa vụ.

Đại dịch Covid-19 như một phép thử khốc liệt đối với SKXHH. Nó cho thấy, thời kỳ “ăn đong” của sân khấu đã qua. Kiểu hoạt động đơn lẻ, mạnh ai nấy làm không còn phù hợp. Để phục hồi và phát triển, SKXHH cần một cuộc cách mạng, đổi mới toàn diện và triệt để. Và tất nhiên, trong cuộc đổi mới này, quy luật đào thải sẽ khắc nghiệt không kém giai đoạn những năm đầu thập niên 1990. Sẽ không có chuyện các sân khấu và giới nghệ sĩ dàn hàng ngang cùng tiến. Thị trường giải trí sẽ chấp nhận những mô hình tiến bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu, đồng thời thải loại cách làm lỗi thời, kém hiệu quả...

CEO sân khấu, tại sao không?

Tìm hướng đi cho SKXHH hiện nay đang là vấn đề nan giải. Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm bàn về vấn đề này, nhưng về cơ bản, nó vẫn chỉ mới dừng lại ở những giải pháp... trên giấy. Một số sân khấu đang duy trì suất diễn tương đối ổn định sau đại dịch Covid-19 như IDECAF, Hoàng Thái Thanh... hay những “ông bầu”, “bà bầu” mát tay như Kim Chi, Hồng Vân, Huỳnh Anh Tuấn... chủ yếu huy động nguồn lực cho vở diễn nhờ vào danh tiếng, uy tín cá nhân. Các giải pháp được giới chuyên môn hiện nay đề xuất, như: Nhà nước hỗ trợ giá vé, suất diễn cho các vở diễn, kêu gọi mạnh thường quân đồng hành để diễn lưu động... chỉ là những giải pháp tình thế nhằm “giải cứu” sân khấu sau khủng hoảng do dịch Covid-19. Với các nghệ sĩ, ít nhất đó cũng là cơ hội được đứng trên sân khấu, thỏa nỗi đam mê làm nghề. SKXHH đang rất thiếu một nền tảng, bệ đỡ vững chắc, nhất là về nguồn lực tài chính để đủ sức hoạt động đường dài. Muốn khắc phục, thay vì “ăn đong” vở diễn, SKXHH cần dựa vào quy luật thị trường để chuyển sang mô hình hoạt động như những doanh nghiệp nghệ thuật.

Một trong những người tiên phong đề xuất, khởi xướng mô hình doanh nghiệp cho SKXHH là đạo diễn Lê Quý Dương, gương mặt đạo diễn sân khấu lễ hội nổi bật của Việt Nam hiện nay. Theo đạo diễn tài năng và nổi tiếng này thì “Có tích mới dịch nên tuồng”. Nó cũng giống như “Có thực mới vực được đạo” vậy. Muốn xã hội hóa sân khấu thì bài toán đầu tiên phải giải quyết đó là tài chính. Đạo diễn Lê Quý Dương dẫn mô hình sân khấu ở một số nước tiên tiến, cho rằng, tài chính cho sân khấu phải được thực hiện dựa trên các nguồn thu chính, đó là: Tài trợ từ ngân sách dành cho văn hóa; tài trợ từ các đối tác doanh nghiệp, nhà hảo tâm; nguồn thu từ các dịch vụ và quảng cáo và cuối cùng mới là tiền bán vé từng vở diễn. Thực tế SKXHH của chúng ta hiện nay chỉ dựa chủ yếu vào tiền bán vé. Trong lúc các lĩnh vực khác như điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc... nguồn thu từ tài trợ của doanh nghiệp và dịch vụ quảng cáo khá hấp dẫn thì sân khấu gần như vẫn “án binh bất động” với nguồn lực này. Đó là biểu hiện của cách vận hành đã lỗi thời, không phù hợp với xã hội hiện đại. Muốn có được nguồn thu từ các nguồn lực xã hội thì tổ chức sân khấu cần có bộ khung nhân sự như một doanh nghiệp, trong đó tổng giám đốc, giám đốc nghệ thuật và giám đốc marketing... là những vị trí chủ chốt. Vai trò của CEO (tổng giám đốc điều hành) của sân khấu là một đòi hỏi tất yếu để tổ chức sân khấu xây dựng, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh. SKXHH của chúng ta đang rất cần những CEO như vậy.

Sản phẩm trực tiếp của sân khấu là các vở diễn. Cùng với hoạt động dàn dựng, diễn xuất của các nghệ sĩ, kế hoạch đặt hàng, chương trình tiếp thị, quảng bá, kêu gọi, thu hút tài trợ, giới thiệu sản phẩm... phải được thực hiện theo một chiến lược bài bản thì mới kích cầu thị trường hiệu quả. Đó cũng là tiền đề để các tổ chức sân khấu có chiến lược đầu tư cho những vở diễn chất lượng cao.

Có tích mới dịch nên tuồng! “Tích” ở đây không chỉ là kịch bản, đạo cụ, cơ sở vật chất theo quan niệm truyền thống, mà nó còn là tầm tư duy, chiến lược phát triển, cách vận hành bộ máy theo những mô thức, xu hướng hiện đại...

PHAN TÙNG SƠN