Trăn trở từ những rào cản

Nghệ thuật biểu diễn gồm khá nhiều ngành như: Ca, múa, nhạc, kịch, cải lương, xiếc... đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và là một bộ phận cốt lõi của CNVH. Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, nhìn vào thực trạng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Thủ đô, để thực hiện thành công CNVH trong lĩnh vực này rất khó “bởi còn nhiều đơn vị nghệ thuật lớn đang loay hoay với "thực đơn" biểu diễn đơn lẻ, sân khấu vắng khán giả, nghệ sĩ phải làm 2-3 việc một lúc kiếm sống, kịch bản hay thiếu, nguồn nhân lực của các nhà hát cũng rất đáng lo ngại...”.

"Dẫu các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, tuy nhiên, thực tế cho thấy các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chưa phát huy sức mạnh mềm xứng tầm với sự phát triển của đất nước do hoạt động nhỏ lẻ; sản phẩm đưa ra chưa hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật thương mại toàn cầu, chủ yếu tiêu thụ trong nước", NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh. Theo ông: Một số đơn vị đưa sản phẩm ra thế giới như múa rối và xiếc của Hà Nội, nhưng cũng chỉ mang tính giới thiệu, hiệu quả kinh tế đa số còn thấp. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật sân khấu chính thống, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút khán giả.

Từ việc phân chia các hướng hoạt động của lĩnh vực sân khấu, TS Trần Thị Minh Thu, Hội Sân khấu Hà Nội nhận định: "Công nghiệp sân khấu đang bước đầu phát triển ở Hà Nội. Tuy nhiên, mới chỉ xuất hiện ở doanh nghiệp, phạm vi nhỏ mà chưa có ở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập. Lĩnh vực sân khấu hoạt động yếu ớt, khủng hoảng thiếu khán giả, các vở diễn đa phần đi vào đề tài quá khứ, kịch bản cũ, dàn dựng thiếu đổi mới, sáng tạo, dẫn đến không bán được trên thị trường, doanh thu thấp".

leftcenterrightdel
 Poster giới thiệu vở "Thị Nở - Chí Phèo" của sân khấu Lệ Ngọc. 

Một số tác giả khác cũng chung nỗi niềm khi đề cập tới những rào cản trong việc phát triển CNVH của sân khấu Thủ đô. Theo họ, những sáng tạo dựa trên đội ngũ tác giả, đạo diễn ngày càng ít ỏi. Các nhà biên kịch cũng đã bước vào tuổi đời khá cao. Đội ngũ đạo diễn chưa thật sự có tên tuổi. Đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ trẻ tuy đông nhưng người tài giỏi về nghề, có thương hiệu chưa nhiều. Dẫu có nhiều liên hoan, hội diễn nhưng chưa có tác phẩm đỉnh cao. Các nhà quản lý đang lúng túng trong việc thực hiện đường lối CNVH, chưa theo kịp với xu hướng đổi mới nghệ thuật trong cơ chế thị trường hôm nay. Từ nguồn lực phát triển văn hóa, đâu đó còn dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô...

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có thể là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp để thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật sân khấu theo hướng công nghiệp; thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số bộ phận trong thành phần sáng tạo, sản xuất và phân phối, lưu thông sản phẩm nghệ thuật sân khấu. Ngoài ra còn do cơ sở vật chất nghèo nàn, các trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu của công chúng và sức sáng tạo của nghệ sĩ; thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng; thiếu vốn đầu tư...

Đổi mới để bắt nhịp thời cuộc

Từ thực tiễn hoạt động quản lý và biểu diễn sân khấu, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội nhấn mạnh: “Trước kia, chúng ta đơn thuần làm sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các vở diễn, các chương trình nghệ thuật; ngày nay, chúng ta cần thêm sự nhạy bén về thị hiếu thị trường, hiểu được tâm lý và nguyện vọng của khán giả. Từ đó xây dựng những chương trình nghệ thuật chất lượng cao nhưng sẽ phù hợp và thỏa mãn nhu cầu khán giả. Đó là cái khó và cũng là thử thách của những người làm nghệ thuật ngày nay”.

Trước thực trạng của sân khấu Thủ đô, tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du trăn trở: "Cần cổ phần và xã hội hóa để chấm dứt ăn đong, trông chờ vào dòng sữa ngân sách cấp phát để không làm lỡ chuyến tàu mang tên CNVH". Dẫn chứng từ sân khấu Lệ Ngọc-một sân khấu tư nhân rất thành công trong việc đổi mới để bắt nhịp thời cuộc, đạo diễn Hoàng Thanh Du cho biết: "Mỗi năm, họ đầu tư, dàn dựng từ 6 đến 7 vở bằng kinh phí cá nhân, nhưng vở diễn nào khi công diễn cũng thu hút đông đảo người xem. Không những thế, sân khấu Lệ Ngọc còn nỗ lực để đưa tác phẩm biểu diễn nước ngoài (điều mà sân khấu công lập không làm nổi, dẫu đơn vị nào cũng có một cơ sở ở những vị trí đắc địa)... Ngay trong những ngày đại dịch hoành hành, đơn vị sân khấu tư nhân này thường xuyên dựng đúp hai vở diễn. Và cũng trong những ngày dịch Covid-19 đáng sợ đó, vở diễn nào cũng kín chỗ ngồi trong rạp...".

Theo nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hiếu, để sân khấu Hà Nội được coi và làm như một sản phẩm CNVH thì điều cần đầu tiên và quan trọng nhất là tôn trọng chất văn hóa trong sân khấu. Ở đấy cần những con người có tâm huyết và am hiểu sân khấu để chỉ đạo, quản lý và làm sân khấu. Trong khi các loại hình nghệ thuật khác đã áp dụng nhiều phương tiện khoa học, kỹ thuật để tạo ra những tác phẩm phù hợp với thị hiếu, trình độ thì lẽ nào sân khấu không áp dụng. Điều nữa, CNVH phải khác về chất thủ công văn hóa. Chúng ta không thể bỏ qua những đặc trưng của các thể loại sân khấu để đưa vào một rọ như rất nhiều địa phương đã làm.

Một số ý kiến khác nhận định, yêu cầu phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa này đòi hỏi sân khấu Thủ đô cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu riêng của từng nhà hát. Đó cũng là niềm mơ ước của những người hoạt động sân khấu chuyên nghiệp chúng ta. Chẳng hạn như, trên cùng một địa bàn thì Nhà hát Múa rối Thăng Long khác gì với Nhà hát Múa rối Việt Nam? Nhà hát Chèo Hà Nội có gì phân biệt với Nhà hát Chèo Việt Nam? Nhà hát Kịch Hà Nội so với Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ có những gì khác biệt?... Sự khác nhau để làm nên thương hiệu không chỉ ở tên gọi hay những chương trình kịch mục mà chủ yếu là đề tài phản ánh của các chương trình kịch mục và phong cách biểu diễn của từng nhà hát.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở "Vang bóng một thời" tại sân khấu Lệ Ngọc - mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. 

Để đưa loại hình nghệ thuật sân khấu trở thành sản phẩm CNVH cần hội tụ và kết nối đầy đủ thành tố là vốn đầu tư, tài năng sáng tạo, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Điều đó có nghĩa là phải có nguồn kinh phí phù hợp để chi trả cho việc sáng tạo, sản xuất, phân phối, lưu thông sản phẩm nghệ thuật biểu diễn. Đội ngũ sáng tạo phải có tài năng, kinh nghiệm, danh tiếng để thu hút công chúng; phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp với nhau và với nhà sản xuất; sử dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hình thức phân phối, lưu thông và hấp dẫn công chúng; phải có kỹ năng kinh doanh để nắm bắt được nhu cầu của thị trường, am hiểu quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu cho tác phẩm, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả. Đó là sự kết hợp cần thiết để một tác phẩm nghệ thuật sân khấu được sản xuất và đem ra thị trường trở thành một sản phẩm của CNVH...

Có thể nói, sân khấu Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Để bắt nhịp với sự phát triển CNVH, sân khấu Thủ đô cần nỗ lực đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, phương thức hoạt động để trở thành ngành công nghiệp đem lại nguồn lợi nhuận cao, là nguồn lực thúc đẩy sự đi lên của Thủ đô.

Bài và ảnh: KHÁNH THƯ