“Tả Ao phong thủy nhất trên đời/ Họa phúc cầm cân định chẳng sai/ Mắt thánh trông xuyên ba thước đất/ Tay thần xoay chuyển bốn phương trời/ Chân đi long hổ luồn qua gót/ Miệng gọi thần linh ứng trả lời/ Ai muốn cầu chi cho được nấy/ Mấy ai địa lý được như ngài”...

Đây là bài thơ được người xưa truyền lại trong dân gian để ngợi ca tài năng, công đức của Tả Ao. Theo Phó giáo sư (PGS) Ninh Viết Giao: “Tả Ao suốt đời hành thiện cho muôn dân nên được nhân dân tôn kính, dân gian hóa, truyền thuyết hóa. Cuộc đời ông nhiều điều thực như hư, hư như thực đã thành huyền tích”. Trong muôn điều thực như hư, hư như thực đó, điều rõ ràng nhất là ông quê ở làng Tả Ao nằm bên hữu ngạn sông Lam (giáp với làng Uy Viễn quê hương Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ và gần làng Tiên Điền, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cái nghèo đeo bám quanh năm lại càng thêm khốn khó vì mẹ bị mù lòa, cha mất sớm. Làng Tả Ao xưa thuộc tổng Hoa Viên, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Vùng đất địa linh nhân kiệt này có tục bất thành văn: Chỉ ai là người đạo cao, đức trọng được nhân dân tôn quý mới được lấy tên làng đặt tên cho mình, và ông là một trong những người như vậy.

leftcenterrightdel

Chân dung minh họa thầy địa lý Tả Ao. Ảnh tư liệu

Tả Ao có nhiều danh tính khác nhau. Theo sách “Việt Nam phong tục" và sách “Nam Hải dị nhân" của Phan Kế Bính thì tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyền. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú thì ghi tên ngài là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chi. Còn trong sách “Nghi Xuân địa chí” của tú tài Lê Văn Diễn (người làng Tiên Bảo, gần làng Tả Ao) viết năm 1842 thì ghi tên ngài là Vũ Đức Huyền, hiệu Địa Tiên. Về năm sinh của ngài, các nhà nghiên cứu dự đoán vào khoảng năm Nhâm Tuất (1442), thời Lê Sơ, của các triều vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông và Lê Tông Mục (1442-1509), cũng có tài liệu cho rằng, Tả Ao tiên sinh sống vào đời vua Lê Hy Tông (1676-1705).

Các trước tác của ông cơ bản đã bị thất truyền nhưng các sứ giả thời Lê-Nguyễn chép tản mát một số truyện. Sách Địa lý phong thủy được cho là của Tả Ao truyền lại gồm: “Tả Ao chân truyền di thư”, “Tả Ao chân tuyển tập”, “Tả Ao chân truyền địa lý” (5 tập), “Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo trân tàng”, “Tả Ao tiên sinh địa lý”, “Tả Ao xã tiên sư thư truyền bí mật các lục”... Các tác phẩm này hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Ngoài ra, Tả Ao còn để lại tập “Địa đạo diễn ca” (120 câu văn vần), “Dã Đàm Tả Ao hay Tầm long gia truyền bảo đảm (văn xuôi), “Phong thủy Địa lý Tả Ao bảo ngọc thư”...

Các nghiên cứu xưa và nay đã công bố cũng như huyền tích về Tả Ao đều coi ông là Thánh địa lý Tả Ao, Thủy tổ khai môn Địa lý phong thủy Việt Nam. Tài nghệ về địa phong thủy của ông được sánh ngang hàng với Cao Biền, bậc thầy phong thủy hạng nhất Trung Hoa.

Trong dân gian còn lưu truyền nhiều huyền tích về công trạng của ông. Chuyện kể rằng một lần ông lên bến Phủ Thạch (nay là xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), gặp một thuyền buôn của người Trung Hoa bị nạn. Nhờ giỏi bơi lội nên ông đã cứu được họ, chủ thuyền buôn định tạ ơn ông trăm lạng bạc nhưng ông chối từ, chỉ ngỏ ý muốn theo thuyền buôn về Trung Hoa học nghề thuốc để chữa mù lòa cho mẹ. Chủ nhà buôn vui vẻ nhận lời và đưa ông sang gửi cho một lương y tài hoa là hậu duệ của Thánh y Hoa Đà để ông học nghề. Thầy thuốc người Trung Hoa thấy Tả Ao sáng dạ lại có hiếu nên hết lòng dạy bảo. Một lần làng bên có một thầy địa lý bị mù lòa nên lương y giao cho Tả Ao sang đó chẩn trị. Được Tả Ao cứu đôi mắt sáng lại, thấy Tả Ao thông minh hơn người nên thầy địa lý nghĩ bụng: Người này có thể truyền nghề được đây!

leftcenterrightdel
                                                 

 Bản đồ địa lý làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có hình giống con cá đang bơi. Ảnh tư liệu 

Tả Ao được thầy địa lý Trung Hoa nhận làm môn sinh và dày công dạy dỗ. Chỉ hơn một năm, Tả Ao đã tinh thông nghề phong thủy địa lý. Để thử tay nghề của học trò, thầy địa lý đổ cát ra thành hình sông núi và vùi 100 đồng tiền ở các huyệt đạo rồi bảo Tả Ao tìm thấy huyệt thì châm kim xuống. Tả Ao đã cắm được 99 kim đúng huyệt đạo (lỗ đồng tiền), chỉ sai một chính huyệt. Thầy địa lý ngẩng mặt lên trời than rằng: Nghề ta nay đã sang nước Nam mất rồi. Và ông đã cho Tả Ao cái tróc long và thần chú để hành nghề địa lý phong thủy...

Hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ là Thái Kim Đỉnh và Vũ Ngọc Khánh (người cùng quê với Tả Ao) đã dành nhiều thời gian để sưu tầm các truyền thuyết về Tả Ao và hành trình của ông đi tìm những vị trí đất lành, đất tốt đặt đình chùa, miếu mạo, mồ mả, nhà cửa giúp dân nghèo, trị kẻ ác. Các nhà nghiên cứu này cũng phát hiện được hơn 300 địa phương ở miền Trung và miền Bắc có miếu thờ Tả Ao. Tương truyền ở nhiều làng quê Việt Nam có một số phong tục đẹp, nghề phồn thịnh là do Tả Ao chọn hướng đình, một số dòng họ phát danh khoa bảng, phát công hầu khanh tướng là do Tả Ao tìm long mạch huyệt đạo.

Ở làng Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) hiện còn lưu truyền câu chuyện: Tả Ao giúp nhân dân nơi đây tìm đất tốt lập làng, đặt mộ phần của họ Đinh tại gò Tam Thái vượng về võ tướng. Quả nhiên, đến năm Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 4 (1544) đời Mạc Phúc Hải, người họ Đinh ở làng Nam Trì là Đinh Tú đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và được bổ nhiệm làm Hiến sát sứ Hải Dương được phong tước Phù Nam Bá. Hậu duệ của Đinh Tú là Đinh Văn Tá cũng là một danh tướng thời Lê-Trịnh. Nhớ công ơn của Tả Ao, dân làng đã tôn ông là Bản cảnh Thành hoàng và lập đền thờ ông cùng tam vị Thượng đẳng phúc thần của làng. Ở đây còn lưu giữ được đôi câu đối tương truyền là của Tả Ao về địa lý phong thủy làng Nam Trì: “Tây lộ khê lưu kim tại hậu/ Đông giang thủy tụ mộc cư điền” (nghĩa là: Phía Tây của đường làng có dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc hành kim. Phía Đông của làng có sông nước tụ, làng nhìn về hướng Đông Nam hành mộc).

Trải qua bao đời, người dân làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) còn lưu truyền huyền tích: Một lần tới Xuân Trường, ngài Tả Ao phải đi đò sang sông, nước cạn phải lội bùn một quãng mới lên được. Một người dân làng Hành Thiện đi trên đò đã cõng ông qua đò. Khi tới làng, dân chúng Hành Thiện khoản đãi ông nồng hậu. Trước tấm lòng mến khách, trượng nghĩa của người làng Hành Thiện, Tả Ao ngỏ ý xem xét thế đất cho họ. Sau khi xem xét. Tả Ao tới chỗ mỏm đất trước cửa đền Thành hoàng nói rằng: “Đất làng ta như con cá bơi ra biển nhưng thiếu con mắt nên cá chưa thể bơi lội, cần đào giếng làm mắt cá”. Dân làng nghe theo, đào giếng trước cửa đền. Tả Ao dặn dò dân làng cần phải giữ gìn giếng sạch sẽ, nước giếng này rất thiêng, làng ắt có người làm quan đầu triều, con cháu khoa danh đời này tiếp đời khác. Quả nhiên làng Hành Thiện ngày càng thịnh phát, nức tiếng học hành xưa nay là vùng đất khoa bảng, nhiều người đỗ tiến sĩ, còn thời nay thì có rất nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... Một số người là yếu nhân của đất nước cũng sinh ra từ đất này như cố Tổng Bí thư Trường Chinh... 

Hằng năm, người dân làng Hành Thiện vẫn thường tổ chức lễ tế để tưởng nhớ công ơn thầy địa lý Tả Ao, trong bài văn tế có đoạn viết: ''... Bình sinh bước chân ngài đi khắp thế gian/ Ngài đến đâu xóm làng mùa xuân về đến đó/ Con cháu đời đời vinh/ Tổ tiên đời đời thịnh"...

Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN