Rồng-biểu tượng của giá trị văn hóa

Người Việt, theo truyền thuyết, thuộc về “con Rồng, cháu Tiên” nên từ tâm thức dù không phải là bản năng nhưng gắn bó với con rồng-như một biểu tượng của nòi giống, như một phần của ý thức về đất nước, văn hóa dân tộc-đã dần hình thành trong lịch sử. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã chứng minh tục xăm mình hình rồng của cư dân miền biển mang ý nghĩa song đôi: Vừa là để ngụy trang trong quá trình mưu sinh, vừa là để nhắc nhớ về tổ tiên.

Chưa biết từ trong văn học dân gian, hình tượng rồng có từ bao giờ, nhưng trên trống đồng Đông Sơn-nghĩa là có trước rất lâu những tư liệu thành văn-người ta tìm thấy hình ảnh rồng mang ý nghĩa biểu tượng. Nói đến giá trị biểu tượng là nói đến giá trị văn hóa, đến một phương thức mang ý nghĩa tri nhận được hình thành từ rất lâu, được thừa nhận đến mức trở thành phổ biến. Về phương diện kiến trúc, những con rồng thời Lý được coi là hình ảnh rồng xuất hiện sớm nhất trong chính sử. Thời kỳ này, hình ảnh rồng gắn liền với biểu tượng quyền lực tối cao ngày càng được khẳng định hơn. Dần dần, quan niệm ấy cứ dày thêm và các triều đại sau: Trần, Lê, Nguyễn, biểu tượng về rồng vẫn ngày một gắn chặt hơn với ý nghĩa này. Những cụm từ xuất hiện sau đó như: “Long sàng”, “long bào”, “mặt rồng”, “mũi rồng",  "râu rồng”... không chỉ được dùng để nói những phương tiện sinh hoạt của vua mà còn mang ý nghĩa biểu tượng chỉ các bộ phận thuộc về thân thể nhà vua. Bởi trong ý thức cộng đồng, vua là người có chân mệnh ngồi ở vị trí ấy và mọi người dân đều phải biết sợ mệnh trời (úy thiên mệnh).

Lạ một điều, tại sao cả phương Đông và phương Tây người ta lại tưởng tượng ra một con vật không có thật để rồi gắn cho nó những giá trị mang ý nghĩa biểu tượng vào loại lâu bền nhất trong đời sống con người? Con rồng trong tâm thức người Việt rất gần gũi với đời sống. Truyền thuyết về tên gọi thành Thăng Long-rồng bay lên, gắn với vị vua đã nhìn thấy mảnh đất “ở giữa trời đất”, ở vào thế “rồng phục, hổ chầu” để mưu nghiệp đế vương muôn đời vẫn sống mãi như một biểu tượng đẹp trong tâm thức người Việt.

Ngoài thành Thăng Long, nhiều địa danh khác cũng gắn với biểu tượng rồng, nhưng không gắn với quyền lực mà gắn với ước vọng cao sang (một ngày tựa mạn thuyền rồng), cảnh đẹp, sự hùng vĩ, với đời sống như: Vịnh Hạ Long (nơi rồng xuống), đảo Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng), sông Hoàng Long (sông rồng vàng), Cửu Long giang (sông chín rồng)... đặc biệt, hình ảnh những con rồng đá trước thềm điện Kính Thiên (thềm Rồng) ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), trong cung đình Huế... và nhiều di tích lịch sử khác. Rồi rồng trong tranh, điêu khắc, trong các điệu múa, trò chơi dân gian... cũng thể hiện mơ ước như vậy. Tôi nhớ trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, hàng loạt hình ảnh rồng gỗ, rồng gốm, rồng bằng đồng, rồng kết bằng hoa, cây trái như những con giống... không còn xa lạ với con người. Ở những trường hợp này, rồng không còn là biểu tượng của quyền lực mà nó gắn với vẻ đẹp, sự gần gũi, thân thiện. Thậm chí như cầu Rồng ở Đà Nẵng sừng sững vươn qua sông Hàn, phun lửa đỏ cũng không làm cho người ta thấy sợ mà lại như biểu tượng cho sự lớn mạnh, phát triển.

leftcenterrightdel
 Liên hoan nghệ thuật múa rồng quảng bá nét đẹp văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Ảnh: VŨ TOÀN 

Ước mơ đoàn kết, hòa bình, hạnh phúc

Nếu như trong tâm thức người Việt, rồng được xem là một biểu tượng của giá trị thì trong văn học, quan niệm về rồng lại diễn ra theo một cách khác. Hình tượng Lạc Long Quân là hình tượng rồng cổ nhất gắn liền với truyền thống về nòi giống và tinh thần cố kết cộng đồng. Trong hàng loạt truyền thuyết, hình ảnh người con của rồng (còn gọi là giao long) vừa mang tính thần bí, vừa nói đến sự khác thường và sức mạnh vô địch của một cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng. Rất nhiều chuyện kể bà mẹ ra sông tắm bị giao long quấn vào chân, nằm mơ thấy rồng... rồi thụ thai sinh ra người anh hùng chống giặc ("Sự tích Trâu Á-Trâu Thành thời Hùng Vương đánh Thục", "Sự tích Trương Hống, Trương Hát", "Hai anh em thủy thần", "Sự tích thần Linh Lang", "Đoàn Thượng triều Lý", "Quế nương và Dung nương"...). Dường như những sự tích lạ lùng này có mối liên hệ với ước vọng nhân thêm sức mạnh nhờ sự phù trợ của tổ tiên trong quá trình dựng nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đến thời Quang Trung, truyện "Hai con rồng núi Thơm" cũng nằm trong mạch cảm hứng này. Nói không quá thì những truyền thuyết, chuyện kể có mô típ cha rồng, mẹ người đậm đặc trong kho tàng truyện dân gian người Việt (xem "Tổng tập văn học dân gian người Việt" (4 tập), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H.2004).

"Sự tích Đầm Mực" đã được dựng thành phim "Học trò thủy thần" tô đậm thêm nghĩa khí của những con người dám bất chấp cả lệnh trời, xả thân cứu dân. Câu chuyện dân gian gần gũi với người đọc bởi mạch cảm hứng chuyện một phần, một phần nó gần gũi với tâm thức dân tộc. Đức độ của thầy Chu Văn An đã làm các thủy thần cảm động và khi thầy dạy nhờ thủy thần-học trò, làm mưa cứu dân, trò biết phạm vào lệnh cấm của trời sẽ khó bảo toàn sinh mạng. Nhưng, lời thầy là trọng, cứu dân là điều khẩn cấp, thủy thần đã chấp nhận lấy cái chết để cứu dân và trả nghĩa thầy... Hình ảnh xác hai con giao long cụt đầu chết nổi lên ở đầm sau trận mưa và thầy Chu Văn An cùng học trò, dân làng đã tổ chức tang lễ vô cùng trọng thể cho thủy thần, lập đền thờ bốn mùa cúng tế thể hiện nét đẹp trong tâm thức dân tộc: Nghĩa tình, sau trước, đề cao những tấm gương xả thân vì cộng đồng.

Khác với những truyền thuyết ở thời tiền sử, những truyền thuyết hoặc truyện cổ tích ra đời sau này đã gần cuộc đời hơn bởi một phần do xã hội phát triển, những vấn đề của đời sống đã “ngấm” vào truyền thuyết ở góc nhìn nhân sinh đậm nét hơn. Nếu nhìn kỹ hơn vào các lớp văn hóa bao phủ quanh cái lõi truyền thuyết hay cổ tích có thể thấy nhiều vấn đề xã hội của thời đại. Ví như truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ-cội nguồn của dân tộc hay sự tích Hồ Gươm nói về việc nhà vua trả gươm cho thần Kim Quy (Rùa Vàng)-thể hiện ước vọng được sống hòa bình của dân tộc, đều có thể thấy, trong những điều tưởng tượng xa xôi nhất cũng có cái lõi của sự thật, chứa đựng những vấn đề của một thời.

Thời Hùng Vương cũng như sau này, để bảo vệ lãnh thổ, cha ông ta phải tìm mọi phương cách nhân lên sức mạnh cộng đồng chống xâm lược và bảo vệ đời sống cộng đồng. Khi lực lượng mỏng thì ngoài sự cố gắng tối đa, phải có sự liên kết giữa các vùng miền, các lực lượng. Vậy thì không có gì quan trọng hơn sự cố kết của những người anh em, cùng một cội nguồn. Cho đến bây giờ, để phát triển đất nước, việc tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi người cùng chung tay xây dựng một đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc cũng rất cần khơi dậy truyền thống ấy.

Khát vọng đất nước hóa rồng

Ở phương Tây, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã nói về khái niệm “hóa rồng” của một số nền kinh tế châu Á. Đây không phải là một cách nói chỉ mang ý nghĩa tu từ. Sự phát triển thần kỳ của một số nền kinh tế trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... đã gợi cảm hứng cho những người vốn chỉ nhìn nhận sự phát triển của xã hội từ các số liệu cụ thể, nghiêm ngặt, không có chỗ cho những tưởng tượng văn chương. Mấy năm nay, có người đã nhắc đến Việt Nam cũng sẽ hóa rồng trong thời gian tới. Đây không phải là sự lãng mạn thuần túy mà có căn cứ bởi những chỉ số phát triển ổn định của đất nước trong thời gian qua, khi chúng ta vượt qua những thử thách và ngày càng hòa nhập sâu hơn vào sự phát triển chung của nhân loại một cách ngoạn mục.

Đất nước hóa rồng ngày nay không phải giống như truyền thuyết, không phải bằng sự tưởng tượng của văn học mà là sự phát triển đồng bộ, bền vững, cả ở phát triển kinh tế-xã hội và con người. Tâm thức ấy đang trở thành khát vọng cháy bỏng của những người con đất Việt. Trong cuộc vượt vũ môn này, để trở thành rồng thì lại càng cần khơi dậy trong tâm thức mỗi người khát vọng của thời đại, lấy điểm tựa tinh thần từ văn hóa truyền thống luôn biết mình, biết người, biết nhân lên sức mạnh cộng đồng từ sự đoàn kết, đồng lòng làm bệ phóng để tiến về phía trước. Thời thế đã khác, nếu lạc nhịp, chậm bước, chúng ta sẽ bị rớt lại phía sau, nên càng cần thiết phát triển với tốc độ của rồng bay để đất nước hóa rồng.

 PGS, TS PHẠM QUANG LONG