leftcenterrightdel
Lễ hội Quan Lão tại xã Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), năm 2016. 

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước kia, Lễ hội Quan Lão thường kéo dài từ đầu năm mới đến rằm tháng Giêng. Trong thời gian này, những người có tuổi cao (từ 60 tuổi trở lên), không kể giàu nghèo, địa vị trong xã hội đều được tôn vinh là quan trong làng (quan lão). Trước khi làng mở hội, các thôn giáp tổ chức tế thánh-tế thần... Vào các ngày từ mồng 2 đến mồng 5 Tết, tổ chức mừng thọ (ngày quan lão). Đến ngày mồng 6 Tết, các thôn tổ chức rước ra ngôi miếu của làng để hợp tế. Lễ hội Quan Lão được tổ chức trọng thể tại ngôi miếu làng với các nghi thức lễ thành hoàng làng, múa hát mừng các quan lão. Người nhiều tuổi nhất làng được gọi là tiên chỉ, được kiệu rước quanh làng, được trọng thưởng từ quỹ chung của làng. Con cháu các quan lão đều phải có mặt tại miếu và đóng góp tùy tâm.

Mấy chục năm gần đây, Lễ hội Quan Lão được tổ chức gọn nhẹ hơn, chỉ gói gọn trong ngày mồng 4 Tết. Ngày này, tất cả những người từ 90 tuổi trở lên và những người chẵn 80, 70, 60 tuổi được các thôn (làng) trong xã mời đến nhà văn hóa, sau đó, các đoàn của từng thôn rước về hội trường của xã để tổ chức mít tinh và ra miếu tổ chức tế lễ. Đi đầu là kiệu rước tượng Bác Hồ, sau là xe đẩy người cao tuổi nhất của thôn (làng), tiếp đó là những người cao tuổi và con cháu của họ.

leftcenterrightdel
Các cháu chắt chúc mừng hai quan lão 90 tuổi ở Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dịp Xuân Nhâm Dần 2022.  

Năm Nhâm Dần này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Lễ hội Quan Lão ở Cổ Am chỉ tổ chức ở từng gia đình vào ngày mồng 4 Tết. Thay vì kiệu rước các quan lão ra miếu, lãnh đạo xã tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi, tổ chức tế lễ chung tại miếu. Các gia đình có quan lão cũng chỉ tổ chức liên hoan gọn nhẹ với sự tham dự của các con cháu trong nhà.

Bài và ảnh: LÊ THỊ THÚY