Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng trưởng 7,5% so với thời điểm năm 2023; hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%; thu ngân sách nhà nước tăng 20,5%; doanh thu du lịch tăng 48%... Những kết quả này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là những đột phá chiến lược được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Ninh triển khai quyết liệt.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Bắc Ninh có diện tích 822,7km2. Tuy diện tích không lớn nhưng Bắc Ninh lại có thuận lợi về địa lý: Giáp Thủ đô Hà Nội, nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và gần sân bay quốc tế Nội Bài. Tận dụng lợi thế đó, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp đột phá, xuyên suốt trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Một trong những giải pháp đáng chú ý mà tỉnh Bắc Ninh thực hiện được trong nhiều năm qua là quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư nội địa, tạo động lực cho phát triển KT-XH.
Tỉnh Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”. Trong đó, “2 ít” là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhân công; “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao; về “4 sẵn sàng”, đó là sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, để biến chủ trương thành hiện thực, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh luôn cam kết tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương châm “Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và khó khăn, thất bại của doanh nghiệp cũng là khó khăn, thất bại trong công tác điều hành của tỉnh”.
Với những chủ trương đúng đắn đó, tỉnh Bắc Ninh đã thu được kết quả đáng mừng. Tính đến nay, Bắc Ninh đã thành lập 31 cụm công nghiệp và 16 khu công nghiệp, chiếm 11% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Trong đó có 21 cụm công nghiệp và 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. 9 tháng năm 2024, thu ngân sách nhà nước của tỉnh khoảng 24.300 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thu nội địa 17.812 tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán, tăng 18,3%.
Cuối tháng 9-2024, Bắc Ninh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, thu hút được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. Với thông điệp "Kết nối niềm tin, cùng doanh nhân tiến bước", tỉnh Bắc Ninh cam kết mạnh mẽ cải cách, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã lắng nghe, giải quyết khó khăn qua mọi kênh, đồng hành với nhà đầu tư. Thêm nữa, hiện tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn, đặc biệt là về đào tạo nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành.
Phát triển khoa học và công nghệ
Một trong những giải pháp của tỉnh Bắc Ninh trong phát triển KT-XH là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ (KHCN), coi KHCN là mũi nhọn, tiên phong mở đường và trở thành động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH. Qua các giai đoạn, thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nội dung ứng dụng tiến bộ KHCN; đổi mới sáng tạo, bứt phá trong tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm địa phương và làng nghề... góp phần quan trọng phát triển KT-XH tỉnh Bắc Ninh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 237 nhiệm vụ KHCN. Nhiều sáng kiến kỹ thuật tiến bộ được áp dụng vào sản xuất và đời sống góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bền vững; đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, từng bước xử lý ô nhiễm môi trường; các giải pháp công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được tăng cường mở rộng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hóa các cơ quan hành chính nhà nước tới các địa phương, cơ sở.
Hoạt động quản lý nhà nước về KHCN hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm, giảm tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hóa quan hệ thị trường. Đã thẩm định, cấp 68 giấy phép trong các lĩnh vực đăng ký hoạt động KHCN, hợp đồng chuyển giao công nghệ, vận chuyển hàng nguy hiểm, chứng nhận doanh nghiệp KHCN; hỗ trợ, tư vấn 1.610 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 898 bằng bảo hộ; tư vấn, hướng dẫn 161 hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy và công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; hướng dẫn 66 doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm hàng hóa; kiểm định, hiệu chuẩn 27.020 phương tiện đo các loại, kiểm nghiệm, phân tích 1.629 mẫu sản phẩm các loại; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về KHCN tại 820 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 50 cơ sở sai phạm; tạm ngừng lưu thông 15 đơn vị kinh doanh hàng hóa không ghi đầy đủ nhãn mác theo quy định...
|
|
Trung tâm thành phố Bắc Ninh. Ảnh: BÍCH HỒNG
|
Trong năm 2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 415/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn Bắc Ninh... Việc quan tâm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo đã góp phần làm tăng năng suất lao động chung toàn tỉnh. Nếu như năm 1997, năng suất lao động chung toàn tỉnh đạt 4 triệu đồng/lao động thì năm 2023 đã tăng gấp 71 lần, lên 285,4 triệu đồng/lao động. Cũng trong năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 6 cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; toàn tỉnh có 28 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Mới đây, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách này. Thực hiện nghị quyết này, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện cho việc đào tạo và thu hút nhân tài cho ngành công nghiệp bán dẫn, một ngành công nghiệp mũi nhọn đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng thực hành tốt.
Tỉnh Bắc Ninh cam kết hỗ trợ từ 80 triệu đồng đến 220 triệu đồng dành cho các giáo viên có trình độ sau đại học được tuyển dụng hoặc tiếp nhận giảng dạy các chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn. Ngoài ra, các giáo viên từ ngoài tỉnh còn được hỗ trợ thêm kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng để họ có nơi “an cư”, yên tâm công tác và làm việc; tỉnh cũng hỗ trợ 100% học phí và chi phí tài liệu học tập cho giáo viên tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghiệp bán dẫn.
Đối với học sinh, sinh viên trúng tuyển vào các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn sẽ được hỗ trợ học phí với mức hỗ trợ tăng dần theo từng năm học và cấp bậc đào tạo. Sinh viên đại học có thể nhận được từ 1,64 triệu đồng/tháng trong năm học 2024-2025 đến 2,57 triệu đồng/tháng trong năm học 2029-2030. Đối với học sinh, người lao động học trung cấp, cao đẳng, mức hỗ trợ dao động từ 1,99 triệu đồng/tháng đến 2,94 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động cũng được hỗ trợ kinh phí, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình đào tạo nhân lực; mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng. Học sinh, sinh viên theo học các ngành nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn cũng được hưởng lợi từ nghị quyết này.
Với những chính sách ưu đãi hấp dẫn kể trên, tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng Nghị quyết 05 sẽ như một "thỏi nam châm" hút nhân tài, hút nhà đầu tư; tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh. Những kết quả từ Nghị quyết 05 giúp tỉnh Bắc Ninh có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó thu hút thêm đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời, nghị quyết còn khẳng định vị thế và nâng tầm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào sự thịnh vượng chung của khu vực.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã đặt ra các mục tiêu để đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,3-9,5%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm còn 8,5%, lao động trong công nghiệp xây dựng tăng 1,8%, dịch vụ tăng 6%. Tỉnh kỳ vọng năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 221,08 triệu đồng/người và đạt 346,6 triệu đồng/người vào năm 2030. Năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 38.000 tỷ đồng, năm 2030 đạt 46.233 tỷ đồng và kinh tế số chiếm khoảng 35% trong GRDP.
Đây là những mục tiêu cao, nhưng với sự nỗ lực và đoàn kết cùng tinh thần sáng tạo, tin rằng với hai khâu đột phá chiến lược cùng các giải pháp cơ bản, tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
LÊ XUÂN LỢI, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh