Mở đầu bài thơ trong tập là “Tìm”. Vì đi “Tìm” nên nhà thơ là người duy nhất, với riêng mình, một mình mình, đơn độc, cô đơn trên con đường không đoán định. Sự đơn độc, cô đơn này xuất hiện không chỉ như một trạng thái cảm xúc nội tâm mà còn là sự thôi thúc tìm kiếm, khám phá, một phẩm chất quan trọng mà nhà thơ cần có để tạo ra cái mới.
Nếu cuộc đời chỉ là: “Em mang về mỗi ngày một nỗi buồn/ Như cái cây mọc lên trên tháng năm cằn cỗi” thì mọi thứ đã được định đoạt: Cuộc sống trở nên ngột ngạt, chuyện đi “Tìm” vô nghĩa, không ích gì.
Nhưng nếu “Tìm” là một con đường mà nhà thơ lựa chọn cho sự sáng tạo của mình thì đây lại là một giá trị của lòng dũng cảm, sẵn sàng từ bỏ thói quen nhàm chán để thay đổi, chống lại sự đơn điệu, nhạt nhẽo. Từ đây, nhà thơ triển khai xây dựng thế giới nghệ thuật của mình theo các nguyên tắc và tư tưởng riêng, trong một không gian riêng, thời gian riêng, không chịu sự ràng buộc vào thế giới của thực tại.
Thế giới này được tự do, nguyên khởi, ngẫu hứng cho phép mở ra nhiều chiều kích sáng tạo. Đó chính là thế giới vừa có thực, vừa có ảo của: “Em đã mơ những chiều thiên di/ Nắng vàng chảy quanh/ Sông về thở khẽ/ Tiếng trẻ thơ nô đùa như sương mai/ Như tình yêu buổi hai ta bắt đầu”. Cuộc sống không phải cứ tìm là thấy. Nếu bạn buông xuôi, bạn sẽ là người thua cuộc. Nhưng nếu bạn thực sự khao khát, thực sự đắm say thì bạn phải lên đường, phải đi tìm. Đôi khi ánh sáng hiện ra ở nơi đêm tối, nơi chưa có con đường.
|
|
Tác giả Bình Nguyên Trang. Ảnh: THÀNH DUY
|
Trong bài thơ “Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống”, Bình Nguyên Trang thả mình phiêu du nơi nghìn trùng vạn kiếp, trôi tới tận cõi cao xanh, tắm mình chốn thẳm sâu không bờ bến để “tìm”. Trong hành trình đi “tìm” này, nhà thơ ao ước: “Có những lúc muốn làm con cá nhỏ/ Thả mình trên ngọn sóng luân hồi/ Biển đừng cạn và anh đừng vắng mặt”.
Khổ thơ trên ngoài những hình ảnh cụ thể con cá nhỏ, ngọn sóng luân hồi, ngoài biển cả ra còn mang một thông điệp khác, khát vọng về một tình yêu chân thành và chung thủy cùng lời nhắc về sự phản bội có thể xảy ra trong tương lai. “Đừng để em nhìn thấu trái tim người”-câu thơ như một lời cảnh báo hoặc anh là người tình tuyệt vời và mãi mãi hoặc anh là kẻ tầm thường, bội bạc.
Trong thời đại kỹ thuật số, cô đơn là một món hàng đã lỗi thời, vì nó không mang lại những giá trị thiết thực cho con người hiện đại. Nhưng với những ai muốn tìm kiếm thực sự để hiểu biết, sáng tạo và trí thức thì sự cô đơn là nguồn cảm hứng vô tận. Mọi sáng tạo độc đáo, mới mẻ đều nảy sinh từ cô đơn. Khi ở trạng thái cô đơn, bạn có thể cảm nhận được từng chi tiết nhỏ nhất của một hơi ấm nồng nàn, vẻ đẹp mong manh của đám mây, làn gió nhẹ lướt qua những giọt sương long lanh buổi sáng.
Đó chính là vẻ đẹp thực sự mang một ý nghĩa sâu sắc của tự do và sự tĩnh lặng; từ đó nảy sinh những giá trị mới, quan hệ mới, tình cảm mới: “Xin anh đấy ngày mai dù hoại diệt/ Đủ thẳm sâu cho em một cõi về/ Đủ thứ tha qua dằng dặc bến mê/ Cho em hát một bình minh trước biển”. Lời cầu xin nhiều ẩn chứa chỉ có ở tình yêu và chỉ có tình yêu là duy nhất tự đặt ra và tự trả lời. “Xin anh” và đích đến của xin là “cho em một cõi về”, “cho em hát một bình minh trước biển”. Đây cũng chính là nơi thơ cần cư ngụ để cất lên tiếng hát của chính mình.
Bình Nguyên Trang hay tự sự, một kiểu tự sự mang tính trực cảm: “Chừng như tôi buồn quá/ Lẩn thẩn với mây trời/ Gió héo vàng mặt lá/ Xao xác tình thu trôi”, “Chừng như tôi còn đợi/ Góc phố đầm mưa rơi” một sự chờ đợi mơ hồ, đơn phương. Tác giả tự răn mình: “Nguyện với lòng đốt hết những tái tê/ Mặc cho gió thổi về đâu không nhớ/ Như tình cờ đến tình cờ đi, chào nhé/ Những mùa hè thắm đỏ giấc mơ xưa”.
Đây là một quan niệm. Điều này cũng có nghĩa sống là phải biết từ bỏ và chấp nhận. Khi anh dám từ bỏ cũng đồng nghĩa anh đã vượt qua được cám dỗ. Muốn quên đi một điều bất hạnh không gì tốt hơn là lờ đi để nó dần chìm vào quên lãng. Từ bỏ cũng có nghĩa bạn là người có khả năng tự kiểm soát, tự định đoạt cuộc đời mình, dám chấp nhận những mất mát, tổn thương để tạo ra những giá trị mới, để mãi lưu giữ vẻ đẹp ký ức “Những mùa hè thắm đỏ giấc mơ xưa”.
Thơ hướng tới cái đẹp, cái cao cả để hoàn thiện con người, mở ra giao kết giữa con người với nhau. Bình Nguyên Trang là người như thế: Khao khát sống, khao khát yêu, trong sáng, lành mạnh. Khi yêu, yêu đến tận cùng, chân thành, vị tha rồi cô đơn, day dứt nhưng không gục ngã, luôn có ý thức hướng tới những điều đẹp đẽ: “Anh là trăng xưa ấy/ Soi em những đêm rằm”. Thế giới của “Đêm hoa vàng” là thế giới của nội tại, mọi thứ hiện lên như chính nó.
|
|
Bìa tập thơ "Đêm hoa vàng". |
Tác giả đã sống một cuộc sống có ý thức, có trách nhiệm, kỹ lưỡng với mọi thứ xung quanh. Thấu cảm sâu sắc nỗi đau đớn của con người, bầm dập, vật vã với nó. Một đời sống rung lên tận đáy tâm hồn trước những dằn vặt, âu lo cùng hy vọng khát khao. Đó chính là hơi thở, là sức sống làm bật lên những câu thơ, bài thơ khắc sâu vào tâm trí người đọc, bám riết lấy họ, buộc họ phải suy nghĩ chất vấn lương tâm và mỹ cảm: “Phật là mẹ trong nhà vậy đó/ Người một đời toan lo cực khổ vì con/ Người một nắng hai sương lặn lội/ Tóc bạc da mồi khổ đau trăm mối...”.
Mỗi bài thơ trong “Đêm hoa vàng” như một nỗi niềm vừa day dứt vừa hân hoan; như những giọt nước mắt, tiếng thở dài. Nó cũng là một câu hỏi đặt ra trước cuộc đời về thân phận con người hoặc câu trả lời cho những câu hỏi đó: “Như sự sống này vẫn mãi tinh khôi/ Phủ đầy thế gian không cần được gọi tên/ Như bình minh ngập tràn thương mến/ Như dáng ai ngồi lặng thinh, như màu thu đến/ Trên áo vàng phai muôn vạn kiếp người”.
Là khi nhà thơ phát huy sự tinh nhạy, khả năng tưởng tượng và một trái tim mẫn cảm của mình: “Đàn kiến nhỏ truyền tin gì rất khẽ/ Vài nhánh hoa thiền dưới đám lá chơi vơi”, “Cây nằm mộng một đời tôi tỉnh giấc/ Mùa thu kia đã ở dưới chân đồi”. Nhiều chi tiết, nhiều hình ảnh được ghi lại làm sống dậy trong độc giả những cảm xúc và trải nghiệm: “Ngày xưa đã xa rồi/ Ngày sau khi nào tới/ Tôi hay gió vô hình/ Xôn xao chiều tóc rối”.
Bằng đam mê và tâm huyết của mình, Bình Nguyên Trang đã đưa ra và lý giải những chiều sâu, những uẩn khúc thầm kín mà đẹp đẽ của tâm hồn con người trước những gấp khúc quanh co của số phận: “Ký ức là tiếng gọi một miền/ Thỉnh thoảng rơi vào tôi vài mẩu vụn/ Vài chữ cái cho tôi ngồi đoán chữ/ Xếp lại những ân tình/ Xếp lại những buồn đau/ Xếp lại tôi ngày đã qua, xếp lại”. Một bài thơ sẽ không mang lại giá trị gì khi nó không để lại trong lòng độc giả những ám ảnh, day dứt, bâng khuâng cho dù nó có được giả kim bởi một cách viết xảo diệu, tinh vi đến đâu. Văn chương chỉ tồn tại khi nó đặt ra và trả lời cho những câu hỏi về cuộc đời.
Bình Nguyên Trang có hàng loạt câu hỏi như thế. Khi thì tự chất vấn: “Tôi là ai trong quá khứ đã qua/ Chắc chắn một tôi đã chết/ Nhưng nhói đau ngày xưa sao còn hằn vết/ Như chuyến xe ngày tháng quay về”. Còn lúc cay đắng thì: “Lòng ta chết dần theo cánh vàng rơi/ Sao người điềm nhiên trên mặt bàn đợi cơn gió tới”, “Mênh mông quá kiếp nào còn gặp lại/ Mình từng như cỏ hoa ngày tháng rộn ràng”. Có lúc nhà thơ tự giễu mình, giễu đời: “Chúng ta viết kịch bản/ Cho vở diễn lãng xẹt/ Từ những cơn điên tâm trí/ Rồi tự mình là diễn viên trình diễn”.
Cuộc đời là vậy, đôi khi cũng chỉ là cuộc rong chơi nơi trần thế nên đừng quá đau buồn, tuyệt vọng: “Thấm tháp gì một cuộc vui chơi/ Ta diễn người xem người xem ta diễn/ Bao nhân vật chết dần trong chật chội/ Trong áo khăn bi hài kịch cuộc đời”. Qua khổ thơ trên, chân dung con người hiện ra như một mảnh trò, một vở bi hài kịch. Nhưng có lẽ đó chỉ là khoảnh khắc cô đơn, hẫng hụt nhất thời. Và đây, đây mới là sự thật, mới là thềm đá lớn, rộng mở giúp cho bước chân nhà thơ vững chắc trong hành trình trở về với bản thể: “Đừng ôm lấy quá khứ/ Để nó có cơ hội ra đi/ Như sông kia mỗi buổi nước lại về/ Như đời sống mỗi ban mai tiếng chim trên vòm lá trước hiên nhà là một bản tình ca/ Chưa bao giờ cũ”. Đó là vẻ đẹp của niềm tin vào những giá trị có thật trong cuộc đời, vẻ đẹp của sự sống!
Nhà thơ TRẦN ANH THÁI