Hát phường vải là một thể loại dân ca trong đời sống lao động sản xuất của phường quay xa, dệt vải. Nói chính xác hơn là của chị em phụ nữ các làng quê xứ Nghệ xưa kéo sợi. Công việc của phường vải có nhiều công đoạn: Cung cán bông, xe con cúi, kéo sợi, đạp vải, dệt vải nhưng chỉ có công đoạn quay xa, kéo sợi chị em mới có thể vừa làm vừa hát được bởi đây là công đoạn nhẹ nhàng, không hao tổn sức lực, không cần tập trung cao độ. Hơn nữa, công cụ để kéo sợi là chiếc xa làm bằng tre, mây và một vài thanh gỗ mỏng, nhẹ nhàng, dễ cơ động. Trăng thanh, gió mát, ới nhau một tiếng chị em có thể mang theo dụng cụ tụ hội sân đình hay sân nhà ai rộng rãi để vừa làm vừa hát.

Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa, PGS Ninh Viết Giao và Thái Kim Đỉnh, hát phường vải xứ Nghệ ban đầu mang tính tự sự, nghĩa là chị em hát cho nhau nghe. Về sau, do có bạn trai từ nơi khác đến từ ngoài cổng hát vào nên xuất hiện quan hệ hô ứng, đối đáp, bắt chữ, bẻ nghĩa, giao duyên. Từ đó, hát phường vải trở thành bản tình ca trong lao động có bên nam, bên nữ của tuổi trẻ xứ Nghệ xưa. Hát phường vải giúp cho trai thanh, gái lịch xứ Nghệ vượt ra khỏi giới hạn của chế độ phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà tự mình chọn bạn trăm năm. Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh cho rằng: Hát phường vải là cổ tích lứa đôi xưa! Mỗi câu hát đều chan chứa trong đó bao câu chuyện tình cảm động, nhân văn..

leftcenterrightdel

Tái hiện cảnh hát phường vải ở Nghệ An. Ảnh: NGỌC HÀ

Hát phường vải có sự tham gia của các tao nhân mặc khách, nho sinh, danh sĩ. Truyền ngôn và nhiều văn bản ghi lại rằng, các danh nhân, danh sĩ như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ... đều là những người mê hát phường vải, tham gia nhiệt thành.

Có sự tham gia của các bậc tài danh nên ca từ, âm nhạc trong hát phường vải có tính bác học cao. Câu chữ được chọn lọc tinh tế, hình ảnh gợi mở, sử dụng nhiều điển tích, nhiều biện pháp tu từ, niêm luật chặt chẽ, ý tứ sâu sắc, vừa thể hiện tình cảm vừa thể hiện trí tuệ uyên bác. Mỗi cuộc hát đều có quy luật chặt chẽ, rõ ràng. Các nho sĩ thường đứng sau các cô, các chị để mách bảo câu hát, soạn lời. Vì thế, trong dân gian gọi họ là “thầy gà”.

leftcenterrightdel

Biểu diễn cảnh hát phường vải ở Nghệ An. Ảnh: NGỌC HÀ

Một cuộc hát phường vải thường có 3 chặng: Chặng thứ nhất là “hát dạo”, “hát chào”, “hát hỏi”. Chặng thứ hai là “hát đố”, “hát đối”. Chặng thứ ba là “hát xe kết”, “hát mừng”, “hát tiễn”. Với không gian diễn xướng rộng rãi, lực lượng người hát đông, có các nho sinh, danh sĩ tiếp sức nên hát phường vải có số lượng lời ca thật đồ sộ. Các học giả Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh... đã ghi chép lại được hàng chục vạn câu. Nhưng chính các học giả đó cũng thừa nhận còn rất nhiều, rất nhiều câu hát nữa đã, đang lưu truyền trong dân gian mà những nhà nghiên cứu chưa sưu tầm được hết!

Về âm nhạc, hát phường vải có giai điệu dịu dàng, thanh âm trầm lắng thiết tha, nhắn gửi nhiều nỗi niềm riêng tư kín đáo, không cao vút mênh mang như ví đò đưa, không gập ghềnh mạnh mẽ như ví trèo non. Tiết tấu âm nhạc của hát phường vải thoát được sự gò bó, không phụ thuộc vào khuôn nhịp, từng không gian diễn xướng, tùy lời ca mà được mở rộng. Mỗi địa bàn tiết tấu có khác nhau chút ít. Hát phường vải Nam Đàn có nhịp trầm chậm rãi, hát phường vải Can Lộc, Thạch Hà có phần cởi mở, dìu dắt hơn. Hát phường vải là loại hình hát không có nhạc cụ đi cùng. Ngày nay, khi tái hiện qua một số câu lạc bộ đã đệm một số nhạc cụ dân tộc cho thêm phần sinh động.

leftcenterrightdel

Hát phường vải đêm trăng. Ảnh: NGỌC HÀ

Công nghiệp dệt ra đời, nghề quay xa, dệt vải tự cung tự cấp lùi vào quá khứ. Hát phường vải là một thể loại dân ca đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc. Những giá trị độc đáo, riêng biệt đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu... Tuy vậy, cũng thật khó trở lại phổ biến trong nhịp sống công nghiệp hiện nay, bởi lớp nghệ nhân từng tham gia hát phường vải của xứ Nghệ hiện nay chỉ còn rất ít và với tuổi đời vượt xa “xưa nay hiếm”.

Hát phường vải ai nhớ, ai quên? Một câu hỏi vẫn nặng lòng với những người nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ. Rất cần một chương trình, dự án nghiên cứu đầy đủ về hát phường vải, nhất là phần âm nhạc. Dẫu đã muộn nhưng vẫn còn kịp nếu có sự đầu tư thời gian, lực lượng, phương tiện cho công việc này.

Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN