Làng Quỳnh Đôi ban đầu có tên là Thổ Đôi trang, được hình thành từ năm 1378. Theo Hương biên của làng thì 3 họ khai cơ đầu tiên là Hồ, Nguyễn, Hoàng, tiếp đến là Dương, Phan, Phạm, rồi các họ khác về quần cư, cùng xây dựng nên truyền thống của làng.
Đã là làng khoa bảng thì trước hết phải nói đến sự học. Miền quê nghèo khó đất chật người đông này từ xưa đã coi học và dạy học như một nghề mưu sinh. Những cậu con trai làng lớn lên đều được hướng vào việc học. Học để đi thi làm quan, học để kiếm sống, chí ít cũng phải biết được ít chữ thánh hiền để không hổ thẹn với xóm làng. Nhiều tấm gương bấm chí khổ học được truyền đời nhắc nhở các thế hệ: Không có đèn dầu thì học dưới trăng, không có trăng thì dùng đom đóm thay đèn; để chống cơn ngủ gật thì buộc tóc lên xà nhà...
Tấm gương tiêu biểu được truyền tụng nhiều nhất là Quận công Hồ Sỹ Dương. Hồ Sỹ Dương 3 lần thi hương đều trúng thủ khoa. Tháng 10-1659, ông đỗ khoa Đông các. Trong đời làm quan, ông từng giữ 4 chức Thượng thư ở các bộ: Binh, Hình, Công, Hộ. Ông được phong các tước: Tử, Bá, Hầu, Quận công, Thiếu bảo. Ông lập nhiều chiến công khi dẹp giặc và cả thành tích về ngoại giao trong các cuộc đàm phán với ngoại bang. Mồ côi cha, mẹ mò cua bắt ốc nuôi ông ăn học, bản thân ông cũng phải phụ mẹ đi gánh nước thuê hoặc xách ấm bán nước dạo ở chợ Nồi, chợ của làng. Không có nhà, mẹ con phải mắc võng tá túc trong đình chợ qua đêm. Trong cảnh nghèo khó đó, cậu học trò tự trào: "Ngày thời việc nước đảm đang/ Tối thời võng giá nghênh ngang đình Nồi". Với truyền thống hiếu học như vậy, thành tích đỗ đạt của người làng Quỳnh thật đáng tự hào.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Sỹ Giàng thì tính từ năm 1444 (khi người làng Quỳnh bắt đầu đi thi) đến 1919 (triều đình bỏ thi cử), Quỳnh Đôi có khoảng 1.000 người đậu tú tài (sinh đồ) trở lên. Theo Ninh Viết Giao ("Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu"), chỉ tính thi chữ Nho triều Nguyễn, toàn huyện Quỳnh Lưu đậu đại khoa (phó bảng, tiến sĩ) 19 người, riêng Quỳnh Đôi 13 người. Đậu cử nhân trở lên, toàn huyện 105 người, riêng Quỳnh Đôi 49 người. Với truyền thống cần cù hiếu học, từ quê gốc Quỳnh Đôi đã có nhiều người thành danh trong lịch sử: Hoàng đế Quang Trung, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, Đông các học sĩ Duệ Quận công Thượng thư Hồ Sỹ Dương, Hoàng giáp Thượng thư Hồ Sỹ Đống, Hoàng giáp Quận công Thượng thư Hồ Phi Tích, Tiến sĩ Văn Đức Giai, cử nhân Phạm Đình Toái (đồng tác giả cuốn "Đại Nam quốc sử diễn ca"), Dương Doãn Hài...
Ở thời đại Hồ Chí Minh, nhiều người đạt được những vị trí nổi tiếng về học hành, nghiên cứu: Nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà thơ Tú Mỡ, các giáo sư: Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến, Phó giáo sư Văn Như Cương... và lớp trí thức gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo trẻ sau này. Ngày xưa, người đỗ cao thì thành danh, người không đỗ cao thì tỏa đi muôn nơi làm thầy đồ gõ đầu trẻ. Chồng đi dạy học xa, làm gia sư sống phải luôn giữ ý với gia chủ, mỗi năm về thăm nhà một lần, vợ ở nhà canh cửi dệt lụa tảo tần nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ.
Có được truyền thống học hành như vậy vì từ xưa làng Quỳnh đã giữ một nếp văn hóa đặc biệt. Hương ước của làng có từ rất sớm. Đình làng, một di tích lịch sử cấp quốc gia, là trung tâm văn hóa của làng. Tại đây diễn ra những lễ cắt máu ăn thề đầu năm, mọi người thề nguyện sống trung thực, ngay thẳng, dạy dỗ con cái học hành; những lễ khao làng của sĩ tử đỗ đạt hoặc những người được vua phong tước phẩm; những cuộc thi đầu năm của các nho sinh để chọn người vào hội Tư văn của làng... Chính đây cũng là nơi thực hiện các hình phạt theo hương ước, ví như: Ai đã vào sổ làng mà không cùng làng gánh vác công việc thì đến kỳ không cho đi thi để răn người khác; ai đánh bạc hoặc vi phạm những quy định trong nếp sống của làng sẽ bị phạt bằng tiền, bằng roi, bằng lợn...
Làng nghèo, đất chật người đông, con trai đi dạy học, hầu hết con gái làm nghề dệt lụa nuôi gia đình. Nghề dệt lụa ở làng Quỳnh có từ hơn 300 năm trước, trở thành nguồn thu nhập chính của làng. Những tấm lụa ấy làm nên ông nghè, ông cử. Những tấm lụa đẹp của làng Quỳnh không chỉ bán trong vùng mà còn ra tận Thăng Long, vào Sài Gòn, sang đến Vọng Các nước Xiêm...
Không chỉ là làng khoa bảng, Quỳnh Đôi còn là một làng giàu truyền thống chống ngoại xâm. Ông Hồ Hồng, thủy tổ của làng, theo nghiệp quân sự, làm đến chức Chánh đội trưởng, đi dẹp giặc Chiêm Thành và hy sinh tại Quảng Bình. Con trai ông, Hồ Hân giữa thời quân Minh xâm lược, đã tìm đến Nguyễn Xí, Lê Lai cùng đứng dưới cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, nhiều lần lập công lớn, được thăng đến chức Kiêu Thắng quân, đồng Tổng tri, Tuyên phủ sứ, trật Chánh tam phẩm. Đặc biệt, từ khi Pháp xâm lược, làng Quỳnh trở thành địa danh sục sôi tranh đấu. Người làng Quỳnh nối tiếp nhau tham gia các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám. Hồ Sỹ Quý, một nghĩa quân Yên Thế, bị Pháp giải về làng xử chém để thị uy.
Năm 1903, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên đường ra Hà Nội đã ghé qua làng Quỳnh cùng các sĩ phu bàn vận nước. Hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng theo cha và lưu lại đây. Hiện nay, tấm bia ghi lại sự kiện này được đặt tại nhà cử nhân Hồ Sỹ Tư, bạn đồng môn của cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Sau khi các cuộc khởi nghĩa của Phong trào Cần Vương thất bại, thanh niên làng Quỳnh lại tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh do Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh lãnh đạo. Tiêu biểu trong số này là Hồ Bá Kiện, Trần Thị Trâm. Hồ Bá Kiện là một thành viên sáng lập cùng Phan Bội Châu khởi xướng Phong trào Đông Du. Bà Trần Thị Trâm tích cực, dũng cảm tham gia các cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Yên Thế, rồi sau này, đưa thanh niên vượt biên theo Phong trào Đông Du. Tài năng và ý chí của bà được các nghĩa quân kính phục. Cụ Phan Bội Châu coi bà là một trong những nữ kiệt thời ấy và suy tôn bà là “Tiểu Trưng”. Cuối những năm 20 của thế kỷ trước, đường lối đấu tranh chống Pháp lâm vào bế tắc thì một số thanh niên làng Quỳnh xuất dương tìm đường mới đánh Tây. Số khác ở lại tham gia gây dựng phong trào cộng sản ở quê nhà.
    |
 |
Bác Hồ với một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa II tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (Chiến khu Việt Bắc). Trong ảnh có đồng chí Hồ Viết Thắng (ngồi cạnh Bác Hồ), đồng chí Hồ Tùng Mậu (đứng thứ tư, từ phải sang) là người làng Quỳnh Đôi. Ảnh tư liệu |
Đầu năm 1931, 6 chiến sĩ cộng sản của Phong trào Xô viết bị giặc Pháp tử hình trước đình làng Quỳnh Đôi. Lớp thanh niên như Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Ngọc Ân là những người đầu tiên xuất dương sang Quảng Châu gặp Nguyễn Ái Quốc. Hồ Học Lãm trở thành chỗ dựa cả về vật chất, tinh thần và pháp lý của cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu. Hồ Tùng Mậu được Nguyễn Ái Quốc đào tạo, là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoàng Ngọc Ân là một trong những người lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tại Xiêm. Kế theo họ là lớp trẻ hơn như: Hồ Viết Thắng, Hồ Mỹ Xuyên, Dương Văn Lan, Nguyễn Chấn...
Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, người làng Quỳnh lớp sau nối lớp trước đi theo cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, có 3 người của làng Quỳnh là Ủy viên Trung ương Đảng trên tổng số 29 ủy viên. Tính từ khi thành lập Đảng, làng Quỳnh Đôi có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương Đảng, 9 bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương, 9 đại biểu Quốc hội, 11 bí thư, phó bí thư khu ủy, tỉnh ủy (1), 6 người mang quân hàm cấp tướng...
Trên con đường tranh đấu giải phóng dân tộc, hàng trăm người con ưu tú của làng Quỳnh đã bỏ mình vì nước, trong đó có những tấm gương tiêu biểu như: Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan (một trong 4 anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam). Lại có những gia tộc tiêu biểu như gia tộc Hồ Bá, 4 đời có người hy sinh vì đất nước: Án sát Hồ Bá Ôn hy sinh vì bảo vệ thành Nam Định; em trai là Hồ Bá Trị hy sinh khi chiến đấu bảo vệ làng; con trai là Hồ Bá Kiện hy sinh trong chiến đấu khi lãnh đạo tù nhân phá ngục Lao Bảo; cháu là Hồ Tùng Mậu, Ủy viên Trung ương Đảng, hy sinh trên đường đi công tác; chắt là Hồ Mỹ Xuyên, Phái viên đặc biệt của Chính phủ, hy sinh năm 28 tuổi, trên đường kinh lý vùng Tây Bắc.
Thời gian qua đi, các thế hệ con cháu làng Quỳnh sẽ mãi nhắc nhau gìn giữ phát triển truyền thống tự hào của quê hương.
------------
(1) Các số liệu trên theo "Người Quỳnh Đôi chiến đấu cứu nước"-tác giả: Phan Hữu Thịnh, Nguyễn Như Huơn. NXB Đại học Vinh-2013
Thiếu tướng HỒ SỸ HẬU