Trước đó, năm 2009, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đến dâng hương tại đền Đô và phát biểu: “Những sự tích và những đám mây ở đây rất xúc động, rất linh thiêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông, đất nước ta. Nó thể hiện một cái bề sâu và sự bền vững văn hóa Việt Nam ta”.

Tìm hiểu những câu chuyện ở ngôi đền hơn 1.000 năm tuổi này, dường như có một mạch nguồn huyền bí rất mạnh mẽ và mãnh liệt nào đó giống như sợi dây bền chặt kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai của dân tộc...

Đền Đô còn gọi là đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện tọa lạc tại phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là Di tích Quốc gia hạng đặc biệt. Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi du xuân đến đền Đô, được nghe lại những câu chuyện kỳ lạ giống như cổ tích.

Người giúp chúng tôi có thêm nhiều thông tin về những điều kỳ lạ ở đền Đô là Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn. Ông là người thầy nổi tiếng của Phong trào “Nghìn việc tốt” ở Trường THCS Tam Sơn từ năm 1963. Thầy Thìn năm nay đã hơn 80 tuổi, dáng người nhỏ, gầy và lưng hơi còng, nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn. Phong thái và nhiệt huyết của thầy với việc làng, việc xã dường như vẫn nguyên vẹn, tươi mới như thời thanh niên. Đặc biệt, khi kể về những sự kiện ở đền Đô, giọng thầy Thìn rất hào sảng, đầy tự hào.

Thầy Thìn kể, bản tiếng Hán trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn có đúng 214 âm tiết (chưa tính tựa đề “Chiếu dời đô” và tên tác giả Lý Công Uẩn). Điều này tương tương với 214 năm trị vì đất nước từ Lý Thái Tổ đến Lý Huệ Tông (phụ hoàng của Lý Chiêu Hoàng). Đó là điều rất kỳ lạ hiếm thấy.

Ở Đình Bảng, bao nhiêu đời nay vẫn lưu truyền “câu sấm” không biết ai sáng tác: “Bao giờ rừng báng hết cây, Tào Khê cạn nước, Lý nay lại về”. Có người bảo đó là "câu sấm" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì không đủ căn cứ chứng minh. Theo lý giải của thầy Thìn thì ngày trước ở Đình Bảng có rừng báng rất tươi tốt, nhưng nay đã hết. Còn sông Tào Khê thực chất chỉ là cái ngòi, nhưng dân gian gọi là sông và đã cũng cạn nước. Thầy Thìn cho rằng, "câu sấm" xuất phát từ nhân dân đã ứng nghiệm đến không ngờ sau mấy trăm năm, nhất là xung quanh chuyện hậu duệ của nhà Lý tận Hàn Quốc bất ngờ trở về quê hương.

Chuyện là, vào ngày 18-5-1994, một người Hàn Quốc tự giới thiệu là Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, hậu duệ thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường (là con vua Lý Anh Tông) tìm về đền Đô lễ Lý bát đế vào đúng dịp kỷ niệm 1.020 năm Ngày sinh Lý Thái Tổ. Sau khi làm lễ dâng hương, ông Lý Xương Căn đã úp mặt xuống nền đất trước anh linh Lý bát đế rồi ghi vào sổ vàng lưu niệm đền Đô: “Cháu chắt xin thề sẽ không bao giờ làm những điều gì tổn thương đến vong linh cao quý của tổ tiên vương bằng cả tinh thần và sứ mạng đặc biệt”. Ngày 25-11-1994, ông Lý Xương Căn về đền Đô lần thứ hai cùng đoàn đại biểu Hội Hữu nghị văn hóa Hàn-Việt. Lúc cả đoàn dâng hương thì ngẫu nhiên nhận tin những người thợ đào tìm móng tường xưa đã thấy giếng Ngọc cổ bị lấp kín. Đào tìm trong giếng Ngọc thấy bộ đồ thờ cổ của đền Đô xưa gồm: Bộ đỉnh, đôi hạc, đôi rùa đều bằng đồng có chữ “Cổ Pháp điện”. Thầy Thìn lý giải, có thể trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến", một ai đó đã mang bộ đồ thờ này giấu ở đây và rơi vào quên lãng. Việc những người thợ tìm thấy bộ đồ thờ khi xây dựng là ngẫu nhiên, nhưng vào thời điểm ông Căn về lễ tổ tiên thì khó lý giải khoa học. Tiếp đó, ông Căn đã ghi vào sổ vàng lưu niệm đền Đô: “Trong giờ phút cảm động này, con xin hứa rằng: Sau này các hậu duệ của Lý Thái Tổ đang sống ở Hàn Quốc sẽ tìm về đền thờ các tiên vương”. Điều ấy đã linh nghiệm bất ngờ.

leftcenterrightdel

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (ngoài cùng bên phải) và những người con họ Lý ở Hàn Quốc về dâng hương tại đền Đô.

Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Theo thầy Thìn, vào lúc 8 giờ ngày 16-3-1995 (năm Ất Hợi), khi lễ hội đền Đô vào ngày cuối, thì có một công dân Hàn Quốc đến gặp ban tổ chức. Ông ta thưa rằng: "Tôi là Lý Bỉnh Thạnh, vừa từ Hàn Quốc tới Việt Nam. Tối qua xem truyền hình được biết có đoàn hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường từ Hàn Quốc về cội nguồn Cổ Pháp dâng tộc phả cho cố hương, mới biết rằng gốc tổ nhà Lý vẫn còn. Tôi liền fax tin về Hàn Quốc cho vợ tôi, bảo fax cho tôi bản vẽ cây phả hệ họ Lý gốc Đại Việt mà tôi là một hậu duệ. Giờ tìm được cội nguồn, tôi xin dâng lên Lý bát đế anh linh và cố hương của tổ tiên".

Rồi ông Lý Bỉnh Thạnh tiếp rằng: "Theo gia phả dòng họ và theo chính sử Triều Tiên, năm 1136, Hoàng tử Lý Dương Côn, em trai của vua Lý Thần Tông nước Đại Việt đã đến Cao Ly cư trú, lập ra dòng họ Lý Tinh Thiện. Họ này có tướng quân Lý Nghĩa Mẫn là người xuất chúng, được vua Nghi Tông phong cho chức Biệt tướng. Đến năm 1182, vua Minh Tông giao Lý Nghĩa Mẫn chức Tể tướng và ông bị Thôi Trung Hiếu ám sát tại nhà riêng trên Di Đà Sơn năm 1196. Từ đây con cháu gia tộc Lý Tinh Thiện ly tán, phải lưu lạc nhiều nơi ở Hàn Quốc và vẫn nhớ về cội nguồn Đại Việt-Việt Nam".

Như vậy là triều Lý đã có hai hoàng tử nước Đại Việt đến Cao Ly cư trú. Lý Dương Côn đến năm 1136, Lý Long Tường đến năm 1226. Dù hoàn cảnh nào họ cũng làm rạng danh Đại Việt. Đã qua gần 8 thế kỷ, hậu duệ của cả hai hoàng tử theo gia phả vẫn nhớ tìm về cội nguồn tổ tiên, thành kính tưởng niệm Lý Thái Tổ và các vị vua nhà Lý. Nhưng có một điều lạ là, ở Hàn Quốc, hậu duệ hai chi họ của hai hoàng tử Lý Dương Côn và Lý Long Tường không hề biết nhau. Họ chỉ gặp và biết nhau khi về Cổ Pháp-Đình Bảng, cội nguồn tổ tiên.

Thầy Thìn kể tiếp, vào lúc 8 giờ ngày 26-8-1998 (tức là ngày mồng 5 tháng Bảy năm Mậu Dần), khi bắt đầu lễ giỗ của Lý Anh Tông thì có 8 đám mây màu trắng hiện lên trên nền trời xanh ở khu Thọ Lăng Thiên Đức (cách Đền Đô 1km) bay về đền Đô. Thầy Thìn đã gọi hiện tượng này là “Bát đế vân du”, là hiện thân của 8 vị vua Lý bay về đền. Cũng phải kể thêm, Thọ Lăng Thiên Đức là nơi yên nghỉ của 9 vua triều Lý (cả vua Lý Chiêu Hoàng) và Lý Thánh mẫu Phạm Thị (mẹ của Lý Công Uẩn) cùng Nguyên phi Ỷ Lan. Còn đền Đô, tức đền Cổ Pháp được Lý Thái Tổ xây dựng từ năm Kỷ Mùi (1019). Năm Mậu Thìn (1028), khi Lý Thái Tổ băng hà, triều đình và thần dân thờ ngài ở đây. Năm Canh Ngọ (1030), Lý Thái Tông cho tu bổ và đặt tên là Cổ Pháp điện. Nhân dân gọi là đền Đô. Các vua Lý sau khi băng hà đều được thờ ở đây và đến đời Trần thì gọi là đền Lý Bát Đế.

leftcenterrightdel
Bức ảnh “Bát đế vân du”.

Lúc 4 giờ 45 phút ngày 1-9-1998, nhằm ngày 11 tháng bảy năm Mậu Dần (sau việc mây từ Thọ Lăng bay về đền Đô 6 ngày), có một đám mây vàng, giống hình con rồng bay về đền Đô. Thầy Nguyễn Đức Thìn gọi đây là hiện tượng “Hoàng Long linh hiện”. Hiện tượng này làm ta nhớ tới mùa thu năm 1010, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Khi thuyền đỗ dưới chân thành, vua đã nhìn thấy rồng vàng hiện ra bay lên và đặt tên thành “Thăng Long” (rồng bay) là thế.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước, giữ nước chính nghĩa đầy hiển hách và rất đáng tự hào. Thế nên, các sự việc kể trên cho thấy sự kết nối kỳ diệu và rất linh thiêng của quá khứ và hiện tại. Chẳng thế mà vào ngày 21-1-2009, khi nói chuyện với nhân dân tại Đền Đô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) đã bày tỏ: “Những sự tích và những đám mây ở đây rất là xúc động, rất linh thiêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện một cái bề sâu và sự bền vững văn hóa Việt Nam ta”.

ĐỨC TÂM