Người làng tôi ai đi làm đồng về qua giếng cũng xuống lấy nón múc nước lên, úp mặt mình vào nón nước rồi ngụm một ngụm ngậm trong miệng tận hưởng cái trong mát. Những giọt nước giếng trong vắt, ngọt ngào chảy vào trong ruột đang cháy khát nó mới ngon, mới ngọt làm sao...

Người làng tôi tất bật với ruộng đồng cả ngày nên thường gánh nước vào buổi sáng sớm hay chiều tối lúc đi làm về. Chị tôi cũng như bao cô gái làng, chiều về cất cuốc vào đầu nhà, lấy chổi quét sân. Khi sân đã sạch, ấy là lúc chị quảy đôi thùng với chiếc móc sắt uốn cong ngúng nguẩy làm cho hai cái thùng cứ đong đưa đong đưa theo đôi chân chị từ nhà ra giếng. Những chiều hè, người gánh nước đông, chị gác chiếc đòn gánh qua hai miệng thùng rồi ngồi lên, chiếc đòn gánh cong xuống như ngồi trên võng, ngón tay chị chí vào mạng sườn người ngồi bên. “Ơ cái con này! Mày làm gì thế?". Chị chí thêm cái nữa. Xoảng! Đôi thùng của người bạn chị đổ, nó lăn theo tiếng cười của chị ấy.

Rồi một ngày chị không gánh nước buổi chiều mà gánh lúc sâm sẩm tối. Ngày nào cũng vậy, ăn cơm, dọn dẹp xong là đôi thùng lại ngúng nguẩy trên vai theo chị ra giếng. Tôi cúi rạp mình lom khom men bờ lúa, tới gần bờ giếng thì ngẩng lên. Chị đang nói chuyện với một người, ánh sáng nhập nhoạng mờ mờ, tiếng anh thủ thỉ, tiếng chị cười khẽ khẽ. Chị tôi vẫn thế, chị ý tứ, chị tế nhị. Chả thế mà người làng ai cũng khen chị nết na nhất làng. Ánh trăng lọt qua đám mây làm khoảng trời sáng. Tôi nhận ra anh, anh người mãi cuối làng, đã đi làm công nhân cho một nhà máy trong phố.

Thế mà không hiểu vì sao anh chị lại không lấy được nhau. Rồi chị cũng lấy chồng, sinh con, một cuộc sống vất vả tắm nắng tắm mưa đày ải chị bao năm. Khi các con lớn dần thì cũng là lúc chị đổ bệnh. “Suy tim độ 4”, bác sĩ bảo thế. Nhìn cơn đau thắt ngực chị, tim tôi cũng như thắt lại. Sau này khi chị tôi mất, tôi viết một bài thơ về làng trong đó có câu: “Giếng làng trong chiều chiều chị tôi gánh nước/ Vô tình để ai nhặt được đôi mắt lá răm”.

leftcenterrightdel

Minh họa: THÁI HÒA 

Rồi tôi lớn lên. Chúng tôi thành trai tráng trong làng, bờ giếng cũng là nơi tình tự của nhiều cặp đôi. Chúng tôi thích nhất ngồi bên giếng ngày xuân. Em đã chuẩn bị sẵn một mảnh áo mưa nhỏ cho những tối ngồi như vậy để trải trên cỏ vì cỏ và đất đã thấm đẫm mưa xuân. Chúng tôi chờ đợi giây phút vầng trăng lọt qua đám mây, ánh sáng chiếu xuống mặt giếng. Mặt giếng hiện lên hàng triệu ngôi sao lấp lánh... Tôi nhìn sang em. Trời ơi, mái tóc em cũng có nghìn viên kim cương lấp lánh, những viên kim cương do bụi mưa đọng lại từ tối đến giờ. Đọng trên mái tóc đen nhánh óng mượt, tôi xoa nhẹ, những viên kim cương vỡ làm mái tóc em ướt như vừa mới gội, vương sang tôi mùi hương bưởi, hương chanh thơm man mát, hương vị ấy tỏa vào màn đêm ngọt như mật của ngày xuân. Ở một góc bờ bên kia, bạn tôi cũng đang ngồi với người yêu. Tôi nghe rõ tiếng cười của cái Nhớ bên cạnh nhà tôi, tiếng cười ngọt vọng trong đêm mưa bụi nghe sao mà thân thương đến vậy.

Sau gần mười năm ở chiến trường, tôi trở về, giếng vẫn như ngày xưa. Tôi bước xuống mấy bậc cầu giếng xây bằng gạch, những viên gạch đã in dấu chân người làng, nhiều vết đã lõm. Vết lõm như hình bàn chân người bước, đọng trong vết lõm là cát bụi của thời gian. Tôi nhìn sang bờ bên kia. Nơi ấy, ngày nào có thằng bạn tôi ngồi trong đêm mưa bụi mùa xuân. Người bạn ấy nhập ngũ với tôi một ngày và nó đã không về như rất nhiều bạn tôi đã không về để uống nước giếng làng quê nữa. Tôi khum tay vục dòng nước đắp lên mặt mình. Ôi dòng nước mát làm sao! Cái mát lạnh tưởng như đã làm cho tôi quên đi hết những năm tháng bom đạn chiến trường, dòng nước làm cho tôi sạch hết bụi đường và nó làm cho gương mặt tôi như sáng ra, sáng ra nhờ dòng nước giếng. Tôi ngụm một ngụm nước giếng trong miệng rồi nuốt. Nước chảy đến đâu mát đến đấy! Tôi nhận ra, nước giếng không còn là nước, mà nó là máu của cơ thể làng.

Dòng máu cơ thể làng ấy đã nuôi bao thế hệ người làng trưởng thành để vươn bước đi xa. Có người lên rừng, có người xuống biển và có người đến đô thành. Họ đang làm cuộc mưu sinh. Và đến một ngày, họ lại trở về đứng trên bậc thềm của giếng, vục bàn tay xuống dòng nước và bật lên tiếng gọi: “Giếng làng ơi!”.

Tản văn của VŨ NGỌC THƯ