Khoác áo mới cho tranh dân gian
Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, tranh dân gian giữ một vị trí quan trọng, phản chiếu đời sống tinh thần của người dân. Không chỉ đa dạng về mẫu mã, thể loại, các đề tài trong tranh dân gian cũng vô cùng phong phú. Điều này thể hiện rõ trong các dòng tranh: Kim Hoàng, Hàng Trống, Đông Hồ, làng Sình... Mỗi dòng tranh có những đặc trưng và cũng có những thăng trầm riêng. Tranh Kim Hoàng thất truyền từ năm 1945 do nạn lụt và đói. Tranh Hàng Trống thì hiện chỉ có duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn giữ nghề. Tranh Đông Hồ và làng Sình dẫu vẫn còn nhiều gia đình giữ được nghề xưa nhưng không thể vang bóng như thuở hoàng kim. Trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện đại, tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi nhu cầu chơi tranh, sử dụng tranh không còn phổ biến như xưa.
Làm thế nào để những dòng tranh dân gian được “hồi sinh”, đó cũng chính là trăn trở của các nghệ sĩ nhóm Latoa Indochine. Nhóm này được thành lập tháng 6-2022, hội tụ những họa sĩ có cùng đam mê, tâm huyết với sơn mài truyền thống và văn hóa dân gian với các tên tuổi quen thuộc trong giới nghệ thuật như: Lương Minh Hòa, Nguyễn Văn Phúc, cùng sự cộng tác kỹ thuật của các nghệ sĩ: Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Đình Duy, Nguyễn Trọng Khang, Phạm Huy Tuấn, Đinh Quang Hùng, Nguyễn Văn Điện.
|
|
Những bức tranh sơn mài khắc được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: THU THỦY
|
“Tranh dân gian đã trải qua những thăng trầm, đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận để chúng tôi nghiên cứu và làm mới nó. Sau nhiều nghiên cứu, thử nghiệm, chúng tôi đã tìm ra giải pháp, đó là chuyển thể tranh dân gian sang chất liệu sơn mài khắc (kết hợp giữa sơn mài và khắc). Thật may là nhiều họa sĩ trẻ rất quan tâm đến dự án này, đó là điều khiến tôi rất hạnh phúc bởi tôi nhìn thấy những người kế cận tiếp nối con đường di sản của cha ông”, ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine chia sẻ.
5 năm nghiên cứu và 1 năm thực hành, các nghệ sĩ của Latoa Indochine đã “trình làng” trước công chúng hàng trăm tác phẩm tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc. Trong gần 100 tác phẩm giới thiệu tại Triển lãm "Con đường" ở Bảo tàng Hà Nội lần này, phần lớn được sáng tác dựa trên những đề tài quen thuộc của các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng như các bức tranh: "Thần Kê", "Đám cưới chuột", "Cá chép ngắm trăng", "Ngũ hổ"...
Ngoài các bức tranh lấy cảm hứng từ tranh dân gian, còn có một số bức tranh khác như: “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” và “Hương Vân Đại Đầu Đà” lấy cảm hứng từ Phật giáo và bức tranh chân dung danh nhân Nguyễn Trãi (được chuyển thể dựa trên bức tranh về Nguyễn Trãi chất liệu bột màu trên nền vải của tác giả P.D.TUE vẽ năm 1917) cũng cho thấy sự dày công và tâm huyết của các nghệ sĩ. Họa sĩ Lương Minh Hòa cho hay: “Khó khăn nhất khi chuyển thể tranh dân gian từ chất liệu giấy sang sơn mài khắc là giữ được nét, nếu trau chuốt quá thì lại là sản phẩm mỹ nghệ, còn lem nhem quá thì cũng không được. Vậy nên chúng tôi cố gắng hài hòa chất liệu để làm sao có thể giữ được tinh thần, hồn cốt của tranh dân gian, không làm mất đi sự kết nối từ chất liệu giấy sang sơn mài khắc”.
Với cách thể hiện đặc biệt mới mẻ, nhóm Latoa Indochine mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, đồng thời, góp phần phát triển một nét văn hóa xưa lên tầm cao mới, hòa quyện giữa dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại, cấp tiến.
Gợi mở một hướng đi mới
Có thể nói, việc chuyển hóa tranh dân gian vẽ, in trên giấy sang chất liệu sơn mài khắc đã mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian. Vẫn là những chủ đề, đề tài quen thuộc của tranh dân gian nhưng với kỹ thuật thể hiện nghệ thuật sơn mài và khắc (chạm khắc, dát vàng, dát bạc...), các nghệ sĩ đã "khoác" thêm "chiếc áo mới" cho dòng tranh dân gian mà không làm mất đi hồn cốt của tranh dân gian cũng như những rung cảm trước tầng sâu của truyền thống thẩm mỹ Việt.
Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê: "Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng, làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn. Các hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa-nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng và phát triển".
Ông Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá: Đây là sáng kiến rất đáng ghi nhận, vừa phát huy được giá trị của nghệ thuật truyền thống là sơn mài, sơn khắc, vừa phát huy được tinh hoa của tranh dân gian. Nếu không có niềm đam mê vốn cổ thì không thể thực hiện được.
|
|
Tác phẩm "Danh nhân Nguyễn Trãi" được làm từ chất liệu sơn mài khắc trưng bày tại triển lãm. |
Latoa là dự án bảo tồn, phục hồi tranh dân gian sơn mài khắc truyền thống Việt Nam. Triển lãm “Con đường” cũng là sự khởi đầu Dự án “Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam” của Latoa Indochine, với mong muốn tiếp nối con đường cha ông. Đây là hành trình mà nhóm nghệ sĩ đã ấp ủ từ lâu. Một hành trình được xây dựng bởi những con người yêu, trân quý nét đẹp văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ: "Triển lãm “Con đường” là sự kiện rất ý nghĩa, góp phần quan trọng trong dự án bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Qua triển lãm, Bảo tàng Hà Nội mong muốn sẽ đưa công chúng trở về, cảm nhận và trân quý dòng tranh dân gian từng "vang bóng một thời", để từ đó cùng nhau gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc”.
|
KHÁNH THƯ