Làm mới cách truyền tải lịch sử

Tối thứ bảy (ngày 9-7), Dương Trà My có mặt tại cổng Di tích Nhà tù Hỏa Lò để tham dự Chương trình tham quan “Đêm thiêng liêng 2” của di tích. Cô gái sinh năm 1993 vừa trải qua quãng đường 120km từ nhà (Hải An, Hải Phòng) lên Hà Nội để tham dự chương trình.

Với thời lượng 100 phút, Chương trình tham quan “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” tập trung tôn vinh những chiến sĩ, nữ tù cách mạng đã sống, chiến đấu và anh dũng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò.

Để được đi xem buổi diễn đặc biệt vào tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần này, Trà My phải đăng ký mua vé từ cuối tháng 5. Kể về chương trình, Trà My không khỏi ấn tượng: “Tôi được nghe câu chuyện kể về người vợ của đồng chí Võ Nguyên Giáp; câu chuyện về những nữ tù nhân trong trại giam, chuyện về những người mẹ. Nhiều người xung quanh đã cảm động rơi nước mắt”.

Trong Chương trình tham quan “Đêm thiêng liêng 2”, bắt đầu từ phòng trưng bày làng Phụ Khánh, du khách trải nghiệm theo sự điều phối và hướng dẫn từ thuyết minh viên, từ từ di chuyển tới khu vực sa bàn toàn cảnh. Tại đây, thuyết minh viên giới thiệu sự kiên cố, hiện đại của Nhà tù Hỏa Lò ở thời điểm xây dựng và một số hiện vật còn lại như cổng chính nhà tù. Người xem được hiểu về cuộc sống lao tù khắc nghiệt mà các tù chính trị đã chịu đựng qua hoạt cảnh về bà Nguyễn Thị Hồng-tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1951-1952.

leftcenterrightdel

Du khách trải nghiệm Chương trình “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa”. Ảnh: NGUYỄN TUẤN 

Tiếp theo, du khách di chuyển tới trại E-trại giam nam tù nhân để tham quan không gian và xem phim về bà Nhiêu Sáu. Kế tiếp, tất cả di chuyển ra khu vực ngoài trời, cùng nghe câu chuyện về cây bàng tình nghĩa, hiện vật cống ngầm, xem hoạt cảnh bà Băng Tâm chuyển đồ tiếp tế cho tù nhân chuẩn bị vượt ngục, rồi tham gia trải nghiệm vượt ngục và di chuyển sang khu trại giam nữ tù nhân. Tại đây, mọi người được nghe câu chuyện về đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái- người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi xem hoạt cảnh bà Hoàng Thị Ái.

Theo dõi hành trình “Đêm thiêng liêng 2”, Nguyễn Mai Linh (31 tuổi) bộc bạch: “Từng là học sinh chuyên Sử (Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương), từng được học những kiến thức về lịch sử nhưng hôm nay, tôi thực sự cảm nhận được nỗi đau, sự chia ly, sự anh dũng, kiên trung. Tôi đã khóc, phẫn nộ, xót thương nhờ trải nghiệm chạm đến cảm xúc”.

Chặng cuối cùng, du khách dừng chân tại Đài tưởng niệm Nhà tù Hỏa Lò để làm lễ tri ân. Kết thúc hành trình, mọi người cùng thưởng thức những món ăn đặc sản của di tích được chế biến từ cây bàng. 

Rời di tích, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên, ấn tượng bởi khâu tổ chức tỉ mỉ của ban quản lý di tích. Đinh Thị Quỳnh Anh (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ vẻ thích thú: "Tôi được trang bị tai nghe khi tham gia chương trình. Trước đó, tôi cũng đã đi một số bảo tàng và thấy chỉ những người đứng gần người thuyết minh là nghe được, còn đứng xa thì chịu. Nhưng ở đây, đứng xa vẫn có thể nghe được những lời nói từ chị thuyết minh. Ngoài ra, tôi còn có thể điều chỉnh âm lượng cho phù hợp”.

leftcenterrightdel

Cùng cảm nhận sự kiên trung của những người tù cách mạng. Ảnh: NGUYỄN TUẤN 

Nhìn từng dòng lưu bút của cậu con trai Nam Quân 10 tuổi: “Thương xót cho những người hoạt động cách mạng đã chịu bao nỗi thống khổ, những sự hy sinh, mất mát”, anh Dương Thanh Lĩnh (49 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) hết sức ngạc nhiên, không giấu được niềm vui mừng trước sự trưởng thành của cậu con trai. Đã nhiều lần anh Lĩnh đưa các con đi tham quan những di tích lịch sử, nhưng đây là lần đầu tiên Nam Quân bày tỏ sự cảm phục của mình với thế hệ đi trước.

Có thể thấy, nhờ sự chỉn chu trong từng hoạt động tổ chức như đón tiếp chu đáo ngay từ cổng vào, gửi xe miễn phí; trong khi tham dự chương trình, do điều kiện ánh sáng hạn chế, những nơi có gờ, bậc bước lên, xuống trong di tích đều có người đứng nhắc; hay như món thạch bàng được cắt đôi để du khách tiện sử dụng... của Di tích Nhà tù Hỏa Lò khiến du khách thay đổi cái nhìn về việc đến tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử.

Muốn đến Hỏa Lò...

Di tích Nhà tù Hỏa Lò nằm tại con phố cùng tên thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Nơi đây được mệnh danh là “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội, là công trình do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, từng giam cầm hàng nghìn chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng. 

Thời gian gần đây, Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ, với nội dung các câu chuyện lịch sử của di tích được trình bày, thể hiện hấp dẫn, mới mẻ. Từ năm 2019, Nhà tù Hỏa Lò đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Với hệ thống này, du khách có thể trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử chủ động theo ý muốn. Ngoài ra, để phục vụ du khách chưa có cơ hội ghé thăm Nhà tù Hỏa Lò, Ban quản lý di tích cũng cho ra mắt hình thức tham quan trực tuyến qua “Không gian trưng bày online”.

leftcenterrightdel

Di tích chật kín du khách, nhất là dịp cuối tuần. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Bên cạnh đó, nhắc đến lý do thành công trong việc thu hút du khách, không thể không kể đến sự hoạt động hiệu quả của di tích trên các nền tảng mạng xã hội. Trên những nền tảng số, bằng nhiều hình thức thể hiện sáng tạo, các câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử được đội ngũ truyền thông của di tích đưa đến công chúng một cách gần gũi, hấp dẫn. Có thể kể đến việc lồng ghép hóm hỉnh câu đố, lời bài hát, hình ảnh minh họa... với thông tin gắn liền tới lịch sử.

Với sự đổi mới trong phương thức kể chuyện lịch sử và làm du lịch, Di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Từ đây, tình yêu, lòng mong muốn tìm hiểu lịch sử của du khách, nhất là lớp trẻ, được nhân lên, lan tỏa.

Sau mỗi chuyến tham quan như thế, thế hệ trẻ thêm trân quý cuộc sống, nhớ về cội nguồn, biết ơn thế hệ đi trước. Xin kết lại bài viết bằng lưu bút của một du khách (lưu bút đã nhận được gần 8.000 lượt yêu thích, bình luận, chia sẻ khi đăng tải trên fanpage của di tích) sau khi được trải nghiệm lịch sử tại đây: "Con sẽ sống xứng đáng!".

Di tích Nhà tù Hỏa Lò mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ (không nghỉ trưa) các ngày trong tuần. Giá vé 30.000 đồng/người. Du khách là học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người cao tuổi được giảm 50% giá vé. Du khách là trẻ em dưới 15 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, người có công với cách mạng... được miễn phí vé.

HOÀNG VIỆT