Cá nhân tôi, với tư cách một đạo diễn và tác giả có 40 năm gắn bó với sân khấu Thủ đô, cho rằng, hôm nay khán giả cần những gì họ đang trải qua và nhìn thấy chứ không phải những thứ cao xa hay ngôn tình sướt mướt. Sân khấu phải thiết thực, phải có sức chiến đấu, phải dự báo cuộc sống và quan trọng hơn cả là khi khán giả đến rạp, ngoài thưởng thức tài nghệ biểu diễn của các nghệ sĩ, họ còn mong mỏi xem một tác phẩm sân khấu có ứng xử với những thân phận có thực trong đời, một hướng đi nhân văn thẩm mỹ và một triết lý mới mẻ về cuộc sống hôm nay hay không. Những người làm sân khấu đã khi nào tự hỏi chính mình có bao giờ vì tâm tư của khán giả yêu cầu chưa? Trong khi ngoài xã hội đang có quá nhiều vấn đề về giáo dục, đời sống, an sinh xã hội... mà không ai viết ra để diễn.

Phải chăng kịch bản sân khấu về đề tài hiện đại hay lịch sử của Thăng Long-Hà Nội thiếu vắng ư? Tôi lại cho rằng sân khấu Hà Nội chưa bao giờ thiếu kịch bản. Điều này đã được minh chứng bằng thực tế dàn dựng và biểu diễn của nhiều nhà hát lớn ở Hà Nội cùng các đoàn nghệ thuật kịch ở các tỉnh những năm qua. Nhiều vở diễn đã có tiếng vang và thành công nhất định. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách trung thực, thẳng thắn thì sân khấu Hà Nội và cả nước đang rất thiếu những kịch bản có chất lượng về nghệ thuật, tư tưởng, nội dung. Đấy là chưa đề cập đến một sự cách tân trong tiếp cận vấn đề, cách viết. Sân khấu Hà Nội đang vướng vào một sự cá biệt và không bình thường là: Không đồng hành với sự phát triển, không bắt kịp thời đại. Nghệ thuật sân khấu của Hà Nội đã bị tụt hậu và nhiều khi không biết đi đâu, về đâu.

Tìm cho sân khấu Thủ đô một lời giải cần như đi khám để bắt bệnh tìm cho ra nguyên nhân gây bệnh rồi kê thuốc chữa. Theo tôi, có nhiều yếu tố gây “bệnh”, trong đó đặc biệt, điều tác động không nhỏ đến nền sân khấu là việc viết của các tác giả kịch bản: Viết như thế nào để hợp thời, được dựng, chứ nhiều khi không phải là viết ra những vấn đề đau đáu của con tim, nhức nhối của tâm hồn hay cao đẹp của tinh thần nhân văn, nhân bản vì con người.

Người viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp nước ta cũng có tới hàng trăm, chưa kể nhiều cây bút không chuyên, nhưng đã nhiều năm nay sân khấu hầu như không có những vở diễn gây ấn tượng thật sâu sắc tới người xem, tạo dư luận xã hội rộng lớn. Bởi xã hội hôm nay không còn ghê tởm, khinh bỉ, căm ghét những sự lừa dối, háo danh, cơ hội, thủ đoạn, đạo đức giả..., hay tại cái xấu, cái ác còn vượt xa sức tưởng tượng của những người sáng tác kịch bản!?

leftcenterrightdel

"Kẻ trộm" là vở diễn thành công của Nhà hát Kịch Hà Nội về đề tài hiện đại. Ảnh do Nhà hát Kịch Hà Nội cung cấp

Xã hội Việt Nam vẫn phát triển bình thường, có chăng những tác giả khi viết về đề tài hiện đại của sân khấu nhiều năm nay đã chai sạn, không phát triển kịp với xã hội nên khai thác những vấn đề của đời sống đã trở nên nhàm và không có sức hấp dẫn với công chúng. Nhiều kịch bản sân khấu về đề tài hiện đại đang sa vào sự vụn vặt, kể lể những éo le, trắc trở của tình duyên; những tình tay ba, tay tư với các màn mùi mẫn một cách cố tình hoặc rất giả tạo. Sợi dây xuyên suốt những câu chuyện kịch vẫn là những con người đạo đức giả, cơ hội, háo danh, phản chủ, lừa lọc..., nhưng rồi vẫn "ghế cao tót ngồi". Sau đó là sự trả giá, là nhân quả, là sám hối... Quanh đi quanh lại vẫn một số mô típ quen thuộc như vậy, làm sao khán giả không chán, thậm chí bắt đầu xem đã biết đoạn kết. Đâu rồi những kịch bản sân khấu mang tính tư tưởng, tính nhân văn cao, những dư âm, những trăn trở, day dứt của khán giả khi được tiếp nhận một tác phẩm sân khấu với những rung động, những vấn đề lớn lao của thời cuộc, của con người, cuộc sống...?

Cái khó đối với người viết hiện nay khi dấn thân viết về đề tài hiện đại, đó là kiến thức về đời sống, xã hội, con người, đặc biệt ở những lĩnh vực chuyên môn. Hầu như các tác giả chỉ đi vào những vấn đề chung với khối kiến thức chung chung. Người viết ít được lăn lộn với thực tế cuộc sống, không trực tiếp lao động, công tác ở cơ sở hoặc “cắm chốt” cùng ăn ở, sinh hoạt, làm việc một thời gian ở cơ sở... Khó nữa là muốn viết tới tận cùng, muốn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột kịch cho thấu triệt tư tưởng mình muốn phản ánh trong tác phẩm thì vấp phải những vùng cấm, những vùng nhạy cảm. Nhiều khi khâu kịch bản đã "trót lọt" nhưng để một vở kịch ra đời còn phải chỉnh sửa thế này, thế nọ...

Như chúng ta đã biết, nghệ thuật sân khấu là đưa những vấn đề của đời sống qua hình thức biểu đạt của sân khấu, tác động trực tiếp đến con người. Vậy thì không thể đưa lên sân khấu một vấn đề nửa vời, một cách tiếp cận khô cứng, công thức, sáo mòn. Đương nhiên cần tâm huyết của chính những người viết kịch bản để tránh "căn bệnh" hiện nay không chỉ riêng với sân khấu, đó là bệnh nghiệp dư, cẩu thả, bịa đặt, sai lệch định hướng thẩm mỹ về cuộc sống. Các nhà quản lý văn hóa của Hà Nội chắc chắn phải có hình thức thích hợp nhằm tạo nên đội ngũ những người làm sân khấu Hà Nội có tài, có tâm, có tầm cho hôm nay và những năm tiếp theo thì may ra sân khấu Thủ đô sẽ thoát khỏi tình trạng “ăn đong” như hiện nay.

Điểm lại các tác giả sân khấu hiện nay đang có, chúng ta đều nhận thấy đông hơn trước, nhưng mặt nổi trội không nhiều, đặc biệt là các tác giả trẻ. Thực tiễn thị trường nghệ thuật sân khấu thời gian qua ở Hà Nội đã cho thấy vẫn mang tính sáo rỗng, hình thức. Hầu hết tác phẩm chỉ khái quát chung chung một vấn đề, khán giả xem xong thường không đọng lại gì. Và lời giải cho sân khấu Thủ đô sẽ có chỉ khi nào mối quan hệ giữa tác giả với các nhà hát luôn phải thống nhất đơn thuần một chiều, có quy định rõ ràng, ràng buộc bởi 4 đối tượng khác nhau. Đó là, tác giả với nhà quản lý, tác giả với hội đồng nghệ thuật, tác giả với khán giả và tác giả với chính mình. 4 đối tượng và 4 mối quan hệ trên có 4 nhu cầu khác nhau, và điều kiện ấy sẽ là động lực để đòi hỏi tác giả phải có sáng tạo mới, chất lượng với người xem Thủ đô hôm nay.

HOÀNG THANH DU