1. Không chỉ ở Việt Nam mà trong nhiều nền văn hóa khác, con hổ đã bước vào đời sống con người từ khá sớm. Đó cũng là lẽ tự nhiên bởi cũng như những loài vật khác, hổ là một trong muôn loài sống cùng với chúng sinh, dù trong thực tế, nó mang tính thù địch với con người hơn là bè bạn.

Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc, hổ còn được coi như biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực, được người dân thờ phụng với sự sùng kính nhất định, có nơi còn lấy hổ làm biểu tượng của báu vật hay sức mạnh quốc gia như: Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Singapore hoặc vùng Irkutsk, Primorsky của Liên bang Nga. Nói như thế để thấy trong tâm thức con người, từ thời cổ đại cho đến nay, giữa con người với thế giới tự nhiên luôn có những mối liên hệ ràng buộc mang nhiều ý nghĩa khác nhau mà thái độ cộng sinh hài hòa giữa con người với tự nhiên là một trong những quan hệ vừa thân thuộc, vừa không thể chối bỏ.

Ở một số nước phương Đông, theo tử vi 12 con giáp, những người sinh vào năm Dần thường được dự đoán là có tính khí mạnh mẽ, quyền lực, năng động và có phẩm chất lãnh đạo. Không thần bí nhưng có một thực tế là những người tuổi Dần có những khí chất riêng, có gì đó chung với “chất hổ” ở phần mạnh mẽ trong tính cách. Việt Nam cũng là một trong những nơi được coi là quê hương của loài hổ. Trên trống đồng Đông Sơn đã xuất hiện hình ảnh con hổ. Như vậy có thể thấy, từ trước đó rất lâu, con hổ đã bước vào đời sống văn hóa của con người, nó trở thành một trong những loài vật "không thể thiếu" trong đời sống con người thì mới có thể có được một vị trí như vậy.

Trong các câu chuyện dân gian, loài hổ được nhắc đến chủ yếu với hai ý nghĩa: Biểu tượng cho sức mạnh vô song của loài vật, là chúa tể rừng xanh; sự dữ tợn, hung ác trước các loài vật khác và con người. Những câu thành ngữ, tục ngữ, những câu chuyện kể về loài hổ cũng không nằm ngoài hai đặc tính này. Có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã thống kê được hơn 1.300 câu nói về loài hổ, trong đó, nhiều câu đã được sử dụng từng phần trong văn học viết. Nhưng nhìn chung, người ta nói đến sức mạnh và sự oai hùng của loài hổ nhiều hơn. Bằng thái độ thành kính pha lẫn tôn sùng, dân gian ít nói đến từ "con hổ" mà hay dùng các cách nói: Ông Cọp, ông Ba mươi, khái, ngài... để chỉ chúa tể rừng xanh. Nhiều câu thành ngữ mang ý khẳng định, ca ngợi những gia đình có cả cha và con đều hơn người như "hổ phụ sinh hổ tử"; nói về những người có sức khỏe hơn người là sức như mãnh hổ, như cọp dữ, như ông Hùm...

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức phát xít chế tạo ra loại xe tăng có tính năng hơn hẳn các loại xe tăng của đối phương cũng đặt tên là Tiger I và II; nước Anh đặt tên cho tàu chiến của mình là HMS Tiger. Sức khỏe và sự dũng mãnh của loài hổ trở thành biểu tượng mạnh đến mức nhiều câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới cũng lấy tên hổ đặt cho câu lạc bộ của mình hoặc gắn với nó bằng một biệt danh, như: Câu lạc bộ Bayern Munich là "Hùm xám xứ Bavaria", Câu lạc bộ Hull City của Anh là "Những chú hổ". Rồi các hãng bia, hàng không, dầu nhớt... cũng thi nhau gắn chữ Tiger với hình ảnh con hổ nhe nanh, vươn mình săn mồi. Cũng từ biểu tượng ấy mà khái niệm con hổ kinh tế (economic tiger) đã xuất hiện ở châu Á (cùng với biểu tượng con rồng châu Á) để chỉ sự vươn lên mạnh mẽ khó gì sánh được, được thế giới thừa nhận trong vài thập niên gần đây.

leftcenterrightdel

Tác phẩm "Ngũ hổ", phù điêu ảnh. Tranh của họa sĩ XUÂN LAM 

2. Từ những quan niệm ban đầu mang ý nghĩa giá trị về sức mạnh và sự linh thiêng, con hổ cũng bước chân vào chốn thâm nghiêm hơn như đời sống cung đình, trong trang viết của các sử gia, nhà văn, nhà thơ.

"Chiếu dời đô" của Lý Thái Tổ nhắc đến thế đất rồng chầu hổ phục của Đại La có thể là nơi mưu nghiệp đế vương muôn đời và cũng nhờ sự tinh tường ấy mà đất nước ta có được Thăng Long-Hà Nội và cơ đồ như ngày nay. Chắc cũng phải từ những chuyện có thật về Hoàng hậu Bảo Thánh đời Trần mà sử gia Ngô Thì Nhậm mới có thể chép lại câu chuyện trong "Đại Việt sử ký tiền biên". Dù câu chuyện có được thần thoại hóa ít nhiều nhưng chuyện hổ dữ thấy cái uy hơn người của Hoàng hậu Bảo Thánh mà không dám làm càn, lặng lẽ đi xuống, đức độ hơn người của Hoàng hậu đã cảm hóa được cả loài súc sinh là thông điệp người xưa muốn gửi đến đời sau. Lại còn một điều lạ nữa là ở vùng gần Sơn Tây (Hà Nội) hiện nay, câu chuyện huyền thoại về ông Ba mươi năm nào cũng bắt một con lợn đại về đặt ở sân đình để góp giỗ Bố Cái Đại Vương, nhằm tỏ lòng ngưỡng mộ sức mạnh tay không đánh chết hổ của Đại vương thời trẻ vẫn được những người cao niên kể với một sự sùng kính cao độ. Câu chuyện hổ bắt thú rừng làm thức ăn cho chúa Nguyễn Ánh thuở còn chạy trốn quân Tây Sơn và tục thờ hổ ở Bà Rịa-Vũng Tàu gắn với truyền thuyết ấy, hay Nguyễn Đình Chiểu cũng kể chuyện hổ giúp người trong truyện thơ "Lục Vân Tiên" của ông hiển nhiên là những tưởng tượng dân gian, nhưng các mẩu chuyện này còn nói về chuyện những con hổ có nghĩa và được người dân tôn thờ. Trí tuệ dân gian là thế. Công bằng và đầy tinh thần nhân văn.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn 1930-1945, có một số nhà văn, nhà thơ viết về hổ, trong đó có Thế Lữ với bài thơ "Nhớ rừng" (Lời con hổ ở vườn bách thú). Cảm hứng về sự bất lực của "hùm thiêng khi đã sa cơ" vừa bi tráng, vừa phẫn uất đã lay động bao nhiêu con tim. Nó như một trải nghiệm đau thương của con người nhớ về những ngày oanh liệt một thời: "Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu".

Không ít truyện cũ và mới viết về con hổ từ những góc nhìn khác, như: "Trí khôn của ta đây", "Trâu đoàn kết giết hổ"... Đó cũng là những góc nhìn khác nhau về con vật này. Cách đây chưa lâu, khoảng thập niên 60-70 của thế kỷ trước, ngày Tết đến, nhất là những năm Dần, tranh Hàng Trống vẽ thần Hổ, bạch hổ thường được người dân mua về treo trong nhà để trừ ma quỷ, cầu mong sức mạnh cho mọi người trong năm mới, cho sự thành công và hanh thông. Thậm chí, trong mâm cỗ cúng cũng có những lễ vật gửi tới ông thần hổ những mong muốn của con người, mong ông chứng giám và phù hộ.

Nhưng ít người biết rằng, có một nhà cách mạng chuyên nghiệp là Hồ Chí Minh đã từ những cuộc đấu giữa voi và hổ thời nhà Nguyễn (thông thường hổ thua vì voi mạnh hơn và cả ý muốn của người tổ chức bao giờ cũng cho voi thắng) để viết về cuộc chiến tranh Đông Dương giữa hổ Đông Dương và voi Pháp thành một tư tưởng quân sự thấm đẫm chất Hồ Chí Minh: Thực tiễn sẽ chứng minh tư tưởng nào sẽ chiến thắng. Cái yếu sẽ trở thành mạnh nếu biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và ưu thế sức mạnh sẽ không còn nếu sức mạnh ấy bị sử dụng cho những mục đích phi nghĩa.

“Nó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu hổ đứng yên thì sẽ bị voi giẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Con hổ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi con voi chảy máu đến kiệt sức và chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy” (Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn phóng viên David Schoenbrun của Báo New York Times ngày 11-9-1946 tại Paris. Duiker, William, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr.379).

PGS, TS PHẠM QUANG LONG